Nhiều người không thể đòi tiền từ các con nợ bằng mọi cách nên đã tìm đến cửa nhờ đòi nợ thuê. Từ đó nghề đòi nợ thuê có "đất làm ăn" nhưng cũng phát sinh nhiều hệ quả.
“Dưới 100 tuổi kêu bằng mày…”
|
Trong lúc đòi nợ thuê, Nguyễn Thành Tân đã dùng ly thủy tinh đập vào đầu một người gây trọng thương và bị bắt sau một thời gian lẩn trốn. Ảnh: Trí Tín |
Từng làm công việc đòi nợ thuê, Đ. (ngụ quận 8, TP HCM) cho biết cách thức mà lực lượng “xã hội đen” và cả một số công ty đòi nợ thuê có giấy phép hoạt động thường sử dụng để đòi nợ là hù dọa, đánh dằn mặt, đeo bám “con nợ”, đưa người đến ngồi ở nhà hoặc đứng trước nhà con nợ, để xe có dòng chữ đòi nợ thuê trước cửa nhà, dùng những lời nói “anh chị” để “nắn gân” như: “Trên 100 tuổi gọi bằng chú, dưới 100 tuổi kêu bằng mày”… Tuy nhiên, Đ. cũng cho biết trên Người Lao động là nguyên tắc của các lực lượng này là hạn chế vi phạm pháp luật, chỉ muốn chuyện đòi nợ diễn ra êm thấm, ít người biết. Chỉ khi nào con nợ “quá lắm” mới dùng “biện pháp mạnh”.
“Lúc trước, tôi từng tham gia đòi nợ thuê cho một đơn vị ở quận 5 bị một người nợ tiền vật liệu xây dựng nhưng không trả. Chúng tôi thỏa thuận chia 50/50 số tiền nợ. Tôi rủ thêm một người nữa đi đòi nợ. Khi đến nơi, tôi yêu cầu “con nợ” trả tiền nhưng ông ta không những không trả mà còn thách thức. Tôi bỏ về, bí mật theo dõi đường đi nước bước của ông ta rồi dùng biện pháp mạnh. Sau đó, người nhà ông ta đã mang tiền đến trả” - Đ. kể. Hỏi Đ. “biện pháp mạnh” là gì, Đ. cười cười: “Thì… đánh dằn mặt mấy cái…”.
Theo báo An ninh thế giới, khác với những băng nhóm đâm thuê chém mướn, giết người diệt khẩu hay thanh toán đối thủ trong làm ăn,… những băng nhóm đòi nợ thuê luôn có các nguyên tắc hoạt động nhất định.
Tuy nhiên, những nguyên tắc không lề luật này thường chỉ được các băng nhóm giang hồ chuyên nghiệp tôn trọng để tránh sự ồn ào không đáng có khi xảy ra chuyện. Nhưng, giang hồ chuyên nghiệp tôn trọng cứ tôn trọng, còn đám du đãng lập băng kiếm số má xong kiêm thêm nghề đòi nợ thuê thì điều chúng quan tâm nhất chỉ là… tiền.
Giá của mỗi phi vụ đòi nợ thuê thường từ 20 đến 30% trên tổng số nợ mà chủ nợ đòi được. Đối với những con nợ khó đòi, tỉ lệ này sẽ được nâng lên kịch khung là 50%. Thông thường, chủ nợ muốn mướn giang hồ chuyên nghiệp thực hiện phi vụ đòi nợ thuê đều phải trình bày giấy tờ chứng minh con nợ đang vay tiền của mình và cố tình chây lỳ không trả. Sau khi có được thông tin, vệ tinh của băng nhóm giang hồ được nhờ vả sẽ nhanh chóng xác minh con nợ mình sắp đòi thuộc dạng nào, số má ra sao để có thể đưa ra tỉ lệ ăn chia với chủ nợ.
Tỉ lệ ăn chia được thỏa thuận xong, là lúc chủ nợ đã hết trách nhiệm (dĩ nhiên là khi mọi chuyện diễn ra suôn sẻ), mọi chuyện tiếp diễn như thế nào đều do một tay giang hồ làm. Đầu tiên, bọn chúng sẽ "nắn gân" hay còn gọi là "đo máu" thử xem con nợ thuộc dạng gì, độ gan lì đến đâu. Nếu là dân "mềm" có thể nắn được, thì chỉ cần vài cái tin nhắn, một cuộc điện thoại xưng danh, hay một vài tay giang hồ nào đó có số má ở khu vực con nợ đang cư trú thì mọi chuyện sẽ kết thúc, con nợ chắc chắn sẽ cầm cố, chạy vạy hết mọi nơi miễn sao có đủ tiền nộp cho bọn chúng để được yên thân.
Liên kết trong giới đòi nợ thuê
Nếu là con nợ thuộc dạng "chất rắn", bọn chúng sẽ bố trí cho vài tên đàn em theo dõi người thân trong gia đình của con nợ, như: vợ chồng, con cái, cha mẹ hay anh chị em... Nhưng, điều đặc biệt là khi theo dõi, bọn chúng thường cố ý cho người bị theo dõi phát hiện ra chuyện... mình đang bị theo dõi. Chúng làm điều này là bởi, giang hồ chuyên nghiệp cũng chỉ mong chuyện đòi nợ diễn ra êm thấm, càng ít người biết càng tốt, và nếu hăm dọa có thể xong việc thì đó chính là chuyện mà dân giang hồ đều hy vọng "cầu được, ước thấy". Và khi cách thức này không được, bọn chúng mới gây án. Trên thực tế, rất hiếm khi băng nhóm giang hồ chuyên nghiệp gây án khi đòi nợ thuê bởi những lý do mà tôi vừa kể trên.
Ngoài ra, giữa những băng nhóm giang hồ cộm cán, chúng còn liên kết với nhau để tạo thành mạng lưới đòi nợ khép kín trên nguyên tắc "không xâm phạm đến lãnh địa của nhau". Ví dụ, khi chủ nợ muốn thuê giang hồ quận 1 đòi nợ một con nợ ở quận 3, thì đám giang hồ quận 1 sẽ nhờ giang hồ tại quận sở tại đòi nợ giúp. Và khi giang hồ quận 3 đòi được nợ, tỉ lệ ăn chia giữa 2 băng nhóm này là 4-6, kẻ đòi được nợ lãnh 6 phần, kẻ làm "cò đòi nợ thuê" sẽ nhận 4 phần theo tỉ lệ đã thỏa thuận trước đó với chủ nợ.
Khác với dân giang hồ gốc, bọn du đãng đòi nợ mướn thì chuyện gì cũng dám làm. Thậm chí số tiền đòi nợ rất nhỏ, chúng vẫn sẵn sàng lao vào chém con nợ miễn sao moi được tiền.
“Bị con nợ chây ì, “xù” nợ mà có kiện tụng cũng không giải quyết được, của đau con xót thì người ta mới nhờ đến lực lượng đòi nợ thuê. Tuy nhiên, có nhiều người thuê nhầm con nghiện đi đòi nợ, tiền mất tật mang; cũng có người thuê nhầm đám du đãng lập băng kiếm số má kiêm thêm nghề đòi nợ thuê thì điều chúng quan tâm nhất chỉ là… tiền, chuyện gì cũng dám làm. Thậm chí, số tiền rất nhỏ nhưng chúng vẫn sẵn sàng lao vào chém con nợ” - Đ. cảnh báo.
Coi chừng bị liên lụy!
Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Công ty Luật TNHH Đức Chánh, cho biết hiện nay, tỉ lệ bản án được thi hành và tỉ lệ thi hành án thành công còn khá thấp dù trước đó, người được thi hành án đã mất một khoảng thời gian dài để theo đuổi vụ kiện và có được bản án hoặc quyết định của tòa án. Đó là lý do mà dù biết có nhiều rủi ro và mức phí cao (30%-50%) nhưng rất nhiều người lựa chọn ký hợp đồng thu hồi nợ với công ty đòi nợ thuê vì hiệu quả cao và thời gian nhanh hơn.
Tuy nhiên trên thực tế, bên cạnh những công ty hoạt động đúng tôn chỉ mục đích, đúng pháp luật, không ít công ty đòi nợ thuê dùng nhiều chiêu thức ngoài luật để làm áp lực lên con nợ, gây mất trật tự công cộng. Để giải quyết nhanh gọn hợp đồng, một số công ty đòi nợ thuê sẵn sàng dùng các đối tượng có tiền án, tiền sự để đe dọa, khủng bố, bắt giữ con nợ, cưỡng đoạt tài sản, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Lúc đó, chủ nợ cũng không tránh khỏi bị liên lụy.
Lôi Phong (tổng hợp)