Năm 2018, có những trường tuyển sinh khối ngành kỹ thuật, công nghệ, thậm chí đòi hỏi nhiều tính toán như kế toán, tài chính nhưng... không có môn Toán mà bằng các tổ hợp khối C, điều này đã gây lo lắng cho chất lượng đào tạo của các trường.
Tổ hợp xét tuyển kiểu..."vơ bèo, vạt tép"
Bên cạnh những khối xét tuyển truyền thống như A, A1, D1,... cho nhóm ngành kế toán, kinh tế, tài chính, công nghệ thông tin thì giờ đây, nhiều trường đại học xét tuyển cả bằng các tổ hợp có các môn Văn, Sử, Địa, Giáo dục công dân (GDCD) - vốn lâu nay vốn chỉ được sử dụng để tuyển sinh các ngành lĩnh vực khoa học xã hội.
Trong mùa tuyển sinh năm nay, các trường như ĐH công nghệ Đồng Nai, ĐH Hùng Vương, ĐH Nam Cần Thơ, ĐH Thái Bình hay ĐH Thủ Dầu Một, ĐH Đông Đô… hoặc ngay chính trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng có tuyển sinh tổ hợp đặc biệt cũng khiến nhiều người phải suy nghĩ khi tuyển sinh các tổ hợp giữa các môn. Tuy vậy, việc sử dụng tổ hợp Văn - Sử - Địa và Văn - Sử - Giáo dục công dân để tuyển sinh các ngành Kế toán, Quản trị Kinh doanh, Tài chính-ngân hàng, Kỹ thuật ô tô, Điện-điện tử, Chế tạo máy, Kỹ thuật xây dựng, Công nghệ thông tin, thậm chí là cả ngành Kỹ thuật xét nghiệm y học (được Trường ĐH Công nghệ Đồng Nai xét tuyển)khiến không ít người lo ngại cho chất lượng tuyển sinh cũng như chất lượng đầu ra của các trường này.
Ngay cả trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng xét tuyển hai tổ hợp khối C03 và C04 cũng khiến nhiều người lo lắng. Chia sẻ về việc này, ông Bùi Đức Triệu - Trưởng phòng Quản lý đào tạo Trường đại học Kinh tế quốc dân cho rằng trường ĐH Kinh tế quốc dân đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực nên trước đây, khi trường xác định xét tuyển theo khối A truyền thống thì nhiều ngành học ít dùng kiến thức Lý, Hóa, thậm chí có khi không.
Đối với các ngành tuyển sinh khối tổ hợp C03 và C04 không yêu cầu học sinh giỏi toán như các ngành khoa học kỹ thuật, tự nhiên mà chỉ cần đòi hỏi ở mức cơ bản. Hơn nữa, tổ hợp khối C nằm trong tổng xét tuyển cả 3 môn, nếu 20 điểm mới trúng thì ít nhất môn Toán cũng phải đạt khoảng 5 điểm trở lên và 2 môn còn lại được 7-8 điểm/môn hoàn toàn có thể học được ngành mà tổ hợp C03 và C04 khi học sinh đăng ký.
Việc các trường sử dụng nhiều tổ hợp môn khác nhau để tuyển sinh sẽ mở rộng cơ hội lựa chọn ngành cho các thí sinh. Tuy nhiên, theo các chuyên gia giáo dục và các thầy cô giáo giảng dạy tại các trường THPT thì việc các trường đang "vơ bèo vợt tép" thì các học sinh cần cân nhắc kỹ trước khi nộp hồ sơ bởi sự khác biệt giữa tính chất ngành học và tổ hợp môn thi có thể khiến các em gặp khó trong quá trình học tập sau này.
Bởi không ít các học sinh khi vào được các trường ĐH rồi đều không theo học kịp hoặc chán nản phải bỏ học khi không tìm được mục tiêu theo đuổi, thậm chí có những học sinh bị đuổi học vì không theo nổi các tín chỉ mà nhà trường đề ra.
Đưa ra quan điểm của mình về các tổ hợp một cách khá ngược đời trên, ông Trần Anh Tuấn - Phó giám đốc trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực (TP.HCM) khẳng định việc các em học sinh theo học trái ngành, trái nghề khi ra trường đã khó xin việc, không có hứng thú học tập chứ chưa nói đến những học sinh chuẩn bị học trái với những trường học của mình. Bởi đơn giản chất lượng đào tạo cũng sẽ đánh giá lại khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động đối với các ứng viên khi ra trường.
Bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD-ĐT)
Các trường phải chịu trách nhiệmvới cáctổ hợp thi bất thường
Chia sẻ với phóng viên về "tổ hợp khối C" mà các trường đang áp dụng hay ngành Văn học lại tuyển sinh bằng tổ hợp khối A, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết hiện nay các trường đều tự chủ đại học để quyết định phương thức tuyển sinh, chịu trách nhiệm hoàn toàn về công tác tuyển sinh ở trường mình. Các trường khi được đảm bảo quyền tự chủ nhưng vẫn phải giải trình về các bài thi tổ hợp mà trường mình đưa vào xét tuyển, đáp ứng với nhu cầu đào tạo.
Thông thường, ít nhất phải có một hoặc hai môn thi trong tổ hợp được coi như là môn kiến thức nền tảng, môn tiên quyết để có thể vào học chương trình đào tạo. Việc các trường mở rộng tổ hợp xét tuyển, theo bà Phụng thì các trường sẽ gặp nhiều bất lợi vì phụ huynh và học sinh đều nghi ngờ chất lượng tuyển sinh của nhà trường. Bên cạnh đấy, các trường phải báo cáo với Bộ GD-ĐT tỷ lệ học sinh ra trường có việc làm để Bộ xem xét trong các vấn đề xét tuyển của nhà trường ở những năm tiếp theo cũng sẽ khó khăn hơn các trường khác khi tuyển sinh các môn học truyền thống.
Cũng theo bà Phụng, quan trọng hơn là chất lượng đào tạo và uy tín của nhà trường sẽ bị giảm sút khi thấy trường tuyển sinh bằng cách “vơ bèo vạt tép”, người sử dụng lao động sẽ nghi ngờ chất lượng đào tạo của trường, không muốn nhận sinh viên của trường. Và như vậy, trường lại tiếp tục không thu hút được sinh viên giỏi, giảng viên giỏi. Nếu điều đó cứ tiếp diễn thì đó sẽ là quá trình “tự sát” vì trong điều kiện thông tin minh bạch như hiện nay, khó có thể “vàng thau lẫn lộn”.
"Chúng tôi tin rằng những trường lựa chọn cách trên không nhiều. Nếu thấy những tổ hợp quá bất thường, chúng tôi sẽ trao đổi, yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, chúng tôi có thể lựa chọn những trường có dấu hiệu tiêu cực này để trước hết, kiểm tra, thanh tra về các điều kiện đảm bảo chất lượng, việc thực hiện các quy định về tuyển sinh, đào tạo, việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp... Những trường chất lượng thấp sẽ bị cảnh báo; nếu có vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định, thậm chí đến dừng tuyển sinh và công khai cho xã hội biết để phòng ngừa chung" - bà Phụng khẳng định.
Việc đào tạo một cách ngược đời dễ dẫn đến việc tỷ lệ sinh viên ra trường bị thất nghiệp gia tăng mà còn thể hiện sự thiếu trách nhiệm trong việc các trường cam kết đào tạo thí sinh của mình đáp ứng đủ với yêu cầu nhân lực của xã hội. Việc đưa ra các tổ hợp thi bất thường càng chứng tỏ sự lôi kéo thí sinh bất chấp mọi hậu quả sau này của chính các trường đang khan hiếm thí sinh khi khó tuyển sinh ở các năm trước.
Thực tế đã chứng minh, hàng chục ngàn sinh viên bị cảnh cáo học vụ hàng năm tại các trường ĐH - CĐ vì học tập chểnh mảng, bỏ học, học không nổi đã cho thấy tầm quan trọng của công tác định hướng, chọn ngành, chọn trường đối với học sinh. Trong đó, các trường ĐH - CĐ chính là những người đóng vai trò chủ đạo trong việc định hướng, khai mở đam mê bản thân cho từng thí sinh để giúp các em dấn thân cho đam mê của mình.
Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Lý, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ Thủ Đức, việc xuất hiện các tổ hợp xét tuyển mới một cách ồ ạt sẽ khiến thí sinh và phụ huynh cảm thấy rối rắm hơn. Việc học trái với đam mê, môn học của mình sẽ khiến các học sinh vất vả nhiều hơn. Ví như các em ở khối C truyền thống lâu nay không có cái gốc cơ bản nhất của khối ngành tự nhiên, khi vào học các em sẽ không thể hiểu được bản chất của vấn đề. Việc đưa các em vào thế khó như vậy là ích kỷ và tội cho các em. Vì chắc chắn khi ra trường các em sẽ là người gánh chịu hậu quả từ việc học trái năng lực và sở trường của mình.
Dạ Thảo