Việc tìm ra loại vi rút gây chết người tiếp theo và ngăn chặn chuột, dơi hoặc khỉ lây lan sang người nên là trọng tâm chính trong nỗ lực của thế giới nhằm ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Cách ngăn chặn đại dịch tiếp theo ít tốn kém hơn đầu tư vào xét nghiệm, điều trị và vắc xin

Sơn Vân - Ảnh: AFP | 05/02/2022, 18:54

Việc tìm ra loại vi rút gây chết người tiếp theo và ngăn chặn chuột, dơi hoặc khỉ lây lan sang người nên là trọng tâm chính trong nỗ lực của thế giới nhằm ngăn chặn đại dịch tiếp theo.

Một nhóm các nhà nghiên cứu quốc tế đã đề nghị như vậy trên Tạp chí Science Advances.

Các nhà nghiên cứu cho biết ngăn chặn các dịch bệnh từ động vật hoang dã lây sang người sẽ giảm thiểu tử vong, tiết kiệm hàng tỉ chi phí và cần được ưu tiên trước việc phát hiện, tìm cách trị vi rút sau khi con người mắc bệnh.

Các chuyên gia dịch bệnh và nhà sinh vật học động vật hoang dã từng cảnh báo về những nguy cơ chết người do mầm bệnh lây lan từ động vật sang người trước khi COVID-19 xuất hiện. Danh sách dài các loại vi rút trước đây có HIV, Ebola và chikungunya.

Chikungunya là bệnh gây ra bởi loại vi rút cùng tên, lây lan do muỗi truyền bệnh và lan rộng ở các khu vực nhiệt đới. Chikungunya gây ra các triệu chứng tương tự như viêm khớp, đau và sưng ở khớp, cơ bắp bị đau, nhức đầu.

2 năm chiến đấu với SARS-CoV-2, loại vi rút có thể đã nhảy sang người từ một loài động vật không xác định ở thành phố Vũ Hán (Trung Quốc) làm tăng thêm mối đe dọa đó và sự cấp thiết của việc ngăn chặn một căn bệnh kỳ lạ tiếp theo bùng phát trên toàn cầu, theo Aaron Bernstein, Giám đốc tạm thời của Trung tâm Khí hậu, Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại Đại học Harvard và là bác sĩ nhi khoa tại Bệnh viện Nhi Boston.

ngan-chan-dai-dich-tiep-theo-it-ton-kem-hon-dau-tu-vao-xet-nghiem-dieu-tri-vac-xin.jpg
Thế giới nên tập trung nỗ lực vào việc ngăn chặn đại dịch tiếp theo bằng cách nhận thức được các ký sinh trùng do dơi, chuột và khỉ truyền sang người và thực hiện các bước để ngăn chặn điều đó

Tập trung vào chẩn đoán, điều trị và tiêm vắc xin sau khi bệnh xuất hiện mà không biết làm thế nào những mầm bệnh này được truyền sang người là bỏ lỡ vấn đề quan trọng, theo Aaron Bernstein, tác giả chính của bài viết trên tạp chí Science Advances được xuất bản bởi nhóm 20 nhà nghiên cứu trên khắp năm châu lục.

Aaron Bernstein nói rằng không phải vắc xin, dược phẩm và xét nghiệm chẩn đoán, mà việc giải quyết các đại dịch trong tương lai nên bắt đầu trước khi vi rút đến. “Vắc xin không phải là phương pháp phòng ngừa chính”, ông nhấn mạnh.

Các nhà nghiên cứu ước tính sẽ tiêu tốn 20 tỉ USD mỗi năm để tập trung các nỗ lực phòng ngừa ở những địa điểm có nguy cơ cao nhất, chỉ bằng 1/10 thiệt hại kinh tế ước tính hàng năm do các bệnh do vi rút mới gây ra. Đó là cái giá nhỏ nếu đặt cạnh ước tính 3,3 triệu sinh mạng bị mất mỗi năm do bệnh truyền nhiễm mới.

Nghiên cứu cho thấy các đợt bùng phát vi rút mới đang xảy ra với tốc độ ngày càng tăng và dự kiến ​​sẽ còn thường xuyên hơn.

Họ chỉ ra những căn bệnh đã được theo dõi ở động vật, như dịch bệnh ở lợn đang diễn ra tại Trung Quốc và bệnh suy mòn mãn tính (chronic wasting disease - CWD) ở hươu tại Mỹ.

Suy mòn mãn tính (còn gọi là bệnh hươu zombie) sẽ tấn công não, cột sống và mô trong cơ thể của loài hươu, nai, nai sừng tấm... khiến chúng giảm cân nhanh chóng, thiếu hợp tác và thậm chí trở nên hung dữ, gây hấn với đồng loại trước khi chết. Cái tên "hươu zombie" bắt nguồn từ các dấu hiệu đặc trưng của bệnh, như ánh mắt lờ đờ, xương sườn lộ ra ngoài và toàn cơ thể như bị phân hủy.

Những căn bệnh này không chỉ có thể lây truyền trực tiếp từ động vật sang người, mà còn qua côn trùng như bọ ve, muỗi, thậm chí cả sên vườn và ốc sên.

ngan-chan-dai-dich-tiep-theo-it-ton-kem-hon-dau-tu-vao-xet-nghiem-dieu-tri-vac-xin1.jpg
Khỉ khổng lồ Rhesus tại một ngôi đền ở thủ đô Kathmandu, Nepal

Stuart Pimm, Giáo sư sinh thái học bảo tồn tại Trường Môi trường Nicholas tại Đại học Harvard (Mỹ), cho biết hầu hết các loại dịch bệnh đều lây lan từ dơi, chuột và khỉ, vốn rất đa dạng ở các vùng nhiệt đới ẩm ướt trên thế giới.

Chúng tôi biết chúng đang ở những quốc gia nào. Có vẻ như chúng ta sẽ rất thận trọng khi biết những gì trong loài dơi nhiệt đới”, Stuart Pimm cho hay.

Không nên nhập khẩu những động vật đó nếu không tìm hiểu xem chúng đang mang loại bệnh gì, ông nói thêm.

Chúng ta nên chú ý nhiều đến những gì có thể ở ngoài kia, những gì lây nhiễm cho động vật và những gì lây nhiễm cho động vật mà chúng ta đang nhập khẩu, cho việc buôn bán vật nuôi, thịt rừng hoặc một số loại mặt hàng xa xỉ”, Stuart Pimm chia sẻ.

ngan-chan-dai-dich-tiep-theo-it-ton-kem-hon-dau-tu-vao-xet-nghiem-dieu-tri-vac-xin21.jpg
Những người đeo khẩu trang mua sắm tại một quầy hàng gà ở chợ ẩm ướt ở thành phố Thượng Hải, Trung Quốc vào ngày 13.2.2020. Số người chết và ca mắc COVID-19 ở Trung Quốc tăng đột biến vào ngày này sau khi nhà chức trách thay đổi phương pháp đếm, gây lo ngại rằng dịch bệnh tồi tệ hơn nhiều so với báo cáo

Nghiên cứu liệt kê ba nguy cơ chính xuất hiện các mầm bệnh mới: Buôn bán và săn bắn động vật hoang dã; thâm canh và mở rộng nông nghiệp; tàn phá các khu rừng nhiệt đới.

Việc phá rừng, đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới, khiến con người tiếp xúc nhiều hơn với các loài động vật khi họ dọn đất để trồng trọt, lấy gỗ và làm đường.

Nghiên cứu phòng chống đại dịch là một trong ít nhất hai bài viết về các chủ đề tương tự được đăng trên các tạp chí trong tuần qua.

Nghiên cứu thứ hai là của một nhóm các nhà khoa học Mỹ tại Đại học Florida và Đại học Stetson, cho biết họ là những người đầu tiên ghi nhận ấu trùng của giun ký sinh ở phổi chuột sống bên trong loài ếch cây Cuba.

Terry Farrell, Giáo sư sinh học tại Đại học Stetson, cho biết khi trưởng thành, ấu trùng giun phổi sống trong phổi chuột. Con người có thể nhiễm giun phổi do vô tình ăn phải ốc sên hoặc sên ăn nông sản.

Terry Farrell cho hay nâng cao nhận thức về nguy cơ tiềm ẩn từ các loại ký sinh trùng mới xuất hiện nên được ưu tiên.

Ông nói: “Thật đáng kinh ngạc và kinh hoàng khi dịch bệnh trên toàn cầu đang lây lan một cách nhanh chóng. Hầu hết tất cả bệnh ký sinh trùng mà chúng tôi lo ngại đều lây truyền qua chuỗi thức ăn”.

Đó là mối quan tâm đặc biệt ở bang Florida (Mỹ), trung tâm nhập khẩu các loài bò sát, lưỡng cư và cá, theo Terry Farrell.

Stuart Pimm lưu ý rằng khu vực quan trọng cần quan tâm là Amazon, nơi có thể bay 4 giờ đến thành phố Miami (bang Florida, Mỹ).

Nghiên cứu phòng chống đại dịch đã khuyến nghị ba hành động: Giám sát tốt hơn các mầm bệnh tiềm ẩn, quản lý tốt hơn hoạt động buôn bán động vật hoang dã trên thế giới; giảm đáng kể nạn phá rừng.

Aaron Bernstein nói các biện pháp này cũng có thể có những lợi ích khác, chẳng hạn bảo vệ môi trường sống của động vật hoang dã và loại bỏ carbon khỏi khí quyển.

Marcia Castro, Chủ tịch Bộ phận dân số và sức khỏe toàn cầu tại Harvard T.H. Chan School of Public Health, cho biết một số trung tâm nhỏ cố gắng theo dõi các mầm bệnh. "Thế nhưng, một trong những thách thức là phải có một mạng lưới thực sự trên toàn thế giới", bà nói.

Các cá nhân có thể làm gì để giúp ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh?

Aaron Bernstein đề xuất ăn các loại thực phẩm được trồng tại địa phương nếu có thể, mua sản phẩm từ các công ty tiết lộ nguồn gốc đến từ đâu và tránh các sản phẩm dựa vào nguyên liệu từ rừng nhiệt đới. Ông cũng khuyên không nên mua những vật nuôi ngoại lai từ các vùng biển hoặc rừng nhiệt đới, không nên mua quần áo làm từ động vật nuôi hoặc hoang dã.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
20 phút trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách ngăn chặn đại dịch tiếp theo ít tốn kém hơn đầu tư vào xét nghiệm, điều trị và vắc xin