50.000 km đó là kết quả tính trong suốt một năm mà chúng tôi nhẩm trong đầu, khi thực hiện phóng sự ảnh về chị Nguyễn Thị Phương mỗi ngày chở cậu con trai tật nguyền đi học trên con đường Tiền Giang - TP.HCM.
Chị Nguyễn Thị Phương có nhà ở Gò Công Đông, Tiền Giang. Chị có một con trai 5 tuổi là cháu Đặng Nguyễn Tuấn Kiệt. Ngay từ khi chào đời, Tuấn Kiệt đã bị mù và bại liệt cả hai chân. Vừa bệnh tật, lại vừa sinh non thiếu ba tháng nên Kiệt gầy gò, ốm yếu.
Khi Kiệt lên 4 tuổi, chị Phương thấy lòng quặn thắt khi nhìn con người ta bằng tuổi con mình chạy nhảy tung tăng, hát ca ríu rít. Rồi chị cũng thấy trong cuộc đời có biết bao người khuyết tật nhưng vẫn sống vui, sống có ích.
Thế là chị tìm hiểu và được biết chỉ Trường phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) mới nhận trẻ đa tật, và một năm nay, ngày ngày chị chạy xe vượt hơn 140km đưa Kiệt từ Tiền Giang lên TP.HCM học. Kinh tế gia đình giờ đây dồn lên đôi vai người chồng. Anh lặn lội lên Bình Phước làm ăn để kiếm tiền gửi về nuôi vợ con.
Lúc đầu chị tính ở trọ cùng Kiệt tại TP.HCM để tiện việc học và luyện tập của con nhưng do sinh thêm đứa thứ hai (nay đã được 3 tuổi), chị phải chở Kiệt đi về mỗi ngày. Không chỉ đưa con đi về, chị còn là cô hướng dẫn, là bạn sát cánh bên Kiệt từng giờ phút để luyện theo những bài tập do giáo viên dạy.
Tối về chị lại một mình ôn luyện cho con. Đổ bao công sức, chị chỉ mong Kiệt biết những điều bình thường nhất là biết ngồi, biết nói, biết đi. Chị tự hứa với lòng dù phải mất cả 10 năm, 20 năm và thậm chí cả đời đến trường cùng con thì cũng quyết làm bằng được.
Số phận không nỡ ngoảnh mặt với bà mẹ có tấm lòng “bao la như biển Thái Bình” này. Giờ đây, sau một năm nỗ lực, Kiệt đã chập chững những bước đi đầu tiên, đã biết hát, biết bi bô gọi mẹ.