Sau khi xác định được vị trí chính thức của hai dầm cầu Ghềnh bị chìm, cầu cẩu lớn và nhiều trang thiết bị trục vớt đang được đưa đến hiện trường.

Cần cẩu cỡ lớn đã áp sát nhịp dầm cầu Ghềnh bị chìm

Một Thế Giới | 27/03/2016, 14:19

Sau khi xác định được vị trí chính thức của hai dầm cầu Ghềnh bị chìm, cầu cẩu lớn và nhiều trang thiết bị trục vớt đang được đưa đến hiện trường.

Hôm nay 27.3, hai sà lan cỡ lớn chở cần cẩu khủng đã áp sát vị trí cầu Ghềnh bị sập. Đội người nhái cũng đang tiến hành những công việc khẩn trương của mình. Đến trưa cùng ngày, nước thủy triều rút giúp việc neo đậu của các sà lan gặp nhiều thuận lợi.

Được biết, việc trục vớt hai dầm cầu Ghềnh này sẽ chính thức bắt đầu vào ngày 28.3. Theo ông Trương Hùng Phương, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng kỹ thuật biển (Portcoast): “Dự kiến việc trục vớt sẽ cần thời gian từ 3 đến 4 ngày mới xong. Bình đồ, bản vẽ chi tiết và thông số kỹ thuật về hai dầm cầu bị chìm đã được hoàn thành chi tiết.”

Ông Nguyễn Duy Thắng, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 1 cho biết: “Công tác triển khai trục vớt gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của thủy triều lên xuống hằng ngày. Khi nước lớn các người nhái sẽ cực kỳ khó làm việc. Nhưng khi nước rút sẽ lộ ra nhiều đá ngầm, tàu cỡ lớn không thể tiếp cận hiện trường được, chỉ có thể sử dụng tàu, thuyền nhỏ”.

Can cau co lon ap sat noi dam cau Ghenh bi chim
Thủy triều lên xuống nhanh khiến tàu thuyền lớn khó neo đậu vì đá ngầm, buộc phải dùng thuyền nhỏ. 

Trước đó, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường nói: Đối với đường sắt, đây là ngành vận tải đặc thù, do đó việc xây dựng các cầu tạm hay các cầu phao sẽ không thể thực hiện được, vì nó yêu cầu một sự ổn định rất cao và chịu tải trọng rất lớn. Do đó, phương án hiện nay đối với tuyến đường sắt Bắc - Nam là phải dừng lại ở ga Biên Hòa, sau đó trung chuyển. Chúng tôi cũng đang khảo sát các trụ mố cầu bị đâm gãy, vì bản thân các mố trụ này đang rất tốt, do đó nếu đảm bảo chúng tôi sẽ làm lại các thân trụ. Song song với đó sẽ làm hai thân trụ mới và thi công hai nhịp cầu thép mới để thay thế cho hai nhịp cầu bị đâm gãy. Thời gian ít nhất khoảng từ 3 - 5 tháng mới có thể khắc phục xong để tuyến đường sắt Bắc - Nam lưu thông trở lại.

Chính vì thế việc trục vớt hai dầm cầu Ghềnh được xem là tối quan trọng để mở ra công tác xây dựng cầu mới. Sáng 23.3, Sở GTVT Đồng Nai và các đơn vị liên quan đã phối hợp phân luồng giao thông trên sông Đồng Nai và cho phép tàu thuyền trọng tải dưới 400 tấn được đi qua đoạn cầu Ghềnh.

Do vướng các hạng mục cầu bị chìm nên cơ quan chức năng thông luồng tại khoang thuyền phụ (khoang số 4) của cầu Ghềnh phía phường Bửu Hòa. Tàu bè qua khu vực này sẽ được CSGT đường thủy hướng dẫn để tránh va chạm. Để đảm bảo an toàn, những tàu bè lớn chỉ được lưu thông một chiều, từng chiếc một qua khu vực này. Thời gian qua lại khu vực này cũng được quy định cụ thể là từ 6 giờ-18 giờ hằng ngày. Khi tiến hành trục vớt dầm cầu Ghềnh các phương tiện đường thủy qua lại khu vực này sẽ không được lưu thông. Sau khi việc trục vớt hoàn thành, tàu thuyền, sà lan có trọng tải trên 400 tấn sẽ được lưu thông qua khu vực trên.

Hồ Đông – Nguyễn Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần cẩu cỡ lớn đã áp sát nhịp dầm cầu Ghềnh bị chìm