Việc quy định hợp pháp hóa chuyển giới được thông qua được xem là một bước tiến về nhân quyền và là một thắng lợi với những tổ chức vận động quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chưa rõ trong quy định mới này.

Cần nhìn trực diện vào cách hiểu về giới

Một Thế Giới | 17/12/2015, 05:00

Việc quy định hợp pháp hóa chuyển giới được thông qua được xem là một bước tiến về nhân quyền và là một thắng lợi với những tổ chức vận động quyền cho người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn có những điểm chưa rõ trong quy định mới này.

Đầu tiên, quyền được thay đổi hộ tịch trong quy định mới chỉ áp dụng cho người “đã chuyển đổi giới tính”. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Thế nào là người đã chuyển đổi giới tính?
Những vấn đề phức tạp
Với quy định hợp pháp hóa chuyển giới này, những đối tượng đã đi qua cả một quá trình phẫu thuật khắc nghiệt để thay đổi giới tính sinh học một cách hoàn chỉnh sẽ được công nhận là những “cá nhân đã chuyển giới”.
Nhưng còn những người chuyển giới chỉ đi qua một phần của quá trình (chỉ tiêm hormone, không làm phẫu thuật), hoặc những người chuyển giới không có nhu cầu thay đổi cơ thể sinh học của mình thì sao? Những cá nhân này có được quy định mới bảo vệ?
Cần phân biệt rõ khái niệm “người chuyển giới” (transgender) và “người chuyển đổi giới tính” (transsexual). Khái niệm “người chuyển giới” bao gồm tất cả những ai có “bản dạng giới” (gender) khác với giới tính sinh học (sex) của họ khi được sinh ra.
Trong khi đó, “người chuyển đổi giới tính” là một tập hợp con của “người chuyển giới”, nhằm chỉ những ai đã thực hiện hoặc có nhu cầu phẫu thuật để có giới tính sinh học mới. Không phải người chuyển giới nào cũng có nhu cầu phẫu thuật để có bộ phận sinh dục tương thích với bản dạng giới của họ.
Có những người chuyển giới từ nam sang nữ (male to female) chỉ mong muốn được phát triển bộ phận ngực, nhưng không có nhu cầu cắt đi bộ phận sinh dục nam. Tương tự, cũng có những người chuyển giới từ nữ sang nam (female to male) chỉ muốn làm ngực nhỏ đi chứ không có mong muốn cấy ghép bộ phận sinh dục nam. Ngoài ra cũng có những người chuyển giới chỉ có nhu cầu thể hiện bản dạng giới của mình qua cách ăn mặc chứ không muốn phẫu thuật.
Phẫu thuật chuyển giới là một quá trình khắc nghiệt với nhiều lần phẫu thuật, nhiều rủi ro cho sức khỏe, chi phí không nhỏ và mất thời gian khá dài. Vì vậy, đối với việc phẫu thuật hoàn chỉnh, không phải ai muốn cũng có thể tiến hành mà chỉ một nhóm nhỏ là có thể.
Ở đây, đặt quy định dựa trên việc phẫu thuật để được công nhận giới tính mới là một điều chưa phù hợp bối cảnh kinh tế hiện nay của phần đông người Việt, cũng như đối với các nhu cầu về sức khỏe và nhu cầu giữ chức năng sinh sản của người chuyển giới.
Để tôn trọng cơ thể con người
Với các cơ quan chức năng, thẩm quyền xác định ai là người đã chuyển đổi giới tính và chuyển đổi “đủ” để được thay đổi hộ tịch cũng đặt ra nhiều khó khăn. Liệu ta sẽ có một đội ngũ bác sĩ “khám” và “kiểm tra” những người muốn thay đổi giới tính trên giấy tờ chăng?
Trong một bài viết năm 2009 mang tên “Nhân quyền và bản dạng giới”, ông Thomas Hammarberg, một nhà ngoại giao người Thụy Điển và cũng là một nhà đấu tranh cho nhân quyền, đã nhấn mạnh rằng: việc một số chính phủ ở châu Âu yêu cầu người chuyển giới phải thực hiện phẫu thuật bộ phận sinh dục và triệt sản để được thay đổi giấy tờ là hành động thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với cơ thể con người.
Theo ông Thomas Hammarberg, với quy định này, nhà nước đã can thiệp quá nhiều vào đời tư của người chuyển giới, đồng thời gây khó khăn về tâm lý và về kinh tế cho họ. Lập luận của ông Hammarberg rất đáng ghi nhận vì nó cho thấy khi nhà nước thông qua những điều luật yêu cầu người chuyển giới phải chứng minh giới tính mới của mình bằng cơ thể, thì cơ thể con người vô hình trung đã trở thành một phương tiện để ngã giá cho nhân quyền.
Ở đây có một thông điệp, rằng chỉ có những cơ thể được coi là “chuẩn nam” hay “chuẩn nữ” mới có quyền được công nhận, quyền được sống như mong muốn. Còn những cơ thể còn lại thì vẫn bị xem là “nửa nạc nửa mỡ” và không được bảo vệ trước những định kiến, kỳ thị trong xã hội chúng ta.
Tiếp đến là câu hỏi về việc người chuyển giới ở Việt Nam sẽ được tiếp đón và “kiểm tra” bởi đội ngũ y tế như thế nào? Một báo cáo về đời sống của LGBT tại châu Á năm 2014 do USAID và UNDP phối hợp thực hiện cho thấy phần lớn các đơn vị y tế tại Việt Nam vẫn còn thái độ kỳ thị đối với cộng đồng LGBT (tình hình này tệ hơn ở khu vực nông thôn). Các cơ sở y tế không có các dịch vụ tư vấn về tâm lý và hướng dẫn sử dụng hormone, chưa có nhiều thông tin, hiểu biết về chuyển giới.
Vì vậy, trước mắt cần có sự hướng dẫn cho đội ngũ y tế của Việt Nam cập nhật các kiến thức khoa học về người chuyển giới và về quá trình chuyển giới. Một sự ghi nhận quyền thật sự chỉ có thể thành tựu khi cộng đồng người chuyển giới có thể sống bình thường mà không gặp bất cứ sự kỳ thị nào. Vẫn cần rất nhiều nhận thức và tranh đấu để có được một xã hội như thế.
Cũng cần lưu ý rằng quy định hợp pháp hóa chuyển giới này đặt một số người chuyển giới đồng tính vào tình trạng tréo ngoe. Ở đây, ta cần phân biệt giữa khái niệm “bản dạng giới” nhằm chỉ cảm nhận của một người xem mình thuộc về giới tính nào, và khái niệm “xu hướng tính dục” (sexual orientation) nhằm chỉ xu hướng một người sẽ yêu người cùng giới hay khác giới.
Hai khái niệm này không xác định lẫn nhau, vì vậy ta sẽ có một bộ phận người chuyển giới là dị tính (ví dụ: một người chuyển giới từ nam sang nữ và yêu nam), đồng thời cũng có người chuyển giới đồng tính (ví dụ: một người chuyển giới từ nam sang nữ và yêu nữ).
Khi nhìn rõ hai khái niệm này ta sẽ thấy quy định hợp pháp hóa chuyển giới chỉ cho người chuyển giới dị tính kết hôn, còn người chuyển giới đồng tính thì lâm vào tình trạng: nếu không chuyển giới thì sẽ được kết hôn, còn nếu chuyển giới thì sẽ không được kết hôn. Nói cách khác, họ không thể vừa có được giới tính như mong muốn trên giấy tờ vừa có được cuộc hôn nhân như ý. Luật pháp cần có sự tiếp cận tích cực hơn, như thừa nhận hôn nhân đồng tính, để giải quyết hiện trạng này. ■
Trong thập niên qua, một số nước phát triển đã có quy định hợp pháp hóa việc chuyển giới. Tuy nhiên, những điều khoản cụ thể về việc xác định ai có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi.
Chẳng hạn, Argentina, Đan Mạch, Malta, Ireland quy định: những ai chuyển giới khi đủ 18 tuổi có thể thay đổi giới tính trên giấy tờ bằng cách điền đầy đủ thông tin vào đơn, xác nhận họ là người chuyển giới. Họ không phải chịu bất cứ sự can thiệp y khoa nào để có được chứng nhận này.
Argentina là nước đầu tiên thông qua điều luật này vào năm 2012, sau đó là Đan Mạch (2014), Malta và Ireland (2015). Ý theo chân các quốc gia này sau một quyết định của tòa án tối cao vào tháng 7-2015.
Cũng trong năm 2015, hai quốc gia Bắc Âu là Thụy Điển và Na Uy đưa ra dự luật về hợp pháp hóa chuyển giới không cần sự can thiệp từ y khoa. Ngoài ra, hai nước này cũng đề xuất cho trẻ em có tiếng nói trong việc chuyển giới.
Cụ thể, ở Na Uy, trẻ từ 7 tuổi đã có thể cân nhắc khả năng chuyển đổi giới tính trên giấy tờ, còn ở Thụy Điển thì trẻ từ 12 tuổi có thể quyết định chuyển đổi giới tính. Vì đây là lứa tuổi vị thành niên nên quyết định chuyển đổi này cần sự đồng tình của cha mẹ, tuy nhiên các dự luật này vẫn ưu tiên tiếng nói của trẻ hơn. Nếu dự luật được thông qua thì vào năm 2016, Thụy Điển và Na Uy sẽ là những nước tiếp theo hợp pháp hóa chuyển giới mà không cần y khoa can thiệp.
Phần lớn các quốc gia châu Âu khác đều đặt ra những điều kiện cho người chuyển giới nếu họ muốn thay đổi thông tin trên giấy tờ. Ở Anh, họ phải có giấy xác nhận mắc chứng rối loạn định dạng giới tính (gender dysphoria) và phải sống ở Anh dưới giới tính mong muốn ít nhất là hai năm trước khi có thể đăng ký thay đổi giới tính.
Một cuộc gặp trao đổi của Ủy ban Phụ nữ và bình đẳng của Quốc hội Anh với người chuyển giới tại nước này vào tháng 10-2015 cho thấy những điều kiện trên gây nhiều khó khăn cho những ai muốn thay đổi giới tính trên giấy tờ. Trong khi đó ở Đức, người chuyển giới phải có chứng nhận y khoa về rối loạn định dạng giới.
Ở Pháp, điều kiện cần là người chuyển giới phải có chứng nhận y khoa và phẫu thuật thay đổi giới tính sinh học (điều này tương đương với triệt sản vì quá trình phẫu thuật này sẽ thay đổi bộ phận sinh dục). Phần Lan hiện nay cũng tương tự như Pháp, mặc dù vào tháng 4-2015 các chuyên gia nước này đã đưa ra đề nghị bỏ điều kiện triệt sản khỏi luật hợp pháp hóa chuyển giới.
Tại Mỹ, luật chuyển giới cụ thể tùy thuộc vào từng tiểu bang. Trên mặt bằng chung, cá nhân phải có chứng nhận đã qua phẫu thuật chuyển giới hoặc có sử dụng hormone để thay đổi giấy tờ.
Yến Mai/ Theo Tuổi Trẻ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
9 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần nhìn trực diện vào cách hiểu về giới