Theo PGS-TS Dương Văn Chín - nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phong trào rộng khắp thế giới. Nhiều nước ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, và Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu.

Canh tác nông nghiệp hữu cơ: Thách thức và triển vọng

Văn Kim Khanh | 07/03/2023, 06:00

Theo PGS-TS Dương Văn Chín - nguyên Phó viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phong trào rộng khắp thế giới. Nhiều nước ưu tiên phát triển nông nghiệp hữu cơ, và Việt Nam đã có những thành tựu bước đầu.

Canh tác nông nghiệp hữu cơ là một hình thức nông nghiệp hạn chế thấp nhất hoặc loại bỏ phần lớn việc sử dụng phân bón tổng hợp, thuốc trừ sâu, các loại hóa chất độc hại, các chất điều tiết tăng trưởng của cây trồng, các chất phụ gia trong thức ăn gia súc.

z4159057369819_db3d2b19be66f5d43fcbba6430d99cf9.jpg
Trồng dưa hấu theo hình thức nông nghiệp hữu cơ tại HTX ấp Mỏ Ó - Ảnh: Lương Xuân Cao

Những nông dân canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ dựa vào việc quay vòng mùa vụ, tận dụng các phần thừa sau thu hoạch, phân động vật; canh tác cơ giới để duy trì năng suất đất, cung cấp các chất dinh dưỡng cho cây trồng, kiểm soát cỏ, côn trùng và các loại sâu bệnh... Mục đích của nông nghiệp hữu cơ là bảo vệ môi trường, tăng năng suất của cây trồng, vòng quay đất đai, vật nuôi và quan trọng nhất là sức khỏe cộng đồng.

Ông Triệu Văn Út, Phó chủ nhiệm HTX trồng màu Mỏ Ó (xã Trung Bình, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng) cho biết: “Tôi trồng 6 công (1 công = 1.000m2) dưa hấu, canh tác theo tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ. Vụ dưa cuối tháng 2 vừa rồi tôi thu hoạch được hơn 30 tấn. Tính ra mỗi công được hơn 6 tấn dưa hấu, thu tổng cộng hơn 240 triệu đồng. Tập đoàn Hoa Lâm là doanh nghiệp hợp tác, bao tiêu sản phẩm với mức bao tiêu 70% sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.  Giá thu mua dưa hấu của Tập đoàn Hoa Lâm là 8.000 đồng/kg, cao hơn dưa trồng bình thường 2.000 đồng/kg. Tính ra trung bình 1 công dưa tôi lời hơn 10 triệu đồng”.

z4159057773608_4d5cf59e85bd159fdc832cd51684beed.jpg
Dưa canh tác hữu cơ ở HTX ấp Mỏ Ó  được doanh nghiệp ở TP.HCM hợp tác và bao tiêu sản phẩm - Ảnh: Lương Xuân Cao

 Tại Cần Thơ, năm 2022 huyện Cờ Đỏ có khoảng 250ha đất trồng lúa, 1.000ha cây ăn trái và 70ha rau màu được canh tác theo nông nghiệp hữu cơ. Ông Nguyễn Huy Hoàng, Phó chủ tịch Hội Nông dân huyện Cờ Đỏ cho biết: "Việc canh tác nông nghiệp hữu cơ phải từ 3 năm mới phát huy hiệu quả đối với cây lúa. Thời gian đó nông dân mới thấy được tác dụng cải tạo đất. Tuy nhiên, bà con không đủ kiên nhẫn nên thường chỉ làm khoảng 3 vụ là thôi không canh tác hữu cơ nữa. Khó khăn là canh tác hữu cơ phải có doanh nghiệp cung ứng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học, bao tiêu sản phẩm. Diện tích lúa sản xuất theo hướng canh tác hữu cơ còn ít nên nông dân tìm đơn vị bao tiêu khó khăn, điều này làm một số nông dân sản xuất hữu cơ không bền chí. Riêng trên cây ăn trái và hoa màu, sản xuất hữu cơ đang mang lại hiệu quả tích cực".

2b.png
Trồng nhãn theo hình thức canh tác nông nghiệp hữu cơ ở Cần Thơ - Ảnh: Internet

Sóc Trăng là một trong những địa phương đi đầu trong canh tác nông nghiệp hữu cơ. Toàn tỉnh Sóc Trăng có hơn 5.000ha diện tích sản xuất lúa theo hướng hữu cơ và 7.933ha diện tích sản xuất theo hướng hữu cơ trên cây ăn trái. Việc phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ để từng bước nâng lên. Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ đang lan tỏa mạnh tại nhiều địa phương trong tỉnh, nhưng nhìn chung, vấn đề liên kết ngành hàng vẫn còn khá yếu.

Tỉnh Sóc Trăng có kế hoạch sẽ tăng cường mời gọi các công ty, doanh nghiệp để xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ thí điểm rồi nhân rộng, nhằm giúp sản phẩm hữu cơ của tỉnh không bị đánh đồng về giá bán, giúp nông dân tự tin, không lo ngại về đầu ra như phương thức sản xuất truyền thống. Tỉnh có kế hoạch chủ trì cho sự hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân, tạo ra những sản phẩm hữu cơ đạt tiêu chuẩn, chất lượng quy định.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Vương Quốc Nam cho biết Sóc Trăng rất hoan nghênh sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp đến với tỉnh để thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tỉnh sẽ luôn đồng hành với doanh nghiệp trong điều kiện cho phép để thực hiện nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn. Tỉnh sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp về vấn đề khuyến nông, khuyến ngư từ các nguồn kinh phí sự nghiệp theo quy định để xây dựng các mô hình cho nông dân.

Được biết UBND tỉnh Sóc Trăng đã chính thức phê duyệt đề án Sản xuất nông nghiệp hữu cơ tỉnh Sóc Trăng, giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030, với tổng kinh phí trên 67 tỉ đồng. Mục tiêu của đề án là phát triển mạnh nền nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn tỉnh từ nay đến năm 2030 trên cây lúa, cây ăn trái và rau màu.

lua-tom10-xa-tri-luc.jpg
Mô hình canh tác hữu cơ "con tôm ôm cây lúa" ở các tỉnh Sóc Trăng, Cà Mau đang phát triển   Ảnh: Internet

Hiện nay hầu hết các tỉnh ĐBSCL đều tiến hành hướng dẫn, hỗ trợ và phát triển diện tích canh tác theo hình thức nông nghiệp hữu cơ. Bộ NN-PTNT cũng có nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về tiêu chuẩn và định hướng phát triển nông nghiệp hữu cơ. Đây là hướng đi tất yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam trên con đường hiện đại và hội nhập thế giới. Tuy nhiên, từ một nền sản xuất nông nghiệp bình thường, tiến lên một nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp sạch theo tiêu chẩn của những nền nghiệp hiện đại và xuất khẩu của thế giới phải có quá trình.

Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã ban hành nhiều văn bản quy định về sản xuất và canh tác nông nghiệp hữu cơ: Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 1.8.2018 về sản xuất hữu cơ, chế phẩm bảo vệ thực vật hữu cơ và thuốc trừ sâu hữu cơ; Thông tư số 12/2019/TT-BNNPTNT ngày 19.6.2019 về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 109/2018/NĐ-CP; Quyết định số 3211/QĐ-BNN-LN ngày 12.7.2016 của Bộ NN-PTNT về việc ban hành quy định kỹ thuật quốc gia về sản xuất nông nghiệp hữu cơ; Thông tư số 38/2017/TT-Bộ NN-PTNT ngày 4.12.2017 hướng dẫn việc thực hiện quy chế kiểm định sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

Các văn bản trên đều giúp quy định, hướng dẫn và chỉ đạo nông dân thực hiện sản xuất nông nghiệp hữu cơ đúng quy trình, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, đồng thời đưa sản phẩm hữu cơ vào chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp phát triển bền vững.

PGS-TS Dương Văn Chín, nguyên Phó viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho rằng vấn đề là chúng ta cần phải biết nhu cầu sản phẩm hữu cơ là bao nhiêu (về tiêu thụ trong nước và xuất khẩu) để tổ chức sản xuất theo đơn đặt hàng một cách hợp lý.

z4137355387642_1bf564bcc4a7aca6fcba6bd8d4010e1b.jpg
Sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc ngày nay phải là sản phẩm sạch, có mã số vùng trồng - Ảnh: LHV

Trao đổi với ông Triệu Văn Út, Phó chủ nhiệm HTX trồng màu ấp Mỏ Ó, ông cho rằng canh tác nông nghiệp hữu cơ nông dân gặp khó trong kiểm soát sâu bệnh và côn trùng gây hại. Nông dân không sử dụng thuốc trừ sâu hóa học, điều này đòi hỏi họ phải áp dụng các kỹ thuật kiểm soát sâu bệnh, côn trùng gây hại bằng phương pháp sinh học hoặc sử dụng các chất bảo dưỡng sinh thái, tăng cường độ hấp thụ dinh dưỡng cho cây. Nông dân gặp khó khăn vì hạn chế về thị trường tiêu thụ. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ thường không được tiêu thụ nhiều, không có nhiều cửa hàng bán lẻ được chứng nhận cho sản phẩm hữu cơ. Quá trình canh tác hữu cơ có thể tốn kém và yêu cầu nhiều thời gian hơn so với trồng trọt thông thường, dẫn đến giảm sản lượng. Chi phí đầu tư cao, để đáp ứng các tiêu chuẩn và yêu cầu chứng nhận, nông dân cần đầu tư chi phí để mua các loại phân bón hữu cơ, canh tác và chăm sóc cây trồng, đảm bảo việc giám sát và kiểm tra quy trình sản xuất.

Cũng theo ông Út, chính vì vậy mà trước đây HTX trồng rau màu ấp Mỏ Ó có hơn 20ha, với hàng chục hộ nông dân tham gia, nay chỉ có 8ha với hơn 10 hộ nông dân tham gia canh tác nông nghiệp hữu cơ.

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan khẳng định việc chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ là hướng đi dài hạn.  Các bộ ngành đang làm việc với nhau để cân bằng giữa xuất với nhập, những nguyên vật liệu chính có tác động tới nông nghiệp. Vì thế, việc nông dân chủ động chuyển từ nguồn phân bón hóa học sang phân bón hữu cơ không chỉ là giải pháp ngắn hạn mà còn mở ra cả một đường đi dài hạn.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Canh tác nông nghiệp hữu cơ: Thách thức và triển vọng