Người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang trải qua mùa hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp trong lịch sử. Hiện tại có hàng chục ngàn hecta lúa đã chết khô, con người thiếu nước sinh hoạt và vật nuôi cũng có nguy cơ chết.

Cây cối chết khô, vật nuôi đói khát từng ngày do hạn hán, xâm nhập mặn

Một Thế Giới | 03/03/2016, 11:17

Người dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ đang trải qua mùa hạn hán, xâm nhập mặn khủng khiếp trong lịch sử. Hiện tại có hàng chục ngàn hecta lúa đã chết khô, con người thiếu nước sinh hoạt và vật nuôi cũng có nguy cơ chết.

Hạn, mặn làm lúa chết khô

Hiện tại, các tỉnh ven biển thiệt hại nặng nề nhất do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Tại tỉnh Bến Tre đã xuống giống hơn 14.000ha lúa, qua thống kê đã thiệt hại khoảng 12.000ha và số lượng thiệt hại đang tăng từng ngày. Trong đó, huyện Ba Tri thiệt hại nặng nề nhất.

Ông Nguyễn Thành Lâm, Phó trưởng phòng Nông nghiệp-Phát triển nông thôn huyện Ba Tri cho biết: “Hiện tại toàn huyện có hơn 8.000ha trên tổng số 11.200ha đã gieo sạ bị thiệt hại. Tuy nhiên, diện tích lúa còn lại cũng khó cầm cự được lâu vì nước mặn đã bao vây, lúa không trổ được và có trổ cũng bị lép nên nông dân thiệt hại rất nặng nề”.

Ngoài ra, cuộc sống người dân cũng bị ảnh hưởng khi thiếu nước ngọt sử dụng. Một số hộ trắng tay do mất mùa nên đi làm thuê, làm mướn kiếm sống.

Cay coi chet kho, vat nuoi doi khat tung ngay do han han, xam nhap man-hinh-anh-1Cung cấp nước ngọt cho dân
Trên cánh đồng lúa bị chết dần chết mòn do hạn mặn, ông Nguyễn Văn Tư (ngụ xã Vĩnh Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) vẫn cố ra đồng xem có cứu vãn được hay không. Mặt ruộng đã nứt nẻ thành từng rãnh sâu nên ông chỉ biết lắc đầu ngao ngán: “Khô hạn như thế này thì làm sao mà lúa sống nổi. Gần chục triều đồng đầu tư coi như trắng tay giờ chỉ còn cách đi làm thuê làm mướn mới mong có cái ăn”.

Tỉnh Bến Tre đã công bố thiên tai do hán hán, xâm nhập mặn và đang tập trung quyết liệt bằng mọi cách nhằm hạn chế thiệt hại. UBND tỉnh giao cho các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố tập trung huy động mọi nguồn lực để thực hiện có hiệu quả công tác phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn; khẩn trương triển khai thực hiện kế hoạch thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, thống kê, đánh giá thiệt hại và có chính sách hỗ trợ nhằm giảm bớt khó khăn và tạo điều kiện cho người dân có nguồn vốn tái sản xuất theo đúng quy định.

Hiện tỉnh Bến Tre đã triển khai đầu tư khẩn cấp công trình đập ngăn mặn tại xã Châu Bình (huyện Giồng Trôm) để ngăn nước mặn xâm nhập từ sông Bình Chánh theo rạch Châu Bình vào sâu nội đồng nhằm bảo vệ hơn 14.000ha đất nông nghiệp 2 huyện Giồng Trôm  và Ba Tri. Tỉnh đầu tư khẩn cấp các điểm cấp nước sinh hoạt tập trung để phục vụ cho 2.000 hộ dân tại các vùng khan hiếm nước ngọt thuộc các xã Thừa Đức, Bình Thắng, Thạnh Phước, Thới Thuận (Bình Đại), xã Thạnh Phong, Thạnh Hải (Thạnh Phú)…

Tại tỉnh Trà Vinh, hệ thống cống được đóng kín để bảo vệ lúa nhưng có gần 1.000ha bị mất trắng và thiệt hại từ 30-70%. Ông Nguyễn Văn Trưởng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Trà Vinh cho biết: “Năm nay hán hán, xâm nhập mặn khắc nghiệt nhất từ trước đến nay khi nước mặn đã theo 2 nhánh sông Hậu, sông Cổ Chiên lên đến giáp ranh tỉnh Vĩnh Long cách biển gần 80km. Một số diện tích lúa bị thiệt hại vì khô hạn”.

Tỉnh Tiền Giang, qua thống kê cũng có hơn 1.000ha lúa bị thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra. Trong đó, thiệt hại lớn là ở các huyện Gò Công Tây, Chợ Gạo, thị xã Gò Công…

Người thiếu nước ngọt, gia súc nguy cơ bị đói

Hạn hán, xâm nhập mặn làm cho hàng triệu người dân ở vùng này thiếu nước ngọt, phải sử dụng nước nhiễm mặn, nước sông chất lượng kém. Ông Nguyễn Văn Sùng ngụ ở cồn Bà (xã Tân Thành, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) cho biết: “Ở cù lao này có nước máy nhưng mấy tháng nay cũng bị nhiễm mặn nên đành phải xài tạm chứ không có nguồn nước nào khác. Bây giờ gia đình nào cũng tiết kiệm vì nước mưa còn lại trong lu rất ít chủ yếu là để uống”.

han man, trang tay, nut ne, nuoc ngotNước sinh hoạt rất khan hiếm
Nước ngọt khan hiếm nên người dân phải xài dè sẻn từng chút một mong qua mùa khô hạn. Ông Nguyễn Văn Hậu, ngụ ấp 4 (xã Bình Thới, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre) than thở: “Bây giờ nhà có 4 người nhưng chỉ còn 2 lu nước mưa để uống chứ tuyệt đối không dám tắm. Gần một tháng nay ngày nào tôi cũng chạy xe máy lên con lộ có nước ở vùng ngọt hóa cống đập Ba Lai dẫn về, độ mặn hơn 1 phần ngàn, chủ yếu để tắm, giặt cho ra xà bông chứ nước xung quanh nhà đã lên hơn 10 phần ngàn, sao mà xài được”.

Không chỉ con người bị ảnh hưởng rất lớn bởi nước mặn, ngay cả gia súc, giá cầm điêu đứng trong mùa hạn hán lịch sử này. Bà Nguyễn Thị Hạnh (ngụ xã Mỹ Hòa, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) nói: “Gia đình tôi làm 9 công lúa để lấy rơm cho bò ăn nhưng năm nay hạn mặn khủng khiếp nên lúa đã chết khô, đàn bò cũng có nguy cơ bị đói theo”.

Mấy ngày nay, chồng bà Hạnh cứu đói cho bò bằng cách ra sông cắt lục bình về cho bò ăn. Thế nhưng do độ mặn cao, lục bình cũng mặn nên ăn được vài ngày thì bò bị tiêu chảy. Từ đó gia đình bà chỉ còn cách cho bò ăn rơm cầm cự, khi hết rơm phải chấp nhận mua với giá khá đắt đỏ trong mùa khô.

han man, trang tay, nut ne, nuoc ngotThiếu nước ngọt ảnh hưởng lớn đến cuộc sống
Ông Hồ Văn Út, Chủ tịch UBND xã Mỹ Hòa cho biết: “Toàn xã nông dân sản xuất gần 1.000ha lúa để lấy rơm nuôi gần 5.000 con bò. Năm nay hạn hán, xâm nhập mặn khiến lúa bị mất trắng, kéo theo mất hàng ngàn tấn rơm rạ cho bò ăn”.

Theo ông Út, việc nan giải và cấp bách nhất của địa phương là cứu đói cho trâu bò trước vì đây là kinh tế chính của địa phương. Tuy nhiên, rất ít hộ trong xã có đủ điều kiện đất đai để trồng cỏ nuôi bò. Khi mất mùa, nông dân trắng tay nên nhiều hộ không còn vốn để mua rơm nên chỉ cho bò ăn cầm cự cho qua ngày.

Hoàng Nam

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
31 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cây cối chết khô, vật nuôi đói khát từng ngày do hạn hán, xâm nhập mặn