Trang Sohu giới thiệu một cây gỗ quý 4.300 năm tuổi từng được trả giá 250 triệu nhân dân tệ (hơn 35 triệu USD) nhưng chủ sở hữu quyết không bán.
Kim tơ nam mộc là loài gỗ cực kỳ quý hiếm tập trung ở khu vực phía nam sông Dương Tử, được Trung Quốc đưa vào danh sách thực vật cần bảo vệ cấp quốc gia. Không giống gỗ thông thường, kim tơ nam mộc có yêu cầu rất khắt khe với môi trường sinh trưởng và mất ít nhất 100 năm để một cây đạt đến cấp độ hóa thành màu vàng từ 80% trở lên.
Khi dời đô về Bắc Kinh, Minh Thành Tổ Chu Đệ sử dụng lượng lớn kim tơ nam mộc để xây dựng công trình hoàng gia. Trong suốt thời Minh và thời Thanh, loại gỗ này trở thành gỗ dùng riêng cho hoàng gia. Qua hàng trăm năm toàn bộ gỗ tốt gần như bị khai thác hết.
Trước đây cột trụ Thái Hòa Điện (thời Minh gọi là Phụng Thiên Điện) trong Tử Cấm Thành đều làm từ cây kim tơ nam mộc lớn. Tiếc rằng Tử Cấm Thành trải qua nhiều lần hỏa hoạn thậm chí sét đánh, đến thời vua Khang Hy tiến hành trùng tu không thể tìm ra kim tơ nam mộc đủ tốt để thay thế nữa nên đành dùng gỗ tùng. Ngày nay muốn nhìn tận mắt loại gỗ quý này phải đến Thái Miếu hoặc Linh Ân Điện (thuộc Trường Lăng).
Thế nhưng nông dân Cù Ứng Giang sống tại tỉnh Quý Châu lại sở hữu một cây kim tơ nam mộc. Năm 2013, vùng núi khu vực Đồng Nhân trên địa bàn tỉnh xảy ra sét đánh dẫn đến hỏa hoạn, khiến cây kim tơ nam mộc 4.300 năm tuổi gãy đôi và bị lửa cháy 3 ngày.
Người gọi cứu hỏa lúc đó chính là ông Cù. Người nông dân cảm thấy mình có duyên với cây nên nỗ lực xin giấy phép khai thác rồi chi 17 triệu tệ (gần 2,4 triệu USD) mua nó. Để gom đủ tiền, ông bán đi 2 căn nhà rồi mượn thêm hơn 6 triệu tệ.
Giới chuyên gia xác định phần cây còn lại này nặng khoảng 16 tấn, thân rộng khoảng 10 người ôm, là cây kim tơ nam mộc to lớn cũng như lâu đời nhất từng được phát hiện.
Có doanh nhân biết tin trả 250 triệu nhân dân tệ (hơn 35 triệu USD) mua lại, nhưng ông Cù quyết không bán vì ông cho rằng đây là vật vô giá của Quý Châu, cần được giữ lại, chứ để người khác xẻ ra làm đồ nội thất thì rất đáng tiếc.
Ông Cù đã xây một công viên văn hóa triển lãm cây kim tơ nam mộc, ngoài cây 4.300 năm tuổi còn có 3 cây khác lần lượt là 2.800, 1.300 và 1.200 năm tuổi.