Công trình thu gom và xử lý chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh thông qua hệ thống máy ép phân tôm bước đầu mang lại hiệu quả. Cách làm này còn ngăn chặn các tác nhân lây bệnh cho tôm.
Bảo vệ môi trường

Chất thải nuôi tôm được xử lý thành phân hữu cơ nhờ máy ép

Trần Khải 25/12/2023 13:45

Công trình thu gom và xử lý chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh thông qua hệ thống máy ép phân tôm bước đầu mang lại hiệu quả. Cách làm này còn ngăn chặn các tác nhân lây bệnh cho tôm.

Bạc Liêu là một trong những tỉnh trọng điểm nuôi tôm của cả nước, với hơn 140.000ha nuôi trồng thủy sản (chiếm hơn 50% diện tích tự nhiên toàn tỉnh). Địa phương này có nhiều loại hình nuôi trồng thủy sản mang lại lợi nhuận cao, giúp giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

tom-1.jpg
Máy ép phân tôm góp phần giúp xử lý tốt nguồn nước, hạn chế ô nhiễm môi trường

Là tỉnh đứng thứ 2 cả nước về diện tích và sản lượng tôm, Bạc Liêu có nhiều mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao hàng đầu của cả nước. Toàn tỉnh hiện có 25 công ty, 7 hợp tác xã (HTX) và gần 820 hộ dân nuôi tôm công nghệ cao với diện tích 4.600ha (tăng gần gấp 3 lần so với năm 2019).

Trong đó, phải kể đến mô hình nuôi tôm siêu thâm canh khép kín, được hộ nuôi kiểm soát chặt chẽ, đáp ứng các điều kiện về nguồn nước, chất lượng giống, kỹ thuật... nên cho năng suất vượt trội (cao gấp 10 - 15 lần so với mô hình nuôi truyền thống). Qua đó, góp phần đưa sản lượng và chất lượng tôm tăng lên, khẳng định được thương hiệu tôm Bạc Liêu trên thị trường trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực mang lại, mô hình siêu thâm canh vẫn còn một số hạn chế chưa được xử lý triệt để như: lượng nước thải, chất thải lớn nên tiềm ẩn gây ô nhiễm môi trường cao. Vấn đề này đến nay vẫn chưa có giải pháp, công nghệ nào xử lý triệt để.

Đa phần các hộ nuôi tôm theo mô hình này chưa thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường. Mặc dù có đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải, chất thải nhưng các hộ nuôi chưa vận hành thường xuyên do sợ tốn kém; tình trạng xả thải trực tiếp hoặc đã qua xử lý nhưng chưa đạt chuẩn vẫn còn phổ biến.

tom-1..jpg
Chất thải trong ao tôm được xử lý thành phân hữu cơ thân thiện với môi trường

Để việc nuôi tôm siêu thâm canh mang lại hiệu quả, một số doanh nghiệp, hộ dân trên địa bàn đã áp dụng biện pháp nuôi cá rô phi trong ao chứa, lắng (lọc sinh học) và sử dụng hầm ủ biogas để xử lý nước thải, bùn thải và vỏ tôm lột. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế, quy mô hầm biogas còn quá nhỏ, chưa tương xứng so với lượng nước thải, chất thải của mỗi vụ nuôi.

Từ thực trạng trên, một số doanh nghiệp, hộ dân đã thay đổi bằng cách thu gom và xử lý chất thải trong nuôi tôm siêu thâm canh thông qua hệ thống máy ép phân tôm. Bước đầu phương pháp này cho thấy hiệu quả cao hơn so với việc xử lý chất thải bằng giải pháp sinh học hay bằng hệ thống hầm biogas.

Các chất thải rắn như phân tôm, thức ăn dư thừa, xác, vỏ tôm... được xi phông từ đáy ao đạt 95 - 99% sẽ được ủ và xử lý thành phân hữu cơ cung cấp cho lĩnh vực trồng trọt. Cách làm này vừa thân thiện với môi trường, vừa làm giảm tác nhân gây bệnh cho tôm nuôi từ chất thải, chất tồn lưu trong quá trình nuôi tôm. Bên cạnh đó, chất thải tôm thu được còn sử dụng được trong một số hoạt động chăn nuôi cá, trùn chỉ.

Ông Nguyễn Văn Vượng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu - người sáng chế ra máy ép phân tôm cho hay: “Phương pháp này được tôi đúc kết qua hơn 30 năm trăn trở với nghề nuôi tôm, 3 năm tìm tòi thử nghiệm, ngay cả trong tình hình dịch COVID-19. Khi thử nghiệm thành công, cảm xúc của tôi rất vui mừng và hạnh phúc. Mục tiêu của tôi hướng đến là hiệu quả mang lại gắn với việc phát triển bền vững, hài hòa lợi ích giữa kinh tế và bảo vệ môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh”.

2-nuoi-tom-bang-thao-duoc-giup-moi-truong-ao-nuoi-khong-bi-o-nhiem.jpg
Nuôi tôm siêu thâm canh phát triển mạnh ở Bạc Liêu

Để nghề nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là trong phát triển nuôi tôm siêu thâm canh, thì việc ứng dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến, hạn chế rủi ro, tăng năng suất, bảo vệ môi trường và “xanh hóa” quá trình sản xuất, giảm phát thải nhà kính là một trong những hướng đi phù hợp.

“Máy ép phân tôm là công cụ để ép lại phân tôm sau khi thải ra môi trường ao nuôi. Sau đó máy sẽ xử lý, phối chế phân tôm thành phân hữu cơ phục vụ cho trồng trọt và làm thức ăn cho một số loài thủy sản khác như cá rô phi, artemia, trùn chỉ… Cách làm này vừa giúp cho ngành trồng trọt hướng tới sản xuất hữu cơ theo hướng xanh, tăng hiệu quả kinh tế; đồng thời góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường, giảm phát thải khí nhà kính”, ông Vượng cho biết.

Bài liên quan
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài cuối: Festival là cơ hội để hạt muối vươn xa
Theo kế hoạch, Festival muối 2025 sẽ được tỉnh Bạc Liêu tổ chức vào tháng 3.2025. Đây là sự kiện quy mô lớn, tạo tiền đề, cơ hội thuận lợi để kết nối, mời gọi nhà đầu tư vào lĩnh vực sản xuất muối, từ đó góp phần nâng cao giá trị hạt muối, giúp bà con diêm dân vươn lên làm giàu từ nghề lâu đời này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
6 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chất thải nuôi tôm được xử lý thành phân hữu cơ nhờ máy ép