Ở kỳ thi tư pháp cấp toàn quốc năm 2015, thí sinh ngành luật Trung Quốc bị đố khó: mẹ và bạn gái, cứu ai trước nếu như hai người cùng lâm nạn ở cùng một chỗ?

Cháy nhà: cứu mẹ hay cứu bạn gái trước?

Một Thế Giới | 30/09/2015, 19:17

Ở kỳ thi tư pháp cấp toàn quốc năm 2015, thí sinh ngành luật Trung Quốc bị đố khó: mẹ và bạn gái, cứu ai trước nếu như hai người cùng lâm nạn ở cùng một chỗ?

Hàng trăm ngàn thí sinh trong hai ngày 19-20.9 đã tham gia kỳ thi này. 
Trong bài thi có một câu hỏi yêu cầu thí sinh xác định những hành vi nào cấu thành tội “không cứu người gặp tình trạng nguy hiểm” với 4 tình huống được đưa ra:
Tình huống A: nhân viên cứu hộ cố ý không cứu một đứa bé chết đuối. 
Tình huống B: hai vợ chồng đang trong thời gian làm thủ tục ly hôn, người chồng ngộ nhận không có nghĩa vụ cứu người vợ bị rớt xuống nước, khiến người vợ thiệt mạng. 
Tình huống C: trong một vụ cháy, một người có khả năng cứu được mẹ, nhưng vì cứu bạn gái mà không cứu mẹ. 
Tình huống D: A đưa B uống cà phê có độc, nhưng B sau khi uống vài hớp lại đưa cho C uống, A vì sợ lộ hành vi đầu độc nên  không nói ra, dẫn đến B và C đều thiệt mạng.

Đáp án được đăng vào tối 24.9 trên trang web trung tâm khảo thí Bộ tư pháp TQ: tình huống cấu thành tội “không cứu người gặp tình trạng nguy hiểm” là A, C, D.

Như vậy, trong trường hợp mẹ và bạn gái cùng gặp nạn, chỉ có thể cứu một người, thì phải cứu mẹ.

Theo pháp luật, con cái có nghĩa vụ với cha mẹ

Hoàn cầu thời báo dẫn lời Bộ trưởng tư pháp TQ: đáp án này là chính xác, vì căn cứ theo pháp luật, người con có ràng buộc pháp lý phải cứu cha mẹ mình đầu tiên, chứ không phải bạn bè hay người thân khác.

Phó giáo sư Bành Tân Lâm thuộc Viện nghiên cứu luật hình sự ĐH Sư phạm Bắc Kinh giải thích: quan hệ tình cảm yêu đương chỉ có ý nghĩa về mặt đạo nghĩa chứ không có quy định về quyền và nghĩa vụ về mặt pháp lý. 
Nhưng quan hệ con cái - cha mẹ thì đã được pháp luật quy định rõ ràng, cho nên nếu cứu mẹ mà không cứu bạn gái thì không cấu thành hành vi phạm tội, nhưng nếu cứu bạn gái mà không cứu mẹ thì sẽ cấu thành tội “không cứu người trong tình trạng nguy hiểm”.

Theo một cán bộ tư pháp thành phố Nam Xương (Giang Tây), trong hiến pháp và luật hôn nhân TQ cũng đã quy định rất rõ nghĩa vụ giúp đỡ, phụng dưỡng của con cái đối với cha mẹ, do đó “cứu mẹ” là nghĩa vụ phải làm.

Người ra đề "đầu có vấn đề"
Việc thí sinh ngành luật Trung Quốc bị đố khó, với câu hỏi “cứu mẹ hay cứu bạn gái” sau đó đã được đưa lên mạng để bàn tán, và có nhiều người đã đưa ra lựa chọn của mình.

Hoàn cầu thời báo dẫn lời một người đàn ông cho biết: “Ngoài nghĩa vụ về mặt pháp luật, mẹ là người đã nuôi nấng tôi, vì vậy tôi chắc chắc sẽ cứu mẹ mình trước. Hơn nữa, bạn gái tôi trẻ hơn nên sẽ có cơ hội chạy thoát khỏi đám cháy cao hơn”.

Nhiều người khác cho rằng việc phải cứu mẹ trước dựa theo pháp luật thật không công bằng và “nhảm nhí”, đặc biệt là trong tình huống khẩn cấp như một vụ cháy.

“Mọi người đều được đối xử như nhau trước pháp luật. Tôi không thể hiểu nổi tại sao không cứu mẹ lại phạm tội, còn không cứu bạn gái thì lại không”, một người đã chia sẻ suy nghĩ của mình.

Theo luật sư Âu Dương Lâm, có cấu thành phạm tội hay không thì còn phải xem xét tình cảnh cụ thể của vụ việc.

Luật sư Âu giải thích: “Muốn phán đương sự có cấu thành phạm tội không, chủ yếu xem xét đương sự vào thời điểm đó có mang suy nghĩ chủ quan, cố ý muốn cứu người này hơn người kia hay không. 
Ví dụ như trong vụ cháy, một trong hai người gặp nạn đã không thể cứu được, thì buộc đương sự phải cứu người còn lại, không tính là “cứu được nhưng không cứu”, do đó không cấu thành phạm tội.

Cũng có nhiều luật sư cho rằng, bản thân nhiều câu hỏi trong bài thi đã có vấn đề, được ra theo ý kiến chủ quan của người ra đề. Họ nói: mọi người đều có quyền được sống, sinh mạng của bất cứ ai cũng đều phải được tôn trọng.

Kỳ thi tư pháp quốc gia được TQ tổ chức một lần mỗi năm, mỗi lần thi trong hai ngày.

Năm 2013, đã có 436.000 thí sinh tham gia tại 14.000 điểm thi trên toàn quốc.

Kỳ thi này được giới truyền thông TQ đánh giá là “một trong những kỳ  thi quốc gia chính xác nhất” nhằm kiểm tra toàn diện về lý thuyết lẫn khả năng thực hành pháp luật, cũng như đạo đức của các ứng viên luật sư.

Cẩm Bình (theo Independent)

>> Trung Quốc phẫn nộ vì bà Hillary Clinton nói ông Tập không biết xấu hổ  
>> Phớt lờ qui định, TMV Kangnam ngang nhiên quảng cáo “câu” khách hàng
>> Qua mặt Mỹ, Nga có thể thuê tàu Mistral từ Ai Cập
>> Mỹ nhân khiến người Hán chịu trăm năm đô hộ
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng về tới Hà Nội, kết thúc chuyến công tác tại Brazil và Dominicana
3 giờ trước Sự kiện
Chuyến công tác của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tới Brazil và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, thăm chính thức nước Cộng hòa Dominicana đã thành công tốt đẹp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cháy nhà: cứu mẹ hay cứu bạn gái trước?