Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp "ký nhanh hơn", đừng xử lý hồ sơ với thái độ "hành là chính" thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước, thành phố và doanh nghiệp.
Đó là chia sẻ của ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) tại hội thảo "Thực trạng, tiềm năng, giải pháp và định hướng phát triển thị trường bất động sản TP.HCM" vừa được tổ chức tại TP.HCM.
Theo ông Châu, hệ thống pháp luật điều chỉnh thị trường bất động sản (BĐS) hiện chưa thật sự hoàn thiện, còn nhiều bất cập, thậm chí có nội dung xung đột nhau. Thành phố cần hoàn thiện thể chế chính sách, pháp luật điều chỉnh thị trường BĐS, quyết liệt cải cách thủ tục hành chính đạt hiệu quả theo hướng minh bạch, nhanh chóng…
“Nhiều doanh nghiệp đề xuất chỉ cần cán bộ nhà nước các cấp "ký nhanh hơn", đừng xử lý hồ sơ với thái độ "hành là chính" thì sẽ tác động tích cực đến sự phát triển của đất nước, thành phố và doanh nghiệp”, ông Châu nói.
Do vậy, việc cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là cái tâm phục vụ vô điều kiện của từng cá nhân cán bộ, viên chức nhà nước là yếu tố quyết định.
Ông Châu cũng nhận định mặc dù thị trường BĐS đang trên đà phục hồi khá nhanh, nhưng chưa thật sự vững chắc và phát triển chưa đồng bộ. Quy hoạch, quản lý đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng đô thị chưa đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, cải thiện dân sinh và bảo vệ môi trường. Chất lượng công tác quy hoạch, quản lý và thực hiện quy hoạch chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển của thành phố.
Cụ thể, TP.HCM hiện có 1.219 dự án đã được phê duyệt, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công; trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 dự án đã phải tạm ngưng thi công. Chưa kể, nếu tính các dự án tạm ngưng thi công và chưa khởi công thì có 189 dự án đã bị thu hồi.
Nhiều dự án BĐS không thể triển khai được do vướng đền bù giải tỏa, dự án đã giải phóng được mặt bằng trên 80% diện tích, thậm chí đến 98% đất dự án. Trong khi đó, phần còn lại doanh nghiệp lại không thể thỏa thuận đền bù được. Vì vậy, ông Châu cho rằng cần có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp để sớm triển khai dự án và vừa đảm bảo lợi ích của người có đất, vừa đảm bảo lợi ích chung của xã hội.
Một vấn đề nữa mà Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM kiến nghị cần được xem xét thỏa đáng, đó là tác động của quy mô dân số đến quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị và giải quyết nhà ở cho các tầng lớp nhân dân thành phố.
Theo ông Châu, từ trước đến nay, số liệu quy mô dân số của thành phố, quận, huyện được dựa trên số liệu thống kê chính thức, nên chưa bao hàm đầy đủ số cư dân vãng lai và tăng cơ học. Trên thực tế, số cư dân không có hộ khẩu vẫn thường xuyên cư ngụ trên địa bàn thành phố và góp phần tạo áp lực lên quá trình phát triển đô thị và nhà ở của thành phố.
“Nếu chỉ dựa vào số liệu thống kê chính thức về dân số (có hộ khẩu thường trú và diện KT3) để làm kế hoạch phát triển thì chưa đầy đủ, mà cần phải căn cứ vào quy mô dân số thực tế để định hướng quá trình chỉnh trang, phát triển đô thị và giải quyết nhà ở đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp nhân dân thành phố”, ông Châu cho biết.
Do đó, ông Châu đề nghị thành phố cần thiết điều chỉnh chỉ tiêu quy mô dân số các quận, huyện ở mức độ hợp lý hơn, tạo điều kiện để các quận, huyện thực hiện chương trình chỉnh trang, phát triển đô thị bền vững và phát triển nhà ở, đặc biệt là những quận có nhiều nhà ven, trên kênh rạch, nhiều khu dân cư lụp xụp.
Phan Diệu