“Cũng có người cho rằng điểm số không quan trọng, quan trọng là mình học được gì. Điều này có thể đúng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm vừa là sinh viên, vừa là giảng viên của mình, tôi cho rằng điểm số là quan trọng”, Huỳnh Thế Du (Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ), chia sẻ.
Chọn môn học rất quan trọng
Mặt khác, nếu chỉ xét về khía cạnh học được những gì thì động lực là rất quan trọng. Nếu môn nào mình học tốt được điểm cao thì đó chính là động lực cho mình học tốt hơn. Ngược lại, những môn học, điểm số chẳng ra sao, nhiều khi chỉ muốn cho xong nên kiến thức thu được rất ít.
Với cách tiếp cận như trên, tôi đã dựa vào hai tiêu chí để chọn các môn học: Thứ nhất, ban đầu tôi chọn phần lớn những môn là thế mạnh của mình, thậm chí là những môn đã học rồi. Còn tôi chỉ chọn những vấn đề mới ở một mức độ nhất định. Điều này giúp tôi có thể lường đoán được khối lượng công việc là bao nhiêu.
Việc học lại những gì đã học, đó là bài học mà tôi học được từ thầy dạy võ thời đại học. Thầy nói rằng, để có thể trở thành “tuyệt đỉnh võ công” có thể chọn những chiêu thức rất công phu và phức tạp hoặc là chọn chiêu thức đơn giản nhưng luyện tập thật công phu.
Áp dụng vào việc học, học lại những môn tưởng chừng mình đã biết, nó sẽ giúp mình hiểu sâu vấn đề hơn.
Thứ hai, tôi chỉ chọn số môn đúng yêu cầu của chương trình mà không học nhiều hơn vì các môn có sự liên quan và chồng lấn với nhau. Nếu chương trình chỉ yêu cầu 4 môn một học kỳ mà chọn 5 môn thì khối lượng công việc đã tăng 25% so với yêu cầu.
Trừ một số ngoại lệ không nhiều, trong phần lớn trường hợp, kết quả trung bình của 4 môn sẽ tốt hơn kết quả trung bình của 5 môn nếu cùng học trong một học kỳ.
Bên cạnh đó, về kiến thức, chưa chắc học 5 môn đã tốt hơn 4 môn vì có sự chồng lấn giữa các môn. Nếu tập trung vào những điểm chồng lấn thì có thể 4 môn còn học được nhiều hơn 5 môn.
Tham gia thảo luận trên lớp
Ngôn ngữ có lẽ là rào cản đáng kể đối với rất nhiều du học sinh (ít nhất là trong giai đoạn đầu). Một trong những điều đáng sợ nhất là khi tham gia phát biểu là chẳng ai hiểu mình nói gì. Với một người có “broken English” (nói bình thường đã chẳng ai hiểu gì rồi) như tôi thì còn nan giải hơn nhiều.
Tuy nhiên, ngay những ngày học ban đầu tôi đã phát hiện ra bốn điều quan trọng và từ đó tôi đã mạnh dạn tham gia thảo luận trên lớp.
Thứ nhất, thực ra rất nhiều phát biểu của các bạn trong lớp mà người khác nghe cũng chẳng hiểu, chứ không riêng gì mình. Những ngày đầu, tôi rất ngưỡng mộ những người cứ thao thao bất tuyệt mà mình chẳng hiểu gì, còn thầy thì cứ gật gù.
Tôi thầm nghĩ, sao mà các bạn ấy giỏi thế không biết. Vào Harvard gặp toàn những “hảo thủ” như vậy chắc mình tiêu rồi!
Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với những người khác trong lớp thì tôi phát hiện ra rất nhiều người cũng giống mình, cũng chẳng hiểu các bạn khác nói gì.
Thứ hai, có một người có thể hiểu được các sinh viên đang nói gì dù chữ được chữ mất, nhất là các sinh viên quốc tế không được sử dụng tiếng mẹ đẻ. Người đó không ai khác, chính là giảng viên. Đơn giản vì thầy hiểu rất kỹ vấn đề, nên những gì sinh viên nêu ra, thầy có thể biết ngay.
Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, thầy mới là người có vai trò quyết định đánh giá kết quả học của sinh viên chứ không phải các bạn cùng lớp. Do vậy, việc những người ngồi xung quanh mình hiểu mình đang nói gì hay không, không quan trọng lắm. Quan trọng là thầy – người chấm điểm mình hiểu mình nói gì là được.
Thứ tư, việc thảo luận trên lớp chẳng ai bắt bẻ đúng sai, mà thảo luận chỉ để mọi người cũng nghĩ và cùng tư duy.
Học nhóm và giúp đỡ người khác
Việc chọn những môn mà mình biết rồi có cái lợi là mình hiểu kỹ hơn một số người trong lớp. Nhưng khi các bạn trong lớp nhờ giải thích bạn luôn phải sẵn sàng. Điều đáng ngạc nhiên, khi giải thích cho các bạn cùng lớp, có thể lại phát hiện ra những điều mình chưa hiểu kỹ thậm chí là hiểu sai.
Nhờ đó, các bài tập hay bài thi cũng như kết quả chung cuộc tốt hơn hẳn. Còn về mặt ngôn ngữ, đừng ngại, vì khi đó điểm TOELF của tôi chỉ có 86 thôi chứ không được trên 100 như hầu hết các bạn.
Huỳnh Thế Du (Hội TNSV Việt Nam tại Hoa Kỳ)