Các hãng đồng phục từ màu xe đến quần áo. Nghe đâu, người nhà của Sở đã rục rịch lập công ty chuyên sơn lại taxi và may đồng phục cho tài xế? Như vậy sao không giải thể các hãng, thành lập Tổng công ty cho đồng phục luôn.
Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đang lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo “Quy chế quản lý hoạt động taxi”. Đọc tiêu đề nhiều người mừng suýt khóc. Cứ tưởng thủ đô sẽ đột phá với những biện pháp thiết thực để chấn chỉnh hoạt động của loại phương tiên giao thông công cộng đặc thù, vốn lâu nay bị nhiều tai tiếng. Ai dè đọc xong thì ngã ngửa vì thất vọng. Có cảm giác những người soạn thảo quy chế lúng túng và bất lực, không có việc gì làm nên mới nghĩ ra quy chế nghe như chuyện tiếu lâm của thủ đô.
Dự thảo quy chế có rất nhiều cái mới và lạ, chưa nước nào dám nghĩ ra, nói chi chuyện soạn thành văn bản pháp quy. Cụ thể:
“Từ năm 2018 sẽ thống nhất thiết kế màu sơn chung cho taxi. Taxi phải hoạt động theo địa bàn đăng ký.
Từ 2019 - 2024, xe taxi thay mới sẽ áp dụng màu sơn chung.
Từ năm 2025, thống nhất áp dụng màu sơn chung đối với taxi hoạt động trên địa bàn TP.
Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động của taxi gồm vùng Một là các quận, vùng Hai là các huyện, thị xã.
Taxi chỉ được hoạt động và dừng, đỗ, đón, trả khách trong khu vực mà doanh nghiệp đăng ký khai thác.
Taxi hoạt động tại vùng Hai khi đưa khách vào các điểm đón, trả khách trong vùng Một chỉ được trả khách, không được dừng, chờ đón khách tại các điểm đó và ngược lại.
Niên hạn sử dụng của taxi không quá 8 năm tính từ năm sản xuất. Hết niên hạn không được hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn thành phố...”
Dự thảo quy chế có từng bước đi cụ thể, tương ứng với những nội dung rõ ràng và bài bản. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu quy chế này được thông qua?
Các hãng đồng phục từ màu xe đến quần áo. Nghe đâu, người nhà của Sở đã rục rịch lập công ty chuyên sơn lại taxi và may đồng phục cho tài xế? Như vậy sao không giải thể các hãng, thành lập Tổng công ty cho đồng phục luôn. Taxi hoạt động theo địa bàn đăng ký, nghe cứ như một thời ngăn sông cấm chợ hãi hùng. Taxi mà dừng, đỗ, đón khách ngoài vùng đăng ký là bị phạt. Phen này Sở phải xin thêm biên chế. Khối người sẽ có việc làm. Khắp các đường phố thủ đô sẽ có Thanh tra giao thông rình bắt taxi dừng, đỗ, đón khách ngoài điểm đăng ký.
Ô tô chở người, nhà nước quy định niên hạn 20 năm nhưng taxi Hà Nội chỉ được phép sử dụng 8 năm. Hết hạn không được hoạt động trong thủ đô - nghĩa là có thể về các tỉnh, thành khác? Là phương tiện giao thông công cộng đặc thù nên taxi các nước thường là xe nội địa và xe cũ trong niên hạn bảo hành chứ không xài hàng hiệu như ở Việt Nam. Taxi các nước tuềnh toàng hơn nhưng thái độ và tinh thần phục vụ của tài xế, tính chuyên nghiệp của các hãng thì ăn đứt Việt Nam. Mình chỉ hơn họ ở chất lượng xe.
Điều gì sẽ xảy ra nếu quy chế này được ban hành? Chắc chắc các bộ ngành khác sẽ đua nhau làm các quy chế tương tự. Cả nước sẽ đồng phục, từ chuyện nhỏ đến chuyện lớn, từ suy nghĩ đến hành động. Người dân từng bước biến thành robot theo lập trình sẵn có. Cố suy nghĩ, tôi vẫn không thể nào hình dung về những bộ óc đã soạn thảo ra những quy chế độc đáo này. Vậy mà cũng được đưa ra lấy ý kiến. Hay là Sở cố tình tạo sự kiện như kiểu scandal của mấy ca sĩ, người mẫu? Càng bị ném đá càng nổi tiếng.
Các vị quan Sở đang ăn lương và ngồi làm việc phòng lạnh từ tiền thuế của người dân, trong đó có các hãng taxi. Nếu không giúp được gì cho các hãng, xin đừng bày trò làm khổ thêm họ và làm rối ren thêm hệ thống pháp luật Việt Nam. Nhờ các vị nghĩ giùm cách chấn chỉnh các trường Đào tạo lái xe, các trung tâm Kiểm định chất lượng xe; xử phạt thật nghiêm các tài xế chặt chém, bạo lực; các hãng vi phạm pháp luật, xóa sổ vĩnh viễn các tài xế taxi ngáo đá…
Làm sao để tài xế taxi niềm nở, trung thực, luôn lấy nụ cười làm phương tiện phục vụ và cạnh tranh là bàn dân thiên hạ ghi công tạc dạ. Xin đừng làm người cõi trên nữa. Vạch mây, xuống đất làm việc giùm cho người dân bớt khổ!
“Chiếc áo không làm nên thầy tu”.
Trần Kù