Vào lúc Điện Kremlin chính thức phủ nhận Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, một nhà phân tích về Nga nói đó là ví dụ mới nhất chứng minh chiến lược giấu mặt "maskirovka" của Nga được vận dụng triệt để và phát huy hiệu quả.

Chiến lược giấu mặt 'maskirovka' của Nga phát huy hiệu quả

Trần Trí | 20/02/2018, 16:59

Vào lúc Điện Kremlin chính thức phủ nhận Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ 2016, một nhà phân tích về Nga nói đó là ví dụ mới nhất chứng minh chiến lược giấu mặt "maskirovka" của Nga được vận dụng triệt để và phát huy hiệu quả.

Ngày 19.2, người phát ngôn Dmitry Peskov của Tổng thống Nga Vladimir Putin họp báo, tuyên bố “Nga không can thiệp, không quen can thiệp chuyện nội bộ các nước khác và nay không làm điều đó”.

Đó là phản ứng đầu tiên của Điện Kremlinsau khi văn phòng Công tố viên đặc biệt Robert Muller hôm 17.2 đã cáo buộc 13 công dân Nga và nhiều công ty Nga cố tình can thiệp vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016.

Ông Peskov nói bản cáo trạng Mỹ chỉ nhằm vào các cá nhân Nga, không trưng được chứng cứ có sự dính líu của Điện Kremlin hoặc của các cơ quan công quyền Nga.

Điện Kremlin đã liên tục phủ nhận cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ, nói đó là chiến dịch chống Nga và cũng để làm mất uy tín Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nga can thiệp vì hiểu tường tận văn hóa-chính trị Mỹ

Nhưng các chuyên gia về Nga ở Mỹ nhấn mạnh bản cáo trạng của Công tố viên đặc biệt Muller mang đầy dấu ấn của học thuyết quân sự ngụy trang maskirovka.

Theo báo Washington Times, cáo trạng chỉ ra một chiến dịch hàng triệu USD, sử dụng đặc vụ ngầm và nhiều tài khoản mạng xã hội giả của người Mỹ để gieo rắc hận thù nơi cử tri Mỹ.

Theo ông Ariel Cohen, nhà nghiên cứu các vấn đề Nga ở tổ chức nghiên cứu Atlantic Council, cáo trạng nêu chiến dịch can thiệp của Nga tiến hành từ năm 2014, cho thấy Điện Kremlin và các đặc vụ Nga hiểu tường tận văn hóa-chính trị Mỹ, đồng thời Nga vũ khí hóa khả năng tác động mạng xã hội.

Ông Cohen đề cập cáo trạng khẳng định Internet Research Agency (IRA), một tổ chức có trụ sở tại St. Petersburg (Nga) đã sử dụng các bài viết đăng tải trên truyền thông xã hội cũng như quảng cáo giả của người Mỹ để gây ảnh hưởng đến cuộc đua vào Nhà Trắng.

Ông Cohen nói IRA điều phối chặt với các cuộc thăm dò dư luận mà người Nga tiến hành ở Mỹ, cho thấy Nga có sự phân tích cực kỳ hiện đại và hiểu rõ văn hóa-chính trị Mỹ: “Họ dựa vào những người sống, học tập và làm việc ở Mỹ và nghiên cứu xã hội Mỹ rất kỹ”.

Hiện Mỹ chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử Quốc hội giữa kỳ (vào tháng 11 tới) trong lúc phải cảnh giác Nga lại can thiệp. Ông Cohen đoán chắc Điện Kremlin sẽ tiếp tục phá hoại nền dân chủ Mỹ, và nói Mỹ phải đối phó triệt để và thật sớm.

Nhà phân tích nói: “Sự trả đũa của chúng ta không nên dừng lại ở bản cáo trạng. Đó là những vấn đề gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia Mỹ, không thể chỉ có những hành động của tòa án. Công cụ an ninh quốc gia của chúng ta có chiến tranh kinh tế, chiến tranh tuyên truyền và chiến tranh mạng. Và chúng ta cần đề phòng các cuộc tấn công mạng và tuyên truyền ở tất cả các cấp độ”.

Tổng thống Mỹ vẫn phủ nhận Nga can thiệp bầu cử

Cáo trạng gây khó cho Điện Kremlin vốn nỗ lực xây dựng quan hệ tốt với ông Trump, với hy vọng Mỹ sẽ dỡbỏ lệnh cấm vận kinh tế Nga với cớ Nga can thiệp vào cuộc khủng hoảng chính trị Ukraine. Nhưng cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ làm quan hệ Nga-Mỹ xuống cấp hơn nữa, với Mỹ áp thêm các mức trừng phạt mới.

Cáotrạng, cùng thông tin cuộc điều tra hai nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ và nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với các quan chức Nga (do Cục điều tra Liên bang FBI tiến hành với sự giám sát của Công tố viên đặc biệt Muller) chưa kết thúc, chắc chắn sẽ còn gây khó một thời gian dài cho quan hệ Nga-Mỹ.

Một ngày sau khi cáo trạng được công bố, Tổng thống Mỹ đổ lỗi cho đảng Dân chủ và người tiền nhiệm Barack Obama không cố gắng ngăn chặn Nga can thiệp vào bầu cử Mỹ.

Ông Trump viết Twitter rằng nỗ lực điều tra chỉ khiến Nga “cười nhạo Mỹ đến rung mông ở Moscow”. Ông khẳng định “Nếu mục tiêu của Nga là gây ra bất hòa, chia rẽ và gián đoạn trong lòng nước Mỹ, với các cuộc điều trần, điều tra và sự ganh ghét giữa các đảng phái, thì họ đã thành công vượt xa những gì từng mơ ước”.

Ông Trump cũng nhấn mạnh cáo trạng khẳng định chiến dịch can thiệp của Nga bắt đầu từ năm 2014, tức trước khi ông tranh cử tổng thống Mỹ, và cáo trạng cũng không khẳng định ông làm gì sai trái. Ông viết Twitter: “Kết quả bầu cử không bị tác động. Chiến dịch của Trump không làm gì sai - không có sự thông đồng!".

Bảo Vĩnh (theo Washington Times, Reuters)
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
29 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chiến lược giấu mặt 'maskirovka' của Nga phát huy hiệu quả