Theo một nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí Science, do cần phải bảo vệ con non trong đàn đông đúc và ồn ào nên chim cánh cụt Chinstrap tại Nam cực chỉ ngủ khoảng 4 giây mỗi lần.
Khoa học - công nghệ

Chim cánh cụt chỉ ngủ vài giây mỗi lần để có thể bảo vệ con non

Cẩm Bình 02/12/2023 11:07

Theo một nghiên cứu vừa đăng tải trên tạp chí Science, do cần phải bảo vệ con non trong đàn đông đúc và ồn ào nên chim cánh cụt Chinstrap tại Nam cực chỉ ngủ khoảng 4 giây mỗi lần.

Theo dõi sát sao con non là thách thức với bất cứ động vật mới làm bố mẹ nào. Giới nghiên cứu phát hiện để thực hiện tốt trọng trách này, một số loài chim cánh cụt ngủ hàng nghìn giấc siêu ngắn trong một ngày.

Chim cánh cụt Chinstrap tại Nam cực cần bảo vệ trứng và con non trong đàn đông đúc và ồn ào, vì vậy chúng chợp mắt hàng nghìn lần/ngày – mỗi lần khoảng 4 giây. Giấc ngủ siêu ngắn vẫn đảm bảo chim nghỉ ngơi được 11 tiếng đồng hồ mỗi ngày đủ hồi phục sức lực.

Theo nhà nghiên cứu Niels Rattenborg (Viện Trí tuệ sinh học Max Planck): “Những chú chim cánh cụt này trông giống như tài xế buồn ngủ vậy. Chúng chớp mở mắt 24/7, liên tục vài tuần, vậy mà vẫn có thể hoạt động bình thường cũng như thành công nuôi dưỡng con non”.

Chim cánh cụt Chinstrap đẻ trứng vào tháng 11, bố mẹ chia sẻ trách nhiệm nuôi dưỡng: một đi kiếm ăn và một phụ trách chăm sóc trứng cùng con non. Trứng cùng con non là món ăn ưa thích của mòng biển, ngoài ra nhiều chim cách cụt trưởng thành khác cũng cố lấy cắp sỏi từ tổ, vì vậy chim bố mẹ phải luôn đề phòng.

chim.jpg

Thường xuyên chớp mở mắt trong mùa sinh sản

Để nghiên cứu hành vi ngủ của chim cánh cụt Chinstrap, ông Rattenborg cùng các đồng nghiệp Pháp, Hàn Quốc dùng cảm biến đo sóng não thu thập dữ liệu 14 con trưởng thành trên đảo King George ngoài khơi Nam cực trong 11 ngày.

Ý tưởng nghiên cứu nảy sinh khi nhà sinh vật học Won Young-lee (Viện nghiên cứu Địa cực Hàn Quốc) lúc quan sát nhận thấy chim cánh cụt trong mùa sinh sản thường xuyên chớp mở mắt và dường như ngủ gật. Tuy nhiên nhóm cần ghi nhận sóng não nhằm chắc chắn rằng chúng thực sự ngủ.

“Với những chú chim này thì giấc ngủ ngắn sở hữu chức năng phục hồi nhất định, nếu không chúng sẽ chẳng thể chịu đựng nổi”, theo ông Won. Nhóm không thu thập dữ liệu giấc ngủ ngoài mùa sinh sản vì họ nghĩ chim có nhiều thời gian ngủ hơn ở các khoảng thời gian khác trong năm.

Hiện tại nhóm chưa xác định được giấc ngủ ngắn có hiệu quả như giấc ngủ dài hay không, cũng như các loài chim cánh cụt khác có ngủ kiểu tương tự không.

Một số loài động vật khác cũng áp dụng cách thức ngủ đặc biệt, chẳng hạn ó biển frigate khi bay có thể cho một nửa bộ não nghỉ ngơi hay hải tượng phương bắc có thể chợp mắt 15 phút mỗi khi lặn sâu.

Nhưng học giả Daniel Paranhos Zitterbart (Viện Hải dương học Woods Hole) nhận xét giấc ngủ siêu ngắn của chim cánh cụt Chinstrap là một thái cực mới, một sự thích nghi đáng kinh ngạc cho phép chúng gần như luôn cảnh giác trong môi trường căng thẳng cao độ (sinh sản ở đàn đông đúc với thú săn mồi lởn vởn xung quanh).

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Chuyển đổi số xanh Hải Phòng: Thách thức và cơ hội
40 phút trước Nhịp đập khoa học
Ngày 22.11, UBND TP.Hải Phòng và Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) tổ chức Diễn đàn Chuyển đổi số – Hải Phòng 2024 với chủ đề “Chuyển đổi số xanh – Động lực phát triển kinh tế, xã hội”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chim cánh cụt chỉ ngủ vài giây mỗi lần để có thể bảo vệ con non