Các nền tảng OTT xuyên biên giới hoạt động tại Việt Nam sẽ phải tuân thủ quy định về giấy phép, cung cấp nội dung và thực hiện chế độ báo cáo định kỳ với cơ quan quản lý là Bộ Thông tin và Truyền thông kể từ đầu năm sau.
Quy định rõ hơn việc phân loại nội dung
Nghị định 71/2022/NĐ-CP bổ sung mới điều 20a về biên tập, phân loại, biên dịch nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu.
Cụ thể, theo Nghị định 71/2022/NĐ-CP, biên tập, phân loại nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu thực hiện như sau:
Đối với chương trình tin tức, thời sự; các chương trình về chính trị, quốc phòng, an ninh, kinh tế, xã hội: Phải được cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình sản xuất, biên tập trước khi cung cấp trên dịch vụ.
Đối với phim: Trước khi cung cấp trên dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ phải bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim theo quy định của Chính phủ và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung, kết quả phân loại phim theo tiêu chí phân loại do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định.
Trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ chưa bảo đảm điều kiện thực hiện phân loại phim thì đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc cơ quan được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ủy quyền thực hiện phân loại đối với phim chưa được cấp Giấy phép phân loại phim hoặc Quyết định phát sóng.
Đối với chương trình thể thao, giải trí: Phải được biên tập, phân loại trước khi cung cấp trên dịch vụ và hiển thị cảnh báo trong khi cung cấp dịch vụ, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Đơn vị cung cấp dịch vụ căn cứ nguyên tắc biên tập, phân loại và cảnh báo nội dung theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông và quy định của pháp luật liên quan để thực hiện hoạt động biên tập, phân loại.
Không vi phạm điều cấm trong luật pháp Việt Nam
Về biên dịch nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, Nghị định nêu rõ, việc biên dịch phim, chương trình nước ngoài phải bảo đảm tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt, bảo đảm không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật Việt Nam. Nội dung biên dịch đối với từng loại chương trình (nếu có) được thực hiện biên tập, phân loại như quy định trên.
Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp liên quan ngăn chặn việc phổ biến các nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu không thực hiện biên tập, phân loại theo các quy định biên tập, phân loại nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu nêu trên.
Theo Nghị định 06/2016/NĐ-CP, các kênh chương trình trong nước phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của Nhà nước được tiếp phát, truyền tải nguyên vẹn trên dịch vụ phát thanh, truyền hình tại lãnh thổ Việt Nam không cần thỏa thuận về bản quyền.
Tại Nghị định 71/2022/NĐ-CP, quy định này được sửa đổi như sau: Các kênh chương trình phục vụ nhiệm vụ chính trị, thông tin tuyên truyền thiết yếu theo quy định của pháp luật được tiếp phát, truyền tải nguyên vẹn trên dịch vụ phát thanh, truyền hình tại Việt Nam thông qua thỏa thuận điểm nhận tín hiệu giữa cơ quan báo chí có Giấy phép hoạt động phát thanh, truyền hình và đơn vị cung cấp dịch vụ.
Đồng thời, Nghị định 71/2022/NĐ-CP bổ sung quy định: Các nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu, nội dung của dịch vụ giá trị gia tăng phải bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bản quyền.
Cụ thể, có văn bản chứng minh bản quyền hợp pháp theo quy định của pháp luật; bảo đảm tính nguyên vẹn của chương trình, phim đã được phát trên kênh, bao gồm cả tên, biểu tượng (logo) của kênh chương trình; bảo đảm tuân thủ hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận bản quyền; tính nguyên vẹn của nội dung chương trình sau khi được biên tập, phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 20a Nghị định này.
Quản lý các nền tảng xuyên biên giới thế nào?
Trong phân loại các dịch vụ, quy định nêu loại hình dịch vụ phát thanh, truyền hình trên mạng Internet là loại hình sử dụng kết nối mạng Internet thông qua các địa chỉ tên miền của trang thông tin điện tử hoạc địa chỉ Internet xác định do Việt Nam quản lý, gồm cả ứng dụng Internet.
Đối với hồ sơ cấp phép cung cấp dịch vụ, Nghị định mới quy định đề án cung cấp dịch vụ cần thuyết minh rõ về loại hình, phạm vi cung cấp dịch vụ; phương án kỹ thuật cung cấp dịch vụ phát thanh, truyền hình trực tuyến và dịch vụ phát thanh, truyền hình theo yêu cầu (nếu có); phương tiện thanh toán dự kiến các điều khoản về quyền lợi, trách nhiệm các bên trong ký kết hợp đồng cung cấp sử dụng dịch vụ và những nội dung khác theo quy định.
Trường hợp trên dịch vụ không cung cấp các kênh chương trình, chỉ cung cấp nội dung phát thanh, truyền hình theo yêu cầu thì thực hiện kê khai theo biểu đồ do Bộ Thông tin và Truyền thông quy định, gồm: phạm vi, điều kiện kỹ thuật, phương tiện thanh toán, quy trình giải quyết khiếu nại… Dự kiến có các điều khoản về quyền, trách nhiệm của các bên, nhóm nội dung cung cấp trên dịch vụ; tên miền.vn hoặc địa chỉ Internet xác định và ứng dụng Internet cung cấp dịch vụ.
Nghị định cũng sửa đổi, bổ sung quy định về việc kiểm soát và chịu trách nhiệm về nội dung để bảo đảm các chương trình liên kết phải được biên tập, phân loại trước khi phát sóng, cung cấp đến các nền tảng truyền thông số khác. Đồng thời, phải kiểm soát và chịu trách nhiệm về hoạt động của đối tác liên kết trong quá trình tổ chức sản xuất các chương trình liên kết.
Đối với kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình trả tiền phải đáp ứng yêu cầu không bao gồm nội dung quảng cáo được cài đặt sẵn từ nước ngoài. Các nội dung quảng cáo phải được cài đặt tại Việt Nam. Cơ quan báo chí được cấp phép biên tập là đầu mối thực hiện cài đặt quảng cáo và chịu trách nhiệm về nội dung, thời lượng, đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật về quảng cáo như đối với kênh truyền hình trả tiền.
Biên tập, biên dịch kênh chương trình nước ngoài trên dịch vụ phát thanh, truyền hình đảm bảo không trái với quy định về báo chí, điện ảnh, quảng cáo; thực hiện cảnh báo nội dung bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật Việt Nam về trẻ em, điện ảnh và các quy định liên quan. Việc biên dịch các kênh chương trình nước ngoài đảm bảo tôn trọng, bảo tồn sự trong sáng của tiếng Việt.