Theo Reuters, đảng Dân chủ sẽ sử dụng thế đa số tại Hạ viện để đảo ngược cách tiếp cận “không can thiệp” của đảng Cộng hòa với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, cũng như thúc đẩy đường lối cứng rắn hơn với Nga, Ả Rập Saudi, CHDCND Triều Tiên.

Chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao khi đảng Dân chủ nắm Hạ viện?

Cẩm Bình | 07/11/2018, 17:30

Theo Reuters, đảng Dân chủ sẽ sử dụng thế đa số tại Hạ viện để đảo ngược cách tiếp cận “không can thiệp” của đảng Cộng hòa với chính sách đối ngoại của Tổng thống Donald Trump, cũng như thúc đẩy đường lối cứng rắn hơn với Nga, Ả Rập Saudi, CHDCND Triều Tiên.

Số liệu từ các phương tiện truyền thông Mỹ cho thấy đảng Dân chủ đã nắm quyền kiểm soát Hạ viện, qua đó có vai trò lớn hơn trong quá trình lập pháp và thiết lập các khoản ngân sách.

Nghị sĩ Eliot Engel của đảng Dân chủ, người được cho sẽ trở thành Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Ha viện, cho biết: “Tôi không nghĩ chúng ta nên thách thức chính sách nào đó chỉ vì chúng được đưa ra bởi chính phủ (Donald Trump). Tuy nhiên chúng tôi có nghĩa vụ xem xét và theo dõi chính sách”.

Vì vẫn phải làm việc với Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát khi muốn thông qua dự luật nào đó, nên ảnh hưởng lớn nhất của đảng Dân chủ (với lợi thế lãnh đạo Ủy ban Đối ngoại, Ủy ban Quân vụ cùng Ủy ban Tình báo Hạ viện) sẽ là giám sát, yêu cầu điều trần hay ban hành trát hầu tòa khi cần thiết.

Với Nga

Đảng Dân chủ có kế hoạch mở các cuộc điều tra về những chuyện liên quan đến Nga, chẳng hạn như điều tra về quan hệ làm ăn có thể có,hay xung đột lợi ích giữa Tổng thống Trump với Moscow.

Về mặt chính sách, Hạ viện có thể đưa ra thêm nhiều biện pháp trừng phạt Nga với lý do đáp trả “những hành động mang tính khiêu khích” (can thiệp bầu cử Mỹ, hoạt động quân sự tại Ukraine và Syria).

Họ cũng có thể sử dụng quyền lực của mình để đề nghị Tổng thống Trump cung cấp nhiều thông tin hơn về nội dung trao đổi chi tiết giữa ông với người đồng cấp Vladimir Putin khi gặp nhau vào tháng 7 trước.

Thượng đỉnh Mỹ- Nga hồi tháng 7 - Ảnh: Sky News

Phản ứng ra sao với đồng minh Ả Rập Saudi?

Cái chết còn nhiều bí ẩn của nhà báo Jamal Khashoggi càng khiến giới nghị sĩ Mỹ thêm thất vọng với Ả Rập Saudi trong vấn đề nhân quyền và cuộc chiến Yemen.

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có khả năng bỏ phiếu một đạo luật ngăn chặn mọi thương vụ vũ khí với Riyadh, khiến thỏa thuận hợp tác hạt nhân khó được thông qua cũng như cân nhắc dừng hỗ trợ các chiến dịch của đồng minh Trung Đông này tại Yemen.

Theo nghị sĩ Engel, dù vẫn cần Ả Rập Saudi làm đối trọng với Iran nhưng Riyadh cần giải quyết những quan ngại từ phía Washington.

CHDCND Triều Tiên

Các thành viên đảng Dân chủ muốn được biết rõ hơn về những cuộc làm việc giữa Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mike Pompeo với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Họ lo lắng ông Trump do quá háo hức muốn có “một thỏa thuận tuyệt vời” mà thực hiện nhiều nhượng bộ.

Một số quan chức chính phủ Mỹ có thể phải ra điều trần công khai hoặc bí mật về tình hình đàm phán.

“Đối thoại là chuyện tốt, nhưng chúng ta không nên bị ảo tưởng rằng Bình Nhưỡng sẽ có thay đổi lớn”, nghị sĩ Engel cho hay.

Trung Quốc

Sự kiểm soát của đảng Dân chủ với Hạ viện không khiến chính sách với Trung Quốc thay đổi đáng kể. Nhiều thành viên Dân chủ nổi tiếng đã ủng hộ nhiều biện pháp đối phó với Bắc Kinh mà phía Cộng hòa đưa ra trước đó.

Tuy vậy, nghị sĩ Engel thừa nhận Mỹ cần đến cường quốc châu Á như một đối tác trong nhiều vấn đề, ví dụ như phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Vì vậy, họ sẽ hành động cẩn thận.

Giống như đảng Cộng hòa, trong nội bộ đảng Dân chủ có chia rẽ về cuộc chiến chương mại mà Tổng thống Trump phát động. Một số đánh giá động thái này tạo ra việc làm, và thuế quan giúp bảo vệ lao động Mỹ trong vài ngành công nghiệp.

Số phận của thỏa thuận hạt nhân Iran

Đảng Dân chủ rất tức giận khi Tổng thống Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được với Iran năm 2015, nhưng họ khó thay đổi được gì chừng nào đảng Cộng hòa còn nắm Nhà Trắng.

Nghị sĩ Engel cho rằng nhà lãnh đạo Washington nên làm việc chặt chẽ hơn với đồng minh mà đặc biệt là Liên minh châu Âu( EU) để cổ gắng sửa chữa thiệt hại gây ra bởi quyết định rút khỏi.

Cẩm Bình (theo Reuters)
Bài liên quan
Bộ Thương mại Mỹ: Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ
Bộ Thương mại Mỹ (USITC) công bố đầu tháng 11.2024, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
5 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chính sách đối ngoại Mỹ sẽ ra sao khi đảng Dân chủ nắm Hạ viện?