Chính trị gia Joe Biden vào năm ngoái nhắc nhở: “Viết nên quy tắc cho con đường thương mại thế kỷ 21 là chúng ta, hoặc là Trung Quốc”.
Tân Tổng thống Mỹ phải hành động nhanh chóng ngay sau khi nhậm chức. Trung Quốc vừa cùng 14 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương khác ký kết Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEP) tạo nên khối thương mại lớn nhất thế giới.
RCEP chiếm 30% dân số thế giới và 30% GDP toàn cầu, Mỹ - nền kinh tế lớn nhất thế giới - lại không phải thành viên. Chính quyền đương kim lãnh đạo Donald Trump trước đây còn từ bỏ Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) không có Trung Quốc.
Ông Biden từng nói sẽ tái đàm phán TPP - nay là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - nhưng không cam kết tham gia. Trong cuộc chạy đua cho chiếc ghế Tổng thống Mỹ năm 2016, áp lực trong nước khiến ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton chẳng dám ủng hộ TPP. Tổng thống Trump với quan điểm “Nước Mỹ trên hết” cũng chẳng mặn mà tham gia những cơ chế đa phương của châu Á.
Tại lễ ký kết trực tuyến hôm 15.11, 15 quốc gia RCEP ra tuyên bố: “Chúng tôi tin rằng RCEP đại diện cho bước tiến quan trọng hướng tới một khuôn khổ quy tắc thương mại và đầu tư toàn cầu”.
Trước RCEP, Trung Quốc có ký hiệp định thương mại tự do riêng biệt với Úc cùng ASEAN, tuy nhiên chưa tham gia thỏa thuận khu vực quy mô lớn nào.
“Tham gia RCEP không chỉ là thành tựu to lớn trong hợp tác ở khu vực Đông Á mà quan trọng hơn, là chiến thắng của chủ nghĩa đa phương và thương mại tự do”, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường phát biểu tại lễ ký kết.
Theo chuyên gia Junichi Sugawara thuộc Viện nghiên cứu Mizuho, dù RCEP không ưu việt bằng TPP (TPP loại bỏ đến 99,9% thuế quan trong khi RCEP chỉ bỏ đi 91%) nhưng hiệp định đưa được Trung Quốc vào khuôn khổ quy tắc thương mại chung.
Trung Quốc nhiều năm qua không sẵn sàng mở cửa thị trường mà nay lại thay đổi chiến lược. Chiến lược xem trọng mở cửa với bên ngoài chính là hệ quả phụ do thương chiến với Mỹ đem lại. Lo ngại Mỹ dù đổi Tổng thống nhưng vẫn tiếp tục gây sức ép, chính quyền Bắc Kinh tìm cách tăng cường quan hệ với nhiều láng giềng châu Á.
Mỹ dường như đang ở “ngã ba đường”. RCEP vừa ký kết có thể lại làm bùng lên cuộc tranh luận về những hiệp định thương mại toàn cầu ở nước này.
Lúc còn giữ chức Phó tổng thống thì Biden ủng hộ thúc đẩy TPP, tuy nhiên đến năm 2020 ông lại tuyên bố: “Chúng ta sẽ không đàm phán bất kỳ thỏa thuận thương mại mới trước khi tăng năng lực cạnh tranh của Mỹ ngay tại sân nhà”. Chính trị gia đảng Dân chủ còn nhấn mạnh lập trường “mua hàng Mỹ”, thậm chí để ngỏ khả năng thực thi chính sách bảo hộ mạnh mẽ hơn Tổng thống Trump.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội Mỹ diễn ra vào 2 năm nữa, vì vậy kế hoạch đàm phán tham vọng như TPP sẽ phải tạm gác lại.
Tại châu Âu, đàm phán về thỏa thuận thương mại với Anh hậu Brexit hiện bế tắc.
RCEP chưa hoàn chỉnh
RCEP không chỉ thiếu Mỹ còn vắng mặt cả Ấn Độ. Cường quốc Nam Á cuối năm 2019 thông báo rút khỏi đàm phán và không bao giờ tham gia trở lại.
Hơn một nửa dân số Ấn Độ làm việc trong ngành nông nghiệp, họ sẽ bị thiệt hại nếu nông sản nước ngoài giá rẻ tràn ngập thị trường nội địa. Thủ tướng Narendra Modi không muốn làm mất lòng lực lượng lao động này.
Giáo sứ Srikanth Kondapalli thuộc Trung tâm nghiên cứu Đông Á (đại học Jawaharlal Nehru) nhận định ngoài lý do bảo vệ nông dân Ấn, chính quyền New Delhi sở dĩ rút khỏi đàm phán còn vì lo ngại RCEP khiến thâm hụt thương mại với Trung Quốc thêm trầm trọng.
Nhà phân tích Ayako Fukuyama thuộc đơn vị tư vấn Owls Consulting lại cho rằng: “Ấn Độ nên tham gia vì bản chất của chuỗi cung ứng cũng như để cân bằng với Trung Quốc. Việc ký kết RCEP gửi đi thông điệp châu Á - Thái Bình Dương quyết theo đuổi thương mại tự do dù thế giới dần theo xu hướng bảo hộ”.
“Trung Quốc đang chuyển đầu tư từ Mỹ sang ASEAN. Không có RCEP thì xu hướng này vẫn tiếp tục. Đưa Trung Quốc vào khuôn khổ là việc rất quan trọng”, theo nhà phân tích Fukuyama.