ByteDance mua chip trí tuệ nhân tạo (AI) Nvidia nhiều nhất tại Trung Quốc khi chủ sở hữu TikTok tìm cách khẳng định vị thế trong lĩnh vực này, theo trang Financial Times.
Một lệnh cấm xuất khẩu từ Mỹ năm 2022 hạn chế Trung Quốc tiếp cận các GPU (bộ xử lý đồ họa) tiên tiến hơn của Nvidia, gồm cả H100. Đây là loại chip được săn đón để vận hành các mô hình AI cần dữ liệu lớn và góp phần giúp Nvidia trở thành công ty có vốn hóa hơn 3.400 tỉ USD giữa cơn sốt AI toàn cầu.
Lệnh cấm này giới hạn Trung Quốc chỉ được sử dụng GPU Nvidia H20 kém mạnh mẽ hơn. Vào tháng 5, các quan chức chính phủ Trung Quốc yêu cầu các hãng công nghệ địa phương mua chip sản xuất trong nước để thay thế.
Bất chấp quy định của Mỹ và lời kêu gọi từ Trung Quốc, ByteDance trở thành hãng mua chip AI Nvidia lớn nhất, theo các nguồn tin của Financial Times. Một nguồn tin nói rằng ByteDance cũng là khách hàng lớn nhất của Nvidia tại châu Á.
Financial Times không tiết lộ con số cụ thể, nhưng trang The Information đưa tin vào tháng 9 rằng công ty mẹ TikTok đã đặt hàng hơn 200.000 Nvidia H20 trong năm 2024.
ByteDance dường như đang tìm cách giải quyết lệnh cấm từ Mỹ để tiếp cận chip H100 và Blackwell của Nvidia bằng cách tăng năng lực tính toán bên ngoài Trung Quốc, gồm cả kế hoạch xây dựng các trung tâm dữ liệu mới tại Malaysia, theo các nguồn tin thân cận với Financial Times.
ByteDance không trả lời ngay lập tức khi trang Insider đề nghị bình luận.
Việc ByteDance thúc đẩy mua thêm chip Nvidia là một phần trong nỗ lực rộng lớn hơn của công ty có trụ sở ở Bắc Kinh nhằm khẳng định mình là gã khổng lồ AI.
Theo Financial Times, ByteDance đã thu hút các kỹ sư hàng đầu từ các đối thủ và công ty khởi nghiệp. Vào năm 2021, chủ sở hữu TikTok đã nêu ra kế hoạch thu hút nhân tài AI ở nước ngoài, trang Insider đưa tin.
ByteDance cũng đang tham gia vào một nhóm các hãng công nghệ lớn tìm cách phá vỡ sự thống trị của Nvidia bằng cách phát triển chip AI riêng. Theo các nguồn tin của Financial Times, ByteDance đang xây dựng chip AI cho học máy dựa theo bộ xử lý Tensor Processing Unit (TPU) của Google.
Theo Reuters, ByteDance đã hợp tác với Broadcom (nhà thiết kế chip nổi tiếng của Mỹ) để phát triển chip AI tiên tiến.
Động thái đó sẽ ByteDance giúp đảm bảo nguồn cung cấp chip AI cao cấp đầy đủ trong bối cảnh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Được ByteDance và Broadcom hợp tác phát triển, chip 5 nanomet này - sản phẩm tùy chỉnh được gọi là chip tích hợp dành cho ứng dụng (ASIC) - sẽ tuân thủ các hạn chế xuất khẩu của Mỹ và việc sản xuất sẽ do TSMC (Đài Loan) thực hiện, các nguồn tin Reuters cho biết thêm.
TSMC là hãng sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới. Chưa có sự hợp tác phát triển chip nào được công bố công khai giữa các công ty Trung Quốc và Mỹ liên quan đến công nghệ 5 nanomet trở lên kể từ khi chính quyền Biden đưa ra các biện pháp kiểm soát xuất khẩu với chất bán dẫn tiên tiến vào năm 2022.
Các thỏa thuận Mỹ - Trung trong lĩnh vực này thường liên quan đến công nghệ ít phức tạp hơn nhiều.
Các nguồn tin giấu tên cho biết sự hợp tác với Broadcom sẽ ByteDance giúp cắt giảm chi phí mua sắm và đảm bảo nguồn cung cấp chip AI cao cấp ổn định hơn. Tuy nhiên, TSMC dự kiến sẽ không bắt đầu sản xuất chip mới này trong năm 2024.
Đầu năm nay, ByteDance ra mắt công cụ nội bộ có tên StreamVoice, cho phép người dùng thay đổi giọng nói thành một giọng khác, ví dụ người nổi tiếng, bằng AI. Công ty cũng đã giới thiệu Cici AI, trợ lý giọng nói AI dựa trên mô hình ngôn ngữ lớn GPT của OpenAI.
Cuối tháng 9, Reuters đưa tin ByteDance có kế hoạch phát triển một mô hình trí AI được đào tạo chủ yếu bằng chip Huawei khi lệnh hạn chế của Mỹ khiến công ty mẹ TikTok phải dùng chip nội địa, ba người quen thuộc với vấn đề này cho biết.
ByteDance đã đa dạng hóa sang các nhà cung cấp chip AI trong nước và đẩy nhanh quá trình phát triển chip của riêng mình kể từ khi Mỹ bắt đầu hạn chế xuất khẩu chip AI tiên tiến từ Nvidia, AMD và Intel sang Trung Quốc vào năm 2022.
AI đã trở thành trọng tâm của ngành công nghệ với các công ty thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau, từ game đến thương mại điện tử, phân biệt các dịch vụ thông qua việc tích hợp các mô hình AI tùy chỉnh.
Bước tiếp theo của ByteDance trong cuộc đua AI là sử dụng chip Huawei Ascend 910B để đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn, theo 3 nguồn tin của Reuters.
Nguồn tin thứ 4 của Reuters cho biết ByteDance đang lên kế hoạch cho một mô hình AI mới nhưng không thể nói liệu công ty Trung Quốc này có sử dụng chip Huawei hay không.
ByteDance đã sử dụng Ascend 910B chủ yếu cho các nhiệm vụ suy luận ít đòi hỏi về tính toán, tức là các mô hình AI đã được đào tạo trước để đưa ra dự đoán, theo Reuters. Đào tạo mô hình AI từ đầu đòi hỏi nhiều tài nguyên hơn và yêu cầu lượng dữ liệu khổng lồ, cần dùng đến các chip hiệu suất cao như GPU tiên tiến của Nvidia.
Khả năng và độ phức tạp của mô hình AI mới, được đo bằng các tham số tính toán, sẽ kém hơn so với mô hình AI hiện tại của ByteDance là Doubao, theo một trong những nguồn tin của Reuters.
ByteDance không trả lời khi được Reuters đề nghị bình luận. Michael Hughes, phát ngôn viên TikTok tại Mỹ, phát biểu thay mặt cho ByteDance: "Toàn bộ tiền đệ ở đây là sai. Không có mô hình AI mới nào đang được phát triển".
Huawei không trả lời câu hỏi của Reuters.
Trong bối cảnh nỗ lực trở thành đối thủ đáng gờm ở cuộc đua AI, ByteDance phải đối mặt với những rào cản lớn, gồm tốc độ tăng trưởng người dùng chậm lại trên TikTok và tương lai không chắc chắn ở Mỹ.
Hôm 6.12, một hội đồng gồm ba thẩm phán từ Tòa Phúc thẩm liên bang Mỹ ở quận Columbia (bang Washington) đã quyết định duy trì luật sẽ cấm TikTok khỏi Apple App Store và Google Play Store tại Mỹ nếu ByteDance không thoái vốn khỏi ứng dụng chia sẻ video ngắn đình đám này trước ngày 19.1.2025.
Trong tuyên bố về phán quyết trên, TikTok cho biết sẽ kháng cáo quyết định lên Tòa án Tối cao Mỹ trên cơ sở Tu chính án thứ nhất. Tu chính án thứ nhất là một trong những điều khoản quan trọng nhất của Hiến pháp Mỹ. Nó bảo vệ các quyền tự do cơ bản thiết yếu cho một xã hội dân chủ. Tu chính án này đã được sử dụng để bảo vệ nhiều loại hình ngôn luận, gồm cả bài phát biểu chính trị, báo chí tự do và biểu tình.
"Thật không may, lệnh cấm TikTok được hình thành và thúc đẩy dựa trên thông tin không chính xác, sai lệch và mang tính giả định, dẫn đến việc kiểm duyệt hoàn toàn người dân Mỹ. Nếu lệnh cấm TikTok không được dừng lại, điều này sẽ làm im tiếng nói của hơn 170 triệu người tại nước này, và cả trên thế giới vào ngày 19.1.2025", TikTok tuyên bố.
Một nhóm các nhà đầu tư siêu giàu đã bày tỏ muốn mua nền tảng truyền thông xã hội này, gồm cả Kevin O'Leary của Shark Tank, cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ - Steven Mnuchin và Frank McCourt (chủ sở hữu CLB bóng đá Olympique Marseille và chủ cũ đội bóng chày L.A Dodgers)
"Chúng tôi không muốn thấy TikTok bị cấm. Tôi muốn nói thêm rằng Tổng thống đắc cử Trump cũng nói rằng ông không muốn nó bị cấm. Vậy nên bây giờ, chúng ta hãy hãy thảo luận về việc mua lại TikTok", Frank McCourt phát biểu trên chương trình Face the Nation của kênh CBS hôm 7.12.
Trung Quốc điều tra Nvidia
Trung Quốc cho biết đã mở cuộc điều tra Nvidia vì nghi ngờ hãng chip AI số 1 thế giới vi phạm luật chống độc quyền ở nước này.
Thông báo của Cục Quản lý thị trường nhà nước (SAMR) không nêu chi tiết Nvidia sai phạm về chống độc quyền thế nào. Nvidia được cho là vi phạm cam kết ưa ra vào năm 2020, khi mua lại công ty thiết kế chip Mellanox Technologies (Israel) với giá 6,9 tỉ USD..
Mellanox lúc đó được cho là chìa khóa cho phép tiếp cận chiến lược liên quan đến các đầu não dữ liệu vận hành AI. Do đó, thương vụ này cần sự phê chuẩn của các cơ quan quản lý thị trường ở Mỹ, Israel, Liên minh châu Âu và Trung Quốc.
Sau thời gian thẩm định, cơ quan quản lý thị trường Trung Quốc đã phê chuẩn thương vụ Mellanox vào tháng 4.2020. Chưa rõ Nvidia vi phạm luật chống độc quyền nào ở Trung Quốc liên quan đến cam kết khi đó.
Theo Reuters, đây được xem là động thái đáp trả biện pháp kiểm soát mới của Mỹ với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc. Sau thông báo trên, cổ phiếu Nvidia đã rớt giá.
Cuộc điều tra diễn ra sau khi Mỹ áp đặt biện pháp hạn chế xuất khẩu với ngành công nghiệp chip Trung Quốc lần thứ ba trong vòng ba năm, thêm 140 công ty vào danh sách đen thương mại.
Sau đó, chính phủ Trung Quốc cũng tuyên bố cấm xuất khẩu một số khoáng sản quý hiếm được sử dụng trong ứng dụng quân sự, sản xuất chất bán dẫn, pin, thiết bị điện tử tiên tiến và tấm pin mặt trời.
Tuần trước, bốn hiệp hội công nghiệp hàng đầu Trung Quốc, đại diện cho nhiều ngành lớn về viễn thông, kinh tế số, ô tô và bán dẫn, với tổng cộng 6.400 thành viên, đồng loạt cảnh báo các công ty trong nước nên thận trọng khi mua chip từ Mỹ. Họ nhận định chip Mỹ "không còn an toàn", nên ưu tiên sản phẩm sản xuất nội địa.
Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Mỹ đánh giá lời kêu gọi hạn chế mua chip là không hữu ích và không chính xác, đồng thời nhấn mạnh các biện pháp kiểm soát xuất khẩu cần siết chặt hơn nữa để đáp ứng các mục tiêu an ninh quốc gia cụ thể.
Nvidia là một trong những công ty bị ảnh hưởng nhất trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Lệnh hạn chế khiến Nvidia không thể bán chip AI tiên tiến nhất cho Trung Quốc, phải phát triển phiên bản đặc thù cho thị trường tỷ dân để phù hợp quy định kiểm soát xuất khẩu từ Mỹ.
Nvidia từng chiếm 90% thị phần chip AI ở Trung Quốc trước khi lệnh cấm được ban hành và đang phải cạnh tranh với các công ty nội địa, đáng sợ nhất là Huawei. Trong năm tài chính 2023, Trung Quốc chiếm 17% doanh thu của Nvidia, giảm so với mức 26% hai năm trước đó.
Lần gần nhất Trung Quốc tiến hành điều tra chống độc quyền với một hãng công nghệ lớn nước ngoài là năm 2013, liên quan việc tính phí quá cao và lạm dụng vị thế về tiêu chuẩn viễn thông không dây của Qualcomm. Hãng chip Mỹ đồng ý nộp phạt 975 triệu USD, mức lớn nhất Trung Quốc từng áp dụng cho một công ty khi đó.