Chiều 6.12, ông Nguyễn Đức Chung đã đăng đàn làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND TP.Hà Nội còn băn khoăn thời gian qua, nhất là vấn đề đá xanh lát vỉa hè.

Chủ tịch Hà Nội: Việc lát vỉa hè thời gian qua tạo dư luận rất xấu

Nam Phong | 07/12/2017, 05:11

Chiều 6.12, ông Nguyễn Đức Chung đã đăng đàn làm rõ những vấn đề đại biểu HĐND TP.Hà Nội còn băn khoăn thời gian qua, nhất là vấn đề đá xanh lát vỉa hè.

Theo ông Chung, “việc lát lại vỉa hè trong một số năm qua, đặc biệt là năm 2016 và thời gian gần đây đã để lại dư luận rất xấu trong con mắt cử tri và các nhà quản lý. Một số dự án làm ồ ạt vào cuối năm với chất lượng rất thấp, một số vị trí được thi công rất bừa bãi; chất lượng đá không đúng về cả kích cỡ lẫn độ dày”.

Theo đó, Chủ tịch Hà Nội đã giao Thanh tra TP.Hà Nội xuống địa bàn để thanh tra và sớm có kết luận trong thời gian tới. Đồng thơi, yêu cầu các đơn vị liên quan làm lại khi vỉa hè quá cũ nát, không thể sửa chữa, khắc phục. Trên các tuyến phố đã hạ ngầm xong toàn bộ hệ thống chiếu sáng, trồng mới cây xanh… mới được thực hiện kế hoạch lát lại vỉa hè, chứ không làm tràn lan.

Ông Chung yêu cầu các quận, huyện quyết liệt hơn trong lĩnh vực này. “Nếu trường hợp các quận không làm được, thành phố sẽ thu lại các dự án. Từ đó, đưa về một đầu mối để quản lý, lát lại vỉa hè ở khu vực nội đô”, ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP.Hà Nội nêu rõ quan điểm.

Các đại biểu cũng đề nghị trả lời về vấn đề trật tự xây dựng. Liên quan về các vi phạm nhà "siêu mỏng, siêu méo", đại biểu Đoàn Việt Cường (Mê Linh) cho biết: hiện có 132 công trình "siêu mỏng, siêu méo" cũ còn tồn tại và 56 công trình ở các đường mới mở, chủ yếu tại quận Tây Hồ, Ba Đình, Cầu Giấy.

Kỳ họp thứ 5 HĐND TP.Hà Nội khóa XV - Ảnh: NP

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (Thanh Xuân) đặt vấn đề, năm 2017, thành phố chủ trương thiết lập lại trật tự vỉa hè, lòng đường, góp phần làm cho Hà Nội xanh, sạch, đẹp hơn. Các phường, quận, huyện đã ra quân quyết liệt. Tuy nhiên, sau thời gian thực hiện, tại một số địa bàn lại xảy ra tái lấn chiếm vỉa hè, lòng đường gây bức xúc dư luận. Vậy đâu là nguyên nhân? Ai chịu trách nhiệm chính? Giải pháp xử lý để trả lại vỉa hè bền vững, lâu dài cho người đi bộ?

Trả lời ý kiến của các đại biểu liên quan đến trật tự xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết tại thời điểm báo cáo tháng 7.2017, vẫn còn tồn đọng các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng trước 31.12.2016, mới chỉ giải quyết được 414 trường hợp vi phạm.

Sở Xây dựng xác định đây là những vấn đề nghiêm trọng, gây bức xúc kéo dài, rất khó giải quyết triệt để. Từ đó, Sở Xây dựng đã tổ chức 3 đoàn kiểm tra xuống các quận huyện, thị xã. Từ 13.7 đến 30.11.2017, Sở đã giải quyết và còn 123 trường hợp tồn đọng trước 31.12.2017 và vẫn còn phát sinh mới.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, vẫn có 345 công trình vi phạm và trong năm 2017 vẫn còn 122 công trình vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, xây dựng trên đất công, không có giấy phép xây dựng, vẫn phải tiếp tục giải quyết. Đối với 345 trường hợp này, thanh tra xây dựng đã hoàn thiện các hồ sơ, gửi cho từng phương án gửi cho chính quyền địa phương và đã xử lý vi phạm được 70%. Đồng thời, đã ban hành được các kế hoạch cưỡng chế, tổ chức tháo dỡ… Xác định rõ trách nhiệm từng đơn vị chính quyền, thanh tra xây dựng, Sở xây dựng.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về nhà "siêu mỏng, siêu méo", Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, nguyên nhân của tình trạng này là do khi mở đường cắt vào nhà dân, đặc biệt là ở thời điểm Hà Nội mở đường để tổ chức SEA Games 23. Những nhà "siêu mỏng, siêu méo" xuất hiện nhiều ở trục đường Kim Mã, Nguyễn Chí Thanh, Đào Tấn, Văn Cao, Thanh Nhàn… Theo quy định, những nhà đủ điều kiện là chiều sâu không nhỏ hơn 3m, hình dạng không quá méo mó, phản cảm.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng, hiện nhà siêu mỏng, siêu méo được chia ra thành 3 nhóm. Nhóm 1: Có 52 trường hợp tồn tại từ gần 13 năm nay, giờ không thể thu hồi được vì người dân đã ổn định kinh doanh, sinh hoạt. Sở Xây dựng đã đi kiểm tra và nhận thấy, những nhà này đã được gia cố, chỉnh trang lại, kết cấu chắc chắn và cũng hạ độ cao. Vì vậy, Sở đề nghị UBND các quận Cầu Giấy, Ba Đình, Đống Đa mạnh dạn đề xuất những trường hợp đủ điều kiện, đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo an toàn sinh hoạt thì có thể được giữ nguyên trạng.

Nhóm 2: Có 54 trường hợp, cao 5 tầng, mỏng, nhìn xấu và phản cảm, gây nguy hiểm thì UBND các quận kiên quyết thu hồi; Nhóm 3: Có 18 trường hợp có thể chỉnh trang, sửa chữa lại được thì UBND các quận đề xuất và hướng dẫn người dân chỉnh trang theo đúng quy chuẩn, đảm bảo số tầng... để có thể ổn định được.

Về 56 trường hợp nhà "siêu mỏng, siêu méo" tồn đọng từ năm 2014 - 2016 xuất hiện ở khu vực vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5…, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, đến nay, đã hết thời gian gia hạn nên sắp tới sẽ có phương án kiên quyết thu hồi và không để phát sinh thêm. Những trường hợp này sẽ được tiến hành xử lý từ quý 1/2018.

Trả lời các câu hỏi của đại biểu liên quan đến quy hoạch nhà "siêu mỏng, siêu méo", Giám đốc Sở QH-KT Lê Vinh cho biết, Sở đã ban văn bản có tính chất xác minh nhà "siêu mỏng, siêu méo" tương đối đầy đủ, có hướng dẫn cho các địa phương.

Về quy hoạch, trước đây khi mở các đường mới đã để xảy ra tình trạng nhà “siêu méo siêu mỏng”, chưa quan tâm để ý thu hồi những khu đất để xảy ra tình trạng này. Trong thiết kế đô thị đã xác định những ô đất để xảy ra việc này. Đồng thời, có giải pháp như: chỉ đạo, phối hợp với chính quyền địa phương động viên những gia đình có ô đất có vị trí để xảy ra nhà “siêu mỏng, siêu méo”. Trong trường hợp, các hộ gia đình không chịu hợp tác thì sẽ có áp dụng những quy định của TP trong việc thu hồi.

“Khi thiết kế đường vành đai, chúng tôi đã xác định 40 trường hợp nhà siêu méo. Sau khi phối hợp với chính quyền địa phương quận Đống Đa và Thanh Xuân làm việc với hơn 20 gia đình hợp tác. Đối với những trường hợp khác còn lại sẽ làm theo quy định. Đồng thời, Sở cũng xác định vai trò của Sở và địa phương nhằm nâng cao trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định xử lý nhà "siêu mỏng, siêu méo", ông Vinh nói.

Nam Phong
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hà Nội: Việc lát vỉa hè thời gian qua tạo dư luận rất xấu