Liên quan đến vụ Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất hơn 100 cuốn sách cổ quý giá, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự bức xúc của mình.

Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều lên tiếng về vụ mất sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Tiểu Vũ | 09/04/2023, 09:22

Liên quan đến vụ Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất hơn 100 cuốn sách cổ quý giá, nhà văn Nguyễn Quang Thiều bày tỏ sự bức xúc của mình.

Mới đây tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nghiên cứu viên cao cấp, Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản học (Viện Nghiên cứu Hán Nôm), đã đăng thông tin về việc viện này bị mất hơn 100 cuốn sách quý và để gần 880 cuốn khác trong kho bị mủn nát, không thể phục chế. Vụ việc đã gây xôn xao trong dư luận. 

Tiếp đó vào ngày 4.4, tiến sĩ Diện đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính khẩn thiết yêu cầu người đứng đầu chính phủ chỉ đạo các bộ ngành liên quan như Bộ Công an; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia; Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam “sớm có kết quả điều tra, xử lý đúng người đúng tội theo pháp luật, chấn chỉnh công tác ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm...”.

340007886_1299213913961910_8623297727644112037_n.jpg
Đơn của TS Nguyễn Xuân Diện 

Vụ việc mất sách ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã gây bức xúc trong dư luận, trong đó có giới văn nghệ sĩ. Tối 8.4, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều đã bày tỏ quan điểm của mình qua bài viết đăng trên trang cá nhân có nội dung như sau:

“Về những cuốn sách cổ ở Viện Hán Nôm bị mất và bị phá hủy

Ngày 4 tháng 4 năm 2023, tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng Phạm Minh Chính đề cập đến việc Viện Hán Nôm để mất 121 cuốn sách cổ và để hư nát hàng trăm cuốn sách cổ khác.

Lá đơn chính là lời yêu cầu khẩn thiết của một trí thức yêu nước với người đứng đầu Chính phủ về một di sản vô giá của dân tộc bị đánh cắp và đang bị phá hủy. Tôi tin chắc chắn rằng: Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ có chỉ đạo sát sao về vụ việc vô cùng quan trọng này.

340594762_272373918452413_4720441425196567406_n.jpg
Trang đầu cuốn "Việt âm thi tập" của Phan Phu Tiên - một trong số các cuốn sách đang bị thất lạc tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Ảnh: Tư liệu

Tôi không phải là người nghiên cứu Hán Nôm và nhiều người khác cũng vậy, nhưng chúng tôi, đặc biệt là nhiều nhà văn, hiểu rằng: đó không chỉ là những cuốn sách quý, không chỉ là cổ vật mà đó là di sản vô giá của dân tộc. Những cuốn sách đó là "văn bản pháp lý chủ quyền" của dân tộc (lời của nhà văn Trung Sỹ) và là một phần quan trọng minh chứng nền văn hiến Việt. Gần 600 năm trước, thi hào Nguyễn Trãi đã thay mặt người dân nước Việt tuyên ngôn: "Như nước Đại Việt ta từ trước. Vốn xưng nền văn hiến đã lâu".

Trong nhiều năm gần đây, nhóm Nhân sĩ Hà Đông chúng tôi nỗ lực sưu tầm những đạo sắc phong bị đánh cắp để giữ gìn và trao lại cho những địa phương bị mất. Viện Hán Nôm có 2 tiến sĩ đã tham gia và ủng hộ công việc của chúng tôi: Tiến sĩ Trương Đức Quả và tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện.

Tiến sĩ Trương Đức Quả là người giúp chúng tôi giám định và dịch các đạo sắc phong đó. Còn tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện là người ủng hộ việc làm của chúng tôi và đã tham dự lễ trao tặng lại các đạo sắc phong. Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện đã viết một số bài nghiên cứu sắc phong để đông đảo người Việt Nam hiểu được giá trị của các đạo sắc phong là thế nào trong hệ thống những di sản văn hóa dân tộc.

Nhà văn Vũ Bình Lục cũng đã từng nói về việc nhà nước phong kiến Trung Hoa tìm mọi cách để hủy diệt những di sản văn hóa Việt. Việc hủy diệt những di sản văn hóa của một dân tộc là để hủy diệt sự độc lập và căn cước văn hóa của một dân tộc đó. Khi một dân tộc không còn căn cước văn hóa của mình thì dân tộc đó không còn tồn tại trong tinh thần cao nhất của sự tồn tại.

danh-muc.jpg
Danh mục 25 cuốn sách cổ biến mất khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm - Nguồn: FB tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện

Tôi thực sự không hình dung nổi vì sao Viện Hán Nôm lại để mất và hư hại từng đó cuốn sách cổ. Và có lẽ chỉ khi tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện lên tiếng thì dư luận mới được biết. Chúng ta mất hàng vạn tỉ đồng vì tham nhũng nhưng rồi nền kinh tế sẽ hồi phục. Nhưng mất đi những cuốn sách cổ hoặc để cho những cuốn sách đó bị hủy hoại thì không bao giờ chúng ta tìm lại được. Làm thất thoát hoặc ăn cắp tiền bạc của nhân dân là có tội. Nhưng ăn cắp và phá hoại di sản văn hóa của dân tộc thì tội còn lớn hơn.

Các cơ quan có trách nhiệm và cơ quan chức năng phải làm rõ điều này trong khi cả nước đang bước vào công cuộc chấn hưng nền văn hóa nước nhà. Và Viện Hán Nôm với bất cứ lý do nào cũng phải trả lời nhân dân về việc này một cách rõ ràng nhất”.

Liên quan đến thông tin Viện Nghiên cứu Hán Nôm mất hơn 100 cuốn sách, viện đã có thông tin gửi tới báo chí với các nội dung như sau: 

Trong đợt kiểm kê tài liệu từ giữa năm 2022, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã yêu cầu kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Tuy nhiên, đối với một phần sách sưu tầm chưa tu bổ, còn bó lại thành từng bó để trong kho, nhóm kiểm kê mới chỉ thực hiện kiểm đếm mà chưa đối chiếu với sổ đăng ký cá biệt.

Sau khi phát hiện ra thiếu sót này, đầu năm 2023, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã tổ chức kiểm kê lại toàn bộ kho sưu tầm, đối chiếu và đánh dấu vào sổ đăng ký cá biệt. Sau quá trình rà soát, đối chiếu, Hội đồng kiểm kê đã họp và báo cáo về kho sưu tầm, phát hiện thấy thiếu 121 quyển (trong đó có 11 quyển nằm trong danh sách 25 quyển báo đã mất năm ngoái).

Bên cạnh đó, có 339 quyển đã vào sổ nhưng lẫn lộn các ký hiệu sách, chưa xác định rõ có nằm trong 121 sách thiếu hay không. Nhóm kiểm kê rà soát lại toàn bộ 17.712 sách sưu tầm và xác định có 877 quyển (5%) thuộc loại hư hại nặng.

Theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Tuấn Cường, viện mới chỉ xác định thiếu 121 quyển sách chứ chưa xác định có thực sự mất hay không. Có thể mất 121 quyển, hoặc mất một số quyển ít hơn con số 121 quyển, hay không mất cuốn nào nếu như toàn bộ 121 quyển hiện bị thiếu này nằm trong số 339 quyển "dôi ra".

Để làm rõ vấn đề, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang mời các chuyên gia tham gia đối chiếu các sách lẫn ký hiệu với các sách thiếu để sàng lọc; đồng thời lập Hội đồng đánh giá tình trạng của 877 sách hư hại để có phương án xử lý phù hợp.

Về sự việc thất thoát 25 cuốn sách lần trước, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã báo cáo Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam ngày 16.2.2023. Ngay sau đó, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã có công văn mời cơ quan an ninh để điều tra, làm rõ sự việc mất tài sản, hiện chưa có kết quả cuối cùng.

Bài liên quan
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều nhận xét về sự khác nhau của người Việt và Mỹ
Mới đây, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã đăng trên trang cá nhân của mình một số nhận xét về sự khác biệt giữa người Việt Nam và người Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Hội Nhà văn VN Nguyễn Quang Thiều lên tiếng về vụ mất sách cổ ở Viện Nghiên cứu Hán Nôm