Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các luật đất đai qua các thời kỳ.

Chủ tịch Quốc hội: Thu hồi đất là vấn đề khó nhất trong Luật Đất đai các thời kỳ

Lam Thanh | 25/08/2023, 15:25

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng là vấn đề khó nhất trong các luật đất đai qua các thời kỳ.

Tiếp tục phiên họp thứ 25 ngày 25.8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết đây là dự án luật lớn, quá trình tiếp thu, chỉnh lý tiếp tục nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Một số vấn đề đã có ý kiến thẩm tra và ý kiến của đại biểu quốc hội nhưng chưa được cung cấp đầy đủ thông tin và giải trình thỏa đáng; một số vấn đề đề nghị bổ sung nội dung tổng kết, đánh giá tác động, cung cấp dữ liệu… nhưng chưa có báo cáo cụ thể.

“Ngày 31.7.2023, Ủy ban Kinh tế có công văn số 2041/UBKT15 đôn đốc, thời hạn đề nghị báo cáo là 2.8.2023. Tuy nhiên, đến ngày 24.8.2023, Thường trực Ủy ban Kinh tế chưa nhận được báo cáo nêu trên”, ông Thanh nói và cho biết vì lý do này mà dự thảo luật mới chỉ được rà soát, chỉnh sửa để đưa ra phương án chỉnh lý đối với một số vấn đề lớn.

dat-dai-1.jpeg
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Đề cập về xác định giá đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Lê Quang Mạnh đề nghị cần làm rõ thêm ở điều 158 về mục đích sử dụng đất được dùng làm căn cứ định giá là mục đích sử dụng đất đang sử dụng hiện tại hay là trong tương lai.

Lý do là những mảnh đất nông nghiệp, mảnh đất vườn hiện nay nếu quy hoạch sau này sẽ là đất công cộng, thu lại làm đường hoặc làm công viên thì sẽ rất khác với giá của những mảnh đất cũng là vườn, cũng là đất nông nghiệp nhưng mà sau này quy hoạch là đất thương mại, dịch vụ hoặc là đất ở.

“Trong những trường hợp nào Nhà nước đứng ra thu hồi đất thì chỉ trả theo đúng mục đích sử dụng đất hiện nay mà người dân đang sở hữu. Còn trong các trường hợp mà quy hoạch hoặc là trong tương lai mà có thể các cái mục đích sử dụng có giá trị gia tăng cao hơn thì chúng ta sẽ quy định một cách rõ ràng”, ông Mạnh nêu.

Liên quan đến việc thu hồi đất, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thống nhất với quy định chi tiết để đảm bảo quá trình minh bạch trong thu hồi đất. Mặc dù quy định chi tiết cũng có nhược điểm là có thể chưa lường hết được các trường hợp cần thu hồi. Do vậy, bà Nga đề nghị cơ quan soạn thảo và thẩm tra cố gắng lường hết các cái trường hợp thu hồi để quy định minh bạch trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) để đảm bảo quá trình thu hồi đất diễn ra được công khai và minh bạch.

dat-dai-3.jpeg
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga

Về cơ chế thỏa thuận ở điều 127 có đưa ra 2 phương án. Phương án thứ nhất là không có quy định về việc là nếu như đã thỏa thuận được 80% còn 20% chưa thỏa thuận được thì Nhà nước đứng ra thu hồi.

Ủy ban Tư pháp nhận thấy phương pháp thứ nhất có hai cơ chế thu hồi đất. Cơ chế thứ nhất là thu hồi bằng biện pháp hành chính. Cơ chế thứ hai là bằng sự thỏa thuận, tức là một bên hành chính, một bên dân sự.

“Tuy nhiên, chúng ta lại đưa ra cơ chế thứ ba vừa là dân sự và hành chính thì đề nghị cần có sự cân nhắc. Nếu thực hiện theo thỏa thuận thì theo cơ chế thỏa thuận hoàn toàn, còn theo hành chính thì theo cơ chế hành chính hoàn toàn. Việc làm này nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên và giảm khiếu kiện liên quan đến đất đai”, bà Nga nêu.

Đóng góp ý kiến tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh vấn đề thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, là vấn đề khó nhất trong các luật đất đai qua các thời kỳ.

dat-dai-2.jpeg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Theo Chủ tịch Quốc hội, nếu lựa chọn cách thức tiếp cận theo hướng "chọn cho" tức là liệt kê các trường hợp, dự án Nhà nước thu hồi đất thì không cách gì đủ được, có khi càng liệt kê càng thiếu.

“Nên chăng là tiếp cận theo hướng chọn bỏ, tức là trừ những trường hợp áp dụng phương pháp thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, còn lại là Nhà nước thu hồi có được không? Vì thực tế chỉ có 2 hình thức là thu hồi và thỏa thuận”, Chủ tịch Quốc hội nói, và cho rằng với hướng tiếp cận trên, có thể quy định thêm quy định đất thu hồi phải nằm trong quy hoạch, kế hoạch đất đã được phê duyệt hay các quy định cấm việc vừa điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch đã có ngay quyết định thu hồi đất.

“Trong thực tế, có việc vừa điều chỉnh quy hoạch, vừa điều chỉnh mục đích sử dụng đất lại ra quyết định thu hồi đất. Cho nên, điều quan trọng là phải ngăn chặn được tình trạng này”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Dẫn chứng công tác cán bộ hiện nay cũng phải trong quy hoạch một thời gian mới được xem xét bổ nhiệm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng trong vấn đề điều chỉnh quy hoạch và thu hồi đất, cũng có sự tiếp cận theo cách này để ngăn chặn việc điều chỉnh quy hoạch là ra quyết định thu hồi đất.

Bài liên quan
Chủ tịch Quốc hội: Nhanh chóng tháo gỡ những điểm nghẽn cản trở sự phát triển
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc nhở phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, ách tắc đang cản trở sự phát triển. Trung ương Đảng đã có Nghị quyết, Quốc hội phải thể chế hóa, cụ thể hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành, khơi thông nguồn lực để phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại cầm quyền Dominicana
2 giờ trước Sự kiện
Theo Đặc phái viên TTXVN, trong chương trình thăm chính thức Cộng hoà Dominicana, ngày 21.11 (giờ địa phương), tại thủ đô Santo Domingo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tiếp Tổng Bí thư Đảng Cách mạng Hiện đại (PRM) cầm quyền, Thị trưởng Thành phố Santo Domingo - bà Carolina Mejia.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch Quốc hội: Thu hồi đất là vấn đề khó nhất trong Luật Đất đai các thời kỳ