Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong lấy hình ảnh Thung lũng Silicon ở Mỹ để định hướng cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức trong buổi duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Khoa học Công nghệ sáng 16.3.

Chủ tịch TP.HCM lấy Thung lũng Silicon ở Mỹ định hướng cho Khu Công nghệ cao Thủ Đức phát triển

P.V | 16/03/2021, 12:00

Chủ tịch UBND TP.HCM - Nguyễn Thành Phong lấy hình ảnh Thung lũng Silicon ở Mỹ để định hướng cho sự phát triển của Khu Công nghệ cao tại thành phố Thủ Đức trong buổi duyệt kế hoạch triển khai nhiệm vụ năm 2021 của Sở Khoa học Công nghệ sáng 16.3.

Cụ thể hơn, ông Nguyễn Thành Phong nói: "Thung lũng Silicon của Mỹ không chỉ nghiên cứu mà còn tạo ra các sản phẩm công nghệ cao, đóng góp cho nền kinh tế. Nhờ tiềm năng vốn có, thành phố Thủ Đức với hạt nhân là Khu Công nghệ cao phải phát triển theo hướng đó".

Thung lũng Silicon là thuật ngữ dùng để chỉ khu vực thuộc miền bắc California tập trung ở Thung lũng Santa Clara, nơi có nhiều công ty công nghệ hàng đầu, đột phá và sáng tạo, gồm cả Apple, Google, Facebook và Netflix.

Điểm nổi bật của Thung lũng Silicon là số lượng các công ty công nghệ thành lập và có trụ sở tại đó. Thuật ngữ này đã trở nên nổi bật trong 1970 để chỉ sự phát triển của khu vực và sự phụ thuộc công nghệ vào bóng bán dẫn silicon, được sử dụng trong tất cả các bộ vi xử lí hiện đại.

Thung lũng Silicon hiện là một trong những khu vực giàu có nhất trên thế giới, được biết đến như một trung tâm đổi mới công nghệ toàn cầu.

Nhiều công ty công nghệ nổi tiếng đã được thành lập tại Thung lũng Silicon, khiến khu vực này trở thành điểm đến hấp dẫn với các nhà đầu tư mạo hiểm.

chu-tich-lay-thung-lung-silicon-o-my-dinh-huong-cho-su-phat-trien-khu-cong-nghe-cao-thu-duc.jpg
Thung lũng Silicon là nơi tập trung nhiều công ty công nghệ hàng đầu nước Mỹ và thế giới

Chủ tịch UBND TP.HCM khẳng định ngành khoa học kỹ thuật đóng vai trò cốt lõi trong nâng cao tốc độ, tạo đà phát triển bên vững cho nền kinh tế thời kỳ 4.0.

Ông Nguyễn Thành Phong chỉ ra điều khiếm khuyết hiện tại là ngành khoa học công nghệ trên địa bàn dù có nguồn lực lớn nhưng khả năng ứng dụng vào thực tiễn chưa cao. Thậm chí số lượng lao động phổ thông còn chiếm tỷ lệ lớn ở Khu Công nghệ cao TP.HCM. Nhiều nơi còn chưa hiểu rõ, hiểu đúng về nội dung việc thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số của chính quyền TP.HCM. Với các doanh nghiệp, tỷ lệ đổi mới sáng tạo trong giai đoạn 2016-2020 toàn TP.HCM chỉ đạt hơn 40%.

Theo ông Phong, tiềm lực khoa học công nghệ của TP.HCM rất lớn, đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học đầu ngành luôn ở mức cao nhưng trong chừng mực nào đó vẫn chưa tạo ra cơ chế, chính sách để tận dụng được.

Ông Phong gợi ý cách khắc phục những yếu điểm này bằng cách các sở, ngành, đặc biệt là Sở Khoa học Công nghệ TP.HCM phải giải được bài toán kết nối Nhà nước với các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp; sản phẩm nghiên cứu về công nghệ cần được ứng dụng vào thực tiễn, thương mại hóa giúp đem lại giá trị.

Thế nhưng, người lãnh đạo TP.HCM cho rằng: “Nói thì dễ nhưng chúng ta phải xem xét cần cơ chế, công cụ gì? Nếu chỉ bằng một quyết tâm, văn bản hay mệnh lệnh thì không thể làm được".

Ông Phong đưa ra ví dụ là việc UBND TP.HCM đã giao Sở Tài chính nghiên cứu, xây dựng phần mềm quản lý nhà công, đất công từ lâu nhưng đến nay chưa hoàn thành vì Sở này chưa nhận thấy rõ mức độ quan trọng và nhu cầu thực tế của nó.

Ông Phong đề nghị các ngành cần nhận thức rõ việc ứng dụng khoa học công nghệ trong việc thực hiện nhiệm vụ, không chỉ dừng lại ở những nghiên cứu cơ bản mà phải trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp với nền kinh tế TP.HCM.

Bên cạnh đó, ông Phong nói bản thân rất tâm huyết về việc xây dựng Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo của TP.HCM. NGoài ra, ông mong Viện Nghiên cứu phát triển thành phố cần được nâng tầm so với hiện tại.

Ông Phong cho rằng khi phát huy được đúng vai trò của mình, 2 viện này không chỉ tác động đến nền kinh tế thành phố mà còn cả Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Theo ông Phong, Viện Công nghệ tiên tiến và đổi mới sáng tạo sắp hình thành sẽ đóng vai trò quan trọng trọng việc đưa sản phẩm nghiên cứu khoa học công nghệ của thành phố tới với doanh nghiệp, thực hiện thương mại hóa sản phẩm.

Viện này được đặt ở Khu Công nghệ cao, có kết nối với khu vực nghiên cứu, đào tạo tại Đại học Quốc gia TP.HCM.

Cuối cùng, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định TP.HCM muốn phát triển bền vững và đi đầu trong cuộc cách mạng khoa học công nghệ thì phải thực hiện việc đổi mới sáng tạo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chủ tịch TP.HCM lấy Thung lũng Silicon ở Mỹ định hướng cho Khu Công nghệ cao Thủ Đức phát triển