Trong ngày xét hỏi thứ 5 (3.3) các bị cáo bị truy tố với tội danh Cố ý làm trái quy định Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng đều khai nhận việc chi lãi ngoài chỉ là để cứu ngân hàng do bối cảnh của ngành ngân hàng thời điểm đó rất khó khăn.
Tiếp tục xét xử đại án kinh tế tại OceanBank, ngày 3.3, TAND TP.Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ 5 với phiên xét hỏi các bị cáo xoay quanh vấn đề chủ trương chi lãi ngoài hợp đồng huy động tiền gửi về việc triển khai thực hiện, việc hạch toán số tiền chi lãi ngoài hợp đồng trái pháp luật.
Mở đầu phiên xét hỏi, liên quan tới việc thu phí của công ty BSC (công ty sân sau của Hà Văn Thắm) bị cáo Nguyễn Thị Nga – cựu Kế toán trưởng OceanBank khai nhận không liên quan đến công ty BSC, số tiền 175 tỉ đồng chi lãi ngoài, bị cáo chưa xác nhận.
Cũng theo lời khai của cựu Kế toán trưởng OceanBank, với số tiền 175 tỉ nếu biết đó là khoản tiền chi lãi ngoài thì không bao giờ vi phạm nghiệp vụ kế toán đồng thời bị cáo Nga cho rằng mình không gây thiệt hại, tất cả các hoạt động này là vì ngân hàng.
Bị cáo Nguyễn Thị Nga – cựu Kế toán trưởng OceanBank
Tiếp tục làm rõ chủ trương chi lãi ngoài, bị cáo Nguyễn Hoài Nam – nguyên Giám đốc Khối nguồn vốn OceanBank khai nhận từ ngày 7.9.2011, Hà Văn Thắm có chỉ đạo không thực hiện chi lãi ngoài trên toàn hệ thống ngân hàng. Nhưng trong khoảng thời gian đó, hoạt động của ngân hàng rất căng thẳng khi nhiều lần các nhân viên phải chứng kiến xe tiền của ngân hàng khác đến lấy tiền của ngân hàng Đại Dương đưa đi.
“Khi dừng chủ trương này, số dư huy động ngày càng nhanh hơn nên lãnh đạo phải ra quyết định để cứu ngân hàng, tránh sụp đổ nên mới đi theo cách làm của các ngân hàng khác chứ OceanBank không phải là ngân hàng tiên phong cho việc này. Đây chỉ là việc cần làm để giữ chân khách hàng, nhằm cứu ngân hàng qua cơn khủng hoảng, giữ vững thanh khoản của ngân hàng”, bị cáo Nguyễn Hoài Nam giải trình trước tòa.
Ngoài ra, các bị cáo khác là cựu Giám đốc các chi nhánh Cà Mau, Vũng Tàu, Hà Nội, Hải Dương, TP.HCM… đều khẳng định vì tình hình chung của ngân hàng lúc đó rất căng thẳng, khách hàng đắn đo chọn lựa giữa các ngân hàng, anh em nhân viên đi làm lương không cao, gia đình có con nhỏ mà sợ sụt giảm kinh doanh, giảm lương nên không có ý kiến gì về chủ trương đó và chỉ nghĩ đó là việc làm không vi phạm pháp luật.
Bị cáo Nguyễn Thị Quỳnh Liên - cựu Giám đốc chi nhánh Vũng Tàu trả lời câu hỏi trước tòa
Theo cáo trạng, trong thời gian Nguyễn Xuân Sơn làm TGĐ OceanBank, Sơn cùng Hà Văn Thắm – Chủ tịch HĐQT OceanBank đã thỏa thuận và thực hiện việc chi tiền “chăm sóc khách hàng” ngoài lãi suất hợp đồng huy động vốn cho Sơn theo số dư tiền gửi của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) cũng như các Tổng công ty và Công ty con thuộc PVN.
Cuối năm 2010, khi Nguyễn Xuân Sơn được điều chuyển và bổ nhiệm làm Phó TGĐ PVN; theo lời khai của Hà Văn Thắm, Sơn đã giới thiệu Nguyễn Minh Thu (thời điểm đó là Phó TGĐ OceanBank) lên giữ chức vụ TGĐ OceanBank thay Sơn, đồng thời Sơn đề nghị Hà Văn Thắm giao cho Thu tiếp tục phụ trách công tác huy động vốn như Sơn đã làm với Thắm trước đó. Do nguồn vốn của OceanBank lúc đó phụ thuộc phần lớn vào số dư tiền gửi của PVN, các Tổng công ty và các công ty con thuộc PVN nên Thắm đồng ý với đề nghị của Sơn và phân công Nguyễn Minh Thu phụ trách công tác huy động vốn.
Nhằm thúc đẩy và phát triển khách hàng trong công tác huy động vốn, Thắm ra chủ trương về việc chi ngoài lãi suất huy động vốn cho các khách hàng trên toàn hệ thống Ngân hàng Đại Dương.Theo chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng tiền gửi, Nguyễn Minh Thu cùng các Phó TGĐ đã chỉ đạo lãnh đạo các Khối nghiệp vụ thuộc Hội sở Ngân hàng Đại Dương và Giám đốc các chi nhánh, Phòng giao dịch thực hiện chi lãi ngoài huy động bằng tiền Việt và đô la Mỹ theo từng thời kỳ.Trong thời gian từ năm 2010 – 31.11.2014, tổng số tiền OceanBank đã chi là hơn 1,5 nghìn tỉ đồng.
Phiên xử sẽ được tiếp tục vào chiều nay (3.3)
Nhã Thanh