Mặc dù Thủ tướng đã 2 lần ký quyết định áp dụng lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa có người nào được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội.
Tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp hạ tầng với lãnh đạo UBND TP.HCM vừa diễn ra cuối tuần qua, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM, cho biết đối với nhà ở xã hội vẫn còn một nghịch lý. Đó là mặc dù Thủ tướng Chính phủ đã 2 lần ký quyết định áp dụng lãi suất cho vay nhà ở xã hội là 4,8%/năm, nhưng cho đến nay vẫn chưa bố trí được nguồn tái cấp vốn từ ngân sách cho các ngân hàng thương mại tham gia chương trình này.
Vì vậy, hiện tại, chưa có người nào được vay vốn ưu đãi để mua, thuê mua nhà ở xã hội, chỉ riêng có Ngân hàng Chính sách xã hội vừa mới nhận được một nguồn vốn ngân sách 2.000 tỉ đồng. Trong đó, có quy định dành một phần cho vay ưu đãi nhà ở xã hội.
Ông Lê Hoàng Châu cho rằng việc này chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và làm cho nhiều chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội thêm khó khăn.
“Hiệp hội đề nghị thành phố chỉ đạo sử dụng hiệu quả nguồn quỹ đất 20% diện tích đất kinh doanh của dự án nhà ở thương mại có thể được quy đổi thành tiền để phát triển nhà ở xã hội theo quy hoạch”, ông Châu nói.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành quyết định 630/QĐ-TTg về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ.
Cụ thể, Thủ tướng quyết định lãi suất cho vay ưu đãi tại Ngân hàng Chính sách xã hội đối với các đối tượng quy định tại Nghị định 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội trong năm 2017 là 4,8%/năm, tương đương 0,4%/tháng.
Trong một quyết định ban hành hồi tháng 1.2017 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thủ tướng cũng quyết định mức lãi suất cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định áp dụng trong năm 2016 và năm 2017 đối với dư nợ của các khoản cho vay để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; cải tạo, sửa chữa hoặc xây dựng mới nhà ở theo quy định tại Nghị định số 100/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội là 5%/năm.
Bên cạnh đề xuất để phát triển nhà ở xã hội, ông Châu cũng đề nghị TP cần kiểm soát xu thế chỉ muốn chuyển các khu đất tại các vị trí "đắc địa" sang làm nhà ở. Bởi lẽ, điều này không tạo ra nhiều giá trị gia tăng và nguồn thu lâu dài cho thành phố. Vì vậy, TP nên thực hiện phổ biến phương thức đấu giá đất, hoặc đấu thầu dự án có sử dụng đất công khai để lựa chọn nhà đầu tư, làm tăng thêm tính minh bạch cho thị trường bất động sản.
Đối với thị trường bất động sản, Chủ tịch HoREA cho rằng chính sách thu tiền sử dụng đất hiện nay là cách làm theo kiểu tận thu, thu trước, thu một lần rồi sau này không còn nguồn để thu dài hạn. Trong khi đó, tiền sử dụng đất đang là gánh nặng của doanh nghiệp và người mua nhà; cơ chế thu tiền sử dụng đất không minh bạch, là ẩn số dễ phát sinh cơ chế "xin - cho".
“Hiệp hội đã nhiều lần kiến nghị chuyển tiền sử dụng đất thành thuế chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp thành đất phi nông nghiệp, đất ở, với thuế suất cụ thể đảm bảo tính minh bạch và bình đẳng; đồng thời ban hành thuế bất động sản để tạo nguồn thu ngân sách bền vững, ổn định”, ông nói thêm.
Phan Diệu