Ông Darryl Dong (IFC Việt Nam) cho rằng Việt Nam chưa có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC.

Chưa có giao dịch mua bán nợ xấu nào theo đúng nghĩa thị trường

Hoài Lam | 17/05/2023, 16:48

Ông Darryl Dong (IFC Việt Nam) cho rằng Việt Nam chưa có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bán trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC.

Chưa có giao dịch mua bán nợ xấu đúng nghĩa

Tại hội thảo "Vấn đề xử lý nợ xấu trong Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)" ngày 17.5, ông Darryl Dong (IFC Việt Nam) cho rằng bàn tới thị trường mua bán nợ thì không chỉ bàn tới một thị trường đóng mà cần nói tới giải pháp một thị trường mở. Đây là điều Việt Nam cần và phải có nếu muốn xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.

“Nợ xấu không xấu, nó đồng hành cùng hoạt động ngân hàng nhưng chúng ta cần một khung pháp lý để làm sạch chúng và xử lý một cách công khai ở một thị trường mở và có những giao dịch thương mại đúng nghĩa”, ông Darryl Dong nêu.

Ông Darryl Dong cho rằng ở Việt Nam đã bàn nhiều tới vấn đề này, nhưng đến nay vẫn không có một giao dịch mua bán nợ xấu nào đúng nghĩa thị trường mà chủ yếu là mua bản trên bảng cân đối kế toán giữa các ngân hàng và VAMC.

“Điều này là khó hiểu khi Việt Nam vẫn nằm ở vạch xuất phát trong việc ở cửa thị trường mua bán nợ xấu. Thị trường mua bán nợ chưa thực sự mở cửa cho các nhà đầu tư tham gia”, ông Darryl Dong nói và cho rằng thời điểm này có thể là lúc Việt Nam phải cho thế giới thấy đang thực sự nghiêm túc trong vấn đề xử lý nợ xấu, muốn hoạt động kinh doanh nợ xấu thực sự diễn ra.

dong.jpg
Ông Darryl Dong (IFC Việt Nam) phát biểu tại hội thảo - Ảnh: Nhà đầu tư

Theo ông Darryl Dong, hiện nay luật lệ Việt Nam và các đề xuất đều chưa thu hút được các bên tham gia thị trường. Hiện quy định mới chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC tham gia thị trường nên thực chất nợ chỉ chuyển dịch, đá đi đá lại giữa các ngân hàng mà chưa có một giải pháp thị trường đúng nghĩa.

“Đây là lúc ta “phất cờ” xử lý nợ xấu thông qua việc mở cửa thị trường. Khi Việt Nam muốn trở thành một phần của thị trường tài chính toàn cầu phải có được bảng cân đối tài sản mạnh mẽ, muốn có nguồn tín dụng cho doanh nghiệp nội địa cần mở được cánh cửa cho thị trường mua bán nợ xấu của mình”, ông Darryl Dong nhấn mạnh và cho rằng biện pháp tiếp cận tốt hơn cả hiện nay là nên có luật riêng dành cho nợ xấu. Đây là việc quan trọng để chỉ chuyên xử lý nợ xấu và tập trung, phản hồi nhanh chóng với thị trường.

Ngoài ra, theo ông Darryl Dong, khung pháp lý xử lý nợ xấu và Luật Các tổ chức tín dụng là 2 văn bản có bản chất hoàn toàn khác nhau. Luật là quy định về hoạt động, quản trị của tổ chức tín dụng (TCTD), trong khi quy định giải quyết nợ xấu liên quan nhiều tới xử lý tài sản bảo đảm, tố tụng...

Hai khuyến nghị xử lý nợ xấu

Ông Darryl Dong đưa ra 2 khuyến nghị cho chương xử lý nợ xấu trong Luật Các TCTD (sửa đổi):

Thứ nhất, Việt Nam cần có nhà đầu tư nước ngoài tới giải quyết hỗ trợ nợ xấu, thu hút vốn của các nhà đầu tư này. Hiện nay VAMC và ngân hàng độc quyền trong mua bán, giải quyết nợ xấu, đó không phải giải pháp theo thị trường mà chỉ trên sổ sách kế toán.

“Cần phải cho các nhà đầu tư tham gia, ngành ngân hàng không thể một mình giải quyết, phát triển thị trường mua bán nợ xấu. Việc mở cửa này cần được làm rõ, quy định rõ trong luật. Việt Nam cần quy định mới đủ tốt sẽ thu hút chuyên gia và nhà đầu tư nợ xấu”, ông Darryl Dong nói và cho rằng nên cho phép tổ chức phi ngân hàng mua bán trực tiếp nợ xấu từ ngân hàng.

Thứ hai, xử lý tài sản bảo đảm, mà dự thảo luật chỉ cho phép các ngân hàng và VAMC quyền thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không đúng nguyên tắc thị trường, việc không thể xử lý tài sản bảo đảm khi bên tham gia là tổ chức phi ngân hàng, đây là một nút chặn.

Về lo ngại nhà đầu tư nước ngoài sở hữu tài sản, ông Darryl Dong cho rằng "Không sao cả, chúng ta có thể tạo cơ chế gián tiếp để thông qua đại lý xử lý tài sản bảo đảm trong nước, yêu cầu các nhà đầu tư phải làm việc với đại diện trong nước".

“Điều này cho các nhà đầu tư nước ngoài thấy một con đường, ngã rẽ có mục đích dành cho họ. Tất cả các khoản nợ xấu đều có thể đặt lên bàn để xử lý”, ông Darryl Dong nêu.

Hiện nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã mở cửa thị trường để xử lý nợ xấu. Ấn Độ có luật riêng biệt về xử lý nợ xấu, ngân hàng không nhất thiết phải qua quá trình phức tạp tố tụng. Philippines còn có khuyến khích bằng tiền trong 3 năm để hỗ trợ ngân hàng xử lý nợ xấu.

Do vậy, vị chuyên gia cho rằng ở Việt Nam có thể không cần công cụ đặc thù kiểu như vậy nhưng cần mở cửa thị trường. Các nhà đầu tư chỉ chuyên đầu tư, vì thế hãy mở một ngã rẽ cho nhà đầu tư vào đầu tư thị trường nợ xấu Việt Nam.

"Nếu chúng ta cho phép điều này, xây dựng khung pháp lý hiệu quả, công bằng, nhà đầu tư sẽ tới", ông Darryl Dong nhấn mạnh.

nguyen-mai1-1200.jpg
GS-TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài

GS-TSKH Nguyễn Mại chia sẻ, năm 1992, Việt Nam vay nợ nước ngoài rất nhiều. Chính phủ đã giao Bộ Tài chính và Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư phối hợp để xử lý 100 triệu USD đầu tiên.

“Có một công ty mua bán nợ của Hà Lan và chúng tôi đã thỏa thuận bán nợ có 15%. Lúc đó, chúng ta không có tiền trả nợ và cũng không có tiền trả số 15% thỏa thuận bán, do đó chúng ta cho họ có quyền được một số dự án ưu tiên, họ đưa nhà đầu tư nước ngoài vào thực hiện và lấy tiền dịch vụ...

Chúng tôi dành cho họ 2 dự án ưu tiên “hot” nhất ở TP.HCM. Nghĩa là Việt Nam xóa được 100 triệu USD, lúc đó dự trữ ngoại tệ chỉ có mấy triệu USD thôi. Tôi tán thành IFC là cần mở cửa thị trường mua bán nợ cho các nhà đầu tư nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài phải có một đại lý là người Việt Nam, như vậy hoàn toàn chúng ta giám sát được việc mua bán nợ”, ông Mại nói.

dong-2.jpg
TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội

TS Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng Việt Nam không thiếu quy định xử lý nợ xấu nhưng cần có quy định đặc biệt, đặc thù và cần cơ chế gia tăng hiệu quả xử lý vấn đề. Các chuyên gia cũng cần làm rõ bản chất xử lý nợ xấu, đấy là xử lý tài sản bảo đảm cho các khoản nợ, nhưng không nên giới hạn ở chỉ mỗi bất động sản mà phải mở rộng hơn nữa.

“Tôi mong muốn rằng luật sẽ tính đến lợi ích chủ nợ, người vay nợ, tránh tình trạng bảo vệ chủ nợ nhưng ảnh hưởng đến người đi vay nợ, điều này cần lý giải đầy đủ. Cần tính toán tránh việc lạm dụng các quy định xử lý nợ xấu, tránh nguyên nhân chủ quan và khách quan, nên tính toán tạo ra lợi ích công bằng”, ông Hiếu nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
7 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chưa có giao dịch mua bán nợ xấu nào theo đúng nghĩa thị trường