Ngày 20.3, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) tổ chức tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành".
Nhịp đập khoa học

Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn từ khoa học liên ngành

Lam Thanh 20/03/2024 18:00

Ngày 20.3, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe) tổ chức tọa đàm "Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn và đóng góp của khoa học liên ngành".

Toạ đàm có sự tham gia của TS Vũ Tiến Lộc (Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội); GS-TS Đặng Vũ Minh (nguyên Chủ tịch Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam); GS-TS Hồ Sĩ Quý (nguyên Viện trưởng Viện Thông tin khoa học xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam); PGS-TS Bùi Thanh Thủy (Trưởng khoa Du lịch Đại học Văn hóa Hà Nội)…

TS Nguyễn Thu Hạnh, Chủ tịch STDe cho biết trong quá trình khai thác thiên nhiên, con người do lòng tham và tầm nhìn, kiến thức hạn hẹp đã vô tình hoặc cố ý làm tổn thương nặng nề đến nguồn tài nguyên giàu có mà tạo hóa đã ban cho.

Theo bà, những cơn giận dữ của “mẹ thiên nhiên” thể hiện qua thiên tai, sóng thần, biến đổi khí hậu và dịch bệnh liên tục kéo dài trong thời gian gần đây đã gửi đến cho con người nhiều thông điệp sâu sắc, cần phải suy nghĩ trong việc gìn giữ, phục hồi và bảo vệ tài nguyên, môi trường.

“Hay nói một cách khác, thế kỷ 21 con người cần phải tập trung vào vấn đề “chữa lành” với thiên nhiên, “chữa lành” những tổn thương, những nỗi đau mà con người đã gây ra cho “mẹ” Trái đất trong quá trình khai phá tài nguyên vừa qua”, TS Hạnh nói.

Lấy ví dụ từ góc nhìn về thực trạng phát triển du lịch ở Việt Nam, TS Nguyễn Thu Hạnh cho biết nhiều chuyên gia du lịch đầu ngành có chung một đánh giá rằng: Tài nguyên du lịch của Việt Nam có nhiều thế mạnh nổi trội, nhưng sản phẩm du lịch của chúng ta lại khá đơn điệu, thiếu tính độc đáo và không đáp ứng được nhu cầu, thị hiếu đa dạng của thị trường khách du lịch. Do đó, doanh thu đem lại chưa xứng tầm.

anh-toa-dam.png
TS Nguyễn Thu Hạnh, Liên hiệp Khoa học Phát triển du lịch bền vững (STDe)

“Thế mạnh sẽ trở thành điểm yếu khi chúng ta không có tầm nhìn rộng và tri thức sâu sắc trong việc nhìn nhận và đánh giá giá trị của nguồn tài nguyên. Tư duy ăn sẵn với “nền kinh tế cơ bắp” dựa nhiều vào nhân công giá rẻ và “nền kinh tế đào mỏ” dựa nhiều vào việc khai thác tài nguyên thiên nhiên, với tầm nhìn ngắn hạn đã khiến cho các nguồn tài nguyên của Việt Nam nhanh chóng cạn kiệt”, TS Hạnh nhấn mạnh.

Nhận định rào cản lớn nhất là tư duy, nhận thức, TS Hạnh cho hay tư duy cũ, kinh nghiệm cũ, dù đã lạc hậu nhưng là cách nghĩ an toàn của số đông xã hội. Điều này khiến cho Việt Nam vẫn là quốc gia nghèo và chạy theo các quốc gia khác mà không có được con đường sáng tạo của riêng mình.

“Chúng ta đã phải chứng kiến vẻ đẹp của di sản thiên nhiên Hạ Long đang biến mất từng ngày dưới bàn tay khai thác thô bạo của con người. Còn di sản văn hóa thì sao? Di tích, đền đài, lễ hội, làng cổ... cũng sẽ mãi là vẻ đẹp tiềm ẩn nếu như chúng ta không biết cách để bảo tồn, tôn vinh và thổi hồn để di sản có thể “sống lại” và thích nghi với nhu cầu của thời đại...”, bà Hạnh nói.

Vị chuyên gia cũng nêu, với khoảng 3.000km bờ biển, Việt Nam đang sở hữu một kho báu tài nguyên dồi dào với nhiều bãi cát dài, đẹp và rất nhiều cảnh quan, di sản văn hóa có đẳng cấp quốc tế như: Hạ Long, Huế, Hội An...

“Những tài nguyên đó có khoảng mười giá trị thì chúng ta mới chỉ khai thác được khoảng hai, đến ba giá trị bề nổi thôi. Còn nhiều giá trị tiềm ẩn khác, đòi hỏi phải có góc nhìn toàn diện, sâu sắc và tinh tế hơn, mang nhiều tư duy khoa học hơn, chưa được chúng ta quan tâm đầu tư thích đáng...”, bà Hạnh nhấn mạnh.

Theo bà Hạnh, thực tế hiện nay, xu hướng du lịch sinh thái, chữa lành mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên đang trở thành trào lưu du lịch thế kỷ 21. Tuy nhiên, đa số các tour du lịch sinh thái này mới dừng ở hoạt động tham quan bề nổi, khá đơn điệu về hình thức và cách thức hoạt động. Thậm chí, còn thiếu các hoạt động du lịch trải nghiệm đa dạng để giúp con người khám phá sâu sắc hơn các giá trị tiềm ẩn của thiên nhiên.

429890219_726813236269310_6845630559119538462_n.jpg
Các chuyên gia phát biểu tại tọa đàm

TS Phan Tất Thứ cho rằng chữa lành với thiên nhiên giúp giảm căng thẳng và lo âu, cải thiện tâm trạng. Tiếp xúc với thiên nhiên giúp tăng cường sản xuất serotonin - một loại hormone mang lại cảm giác hạnh phúc và vui vẻ.

Ngoài ra, thiên nhiên còn giúp cường sức khỏe thể chất. Hoạt động ngoài trời như đi bộ, chạy bộ, hoặc tập yoga trong thiên nhiên giúp tăng cường sức khỏe tim mạch, cải thiện hệ miễn dịch và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính; nâng cao khả năng tập trung, thúc đẩy sự sáng tạo…

TS Nguyễn Thu Phong, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam chia sẻ một góc tiếp cận khác từ kiến trúc. Theo ông, con người có sự giao hòa trực tiếp với thiên nhiên qua sự tiếp xúc trong môi trường khí hậu, môi trường cảnh quan, môi trường sinh thái lao động sản xuất hàng ngày.

“Thiên nhiên hiện diện khắp nơi xung quanh ta, thu hút mê hoặc chúng ta bằng vẻ đẹp tự nhiên hay đôi khi có sự can thiệp nhân tạo, định hướng. Trong các đô thị, các không gian mở, không gian xanh hay các công viên chính là môi trường can thiệp giúp con người có khoảng thở và cân bằng tìm lại về thiên nhiên sau nhiều giờ làm việc mệt mỏi”, ông Phong nói.

Theo TS Phong, kiến trúc sinh thái như là một “gạch nối ý nhị”, là một sự kiến tạo khéo léo để con người vẫn sử dụng các chức năng cơ bản của công trình nhưng trong một cảnh thiên nhiên vẹn toàn nhất. Khi đó chất cảm, sự giao hòa trong mối quan hệ con người - kiến trúc - thiên nhiên là đồng nhất, xuyên suốt và cùng hơi thở nhịp đập.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
6 giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chữa lành với thiên nhiên: Góc nhìn từ khoa học liên ngành