Bi kịch nằm ngay chỗ phát triển, người chăn nuôi không có điều kiện để đi tìm thị trường, đàm phán như những công ty chuyên nghiệp và mỗi hộ nông dân cũng không thể là một công ty có chức năng thương mại nội địa và xuất nhập khẩu được.

Chuỗi sản xuất đơn lẻ: Tử huyệt của người chăn nuôi heo

Hoàng Linh - CTV bác Xuyên | 24/05/2017, 10:39

Bi kịch nằm ngay chỗ phát triển, người chăn nuôi không có điều kiện để đi tìm thị trường, đàm phán như những công ty chuyên nghiệp và mỗi hộ nông dân cũng không thể là một công ty có chức năng thương mại nội địa và xuất nhập khẩu được.

Thật khó hiểu khi mà cho đến giờ mỗi chuồng trại nuôi heo đều hoạt động theo phương thức là một chuỗi sản xuất đơn lẻ. Người chăn nuôi vừa tìm kiếm hoặc tự sản xuất con giống, vừa tìm kiếm nguồn thức ăn chăn nuôi, vừa tìm kiếm nguồn tiêu thụ.

Cái này thì ai cũng thấy và cho rằng đó chính là nguyên nhân gây ra khủng hoảng thừa thịt heo: vì chủ chuồng trại nuôi quá nhiều, nói theo thuật ngữ kinh tế là cung vượt cầu. Nhận định này thật hợp lý nếu heo rớt giá từ chuồng tới chợ. Nhưng không phải vậy, giá thịt heo từ quầy chợ đến kệ siêu thị đều cao một cách bất thường.

Trong tận cùng của sự quẫn bách, các chủ chuồng trại đã nói thật về những lực lượng khống chế thị trường thịt heo: Nhỏ thì là các chủ sạp thịt lợn ở chợ quê, trung bình là các đại lý thức ăn gia súc và quy mô hơn là các thương lái đường dài. Họ tham gia vào chuỗi sản xuất đơn lẻ của người chăn nuôi bằng hình thức cho vay tiền tạo chuồng trại, mua con giống và cung ứng thức ăn gia súc. Điều kiện là xuất chuồng phải bán cho họ, giá theo thị trường nhưng thường là thấp hơn một chút.

Thời gian vừa qua, không hiểu vì lý do gì tất cả các thương lái đều hạ mức cho vay xuống còn 10% vốn đối ứng thường kỳ, thí dụ trước cho vay 300 triệu đồng giờ còn 30 triệu đồng khiến người chăn nuôi chới với phải đồng loạt bán heo vì không còn tiền cho ăn để duy trì đàn. Cùng lúc đó là quy luật thị trường cũng lên tiếng khi thịt heo thừa mứa quá mức so với nhu cầu và sức mua (vì heo vẫn giá cao, nhiều nơi dân vẫn không đủ tiền mua ăn).

Thế là các chủ chuồng trại phải cầm cố nhà đất, chuồng trại để duy trì đàn và đến vài tuần gần đây thì chính thức “đột quỵ”.

Thực tế khủng hoảng thừa thịt heo như đang diễn ra cũng như khủng hoảng thừa trước đó của các loại cây trồng, vật nuôi khác cho thấy đây là câu hỏi nghiêm túc liên quan đến cả vận mệnh của nền nông nghiệp.

Khủng hoảng thừa thịt heo cho thấy mặt tích cực khác của vấn đề là người nông dân rất năng động, từ những điều kiện khác nhau cung ứng đầy đủ cho thị trường nội địa và cho xuất khẩu nguồn thịt heo dồi dào đồng thời đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Nhưng bi kịch nằm ngay chỗ phát triển, người chăn nuôi không có điều kiện để đi tìm thị trường, đàm phán như những công ty chuyên nghiệp và mỗi hộ nông dân cũng không thể là một công ty có chức năng thương mại nội địa và xuất nhập khẩu được. Ở đây là vai trò điều tiết của vĩ mô mà việc chỉ đạo “giải cứu” chỉ là hớt ngọn.

Chính phủ và chính quyền địa phương cũng không thể làm công việc phi thị trường là tìm nguồn tiêu thụ cho thịt heo bằng các phong trào giải cứu hay hình thức nào khác.

Phải khuyến khích, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi thị trường này với vai trò cầm chịch từ đầu tư, cung cấp thức ăn chăn nuôi đến thu mua, chế biến và tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu.

Để hấp dẫn các nhà đầu tư, ngân hàng cần cung cấp các khỏan tín dụng ưu đãi cho lĩnh vực này và ở vai trò vĩ mô, Chính phủ phải có kế hoạch điều tiết vốn cho ngành chăn nuôi nói riêng và cả nền nông nghiệp nuôi trồng nữa.

Phải hình thành những công ty, tập đoàn nông nghiệp lớn để không chỉ loanh quanh quyết định trồng cây gì nuôi con gì theo kiểu mùa vụ mà là quyết định vòng đời kinh tế của cây trồng, vật nuôi từ nhà đầu tư tài chính, nguồn cung cấp thức ăn, cây giống, con giống, vật tư cho đế khi sản phẩm ra chợ, lên kệ siêu thị và vào container thực phẩm xuất đi nước ngoài.

Việc đầu tư từ vĩ mô đến tận nhà vườn, chuồng trại này vừa để ổn định phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân, hạn chế tình cảnh “ly nông tất ly hương”, mà còn đưa người nông dân vào các dịch vụ công cần thiết như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế… Nếu phát triển đúng hướng, nền kinh tế nông nghiệp liên hoàn này còn giảm dòng người từ nông thôn đổ dồn về các đô thị để tìm việc làm vốn là vấn nạn của các đô thị hiện nay.

Hoàng Linh
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
1 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuỗi sản xuất đơn lẻ: Tử huyệt của người chăn nuôi heo