Điền Đan xứng đáng là người thông minh khi hiểu đạo lý xe nhỏ thì không gây kẹt đường như xe to. Nhờ vậy mà ông giúp gia đình khỏi nạn bị quân Yên bắt giữ. Nếu Điền Đan lúc đó kêu gọi mọi người bỏ xe nhỏ, đi xe to thì chắc đã chết mất xác.
Điền Đan có lẽ là người đã nghĩ ra chuyện chống kẹt xe đầu tiên trong lịch sử nhưng cũng là nhân vật khiến người ta phải ồn ào về vụ xúi dại. Thời Chiến quốc, nước Yên sai Nhạc Nghị đánh phá nước Tề (năm 285 trước Công nguyên). Vua Tề Dẫn Vương trốn chạy, rút về giữ thành Cử. Quân Yên thừa thế ruổi dài đuổi đánh, bình định nước Tề. Điền Đan bỏ chạy vào thành An Bình, sai họ hàng cưa tất cả hai dầu trục xe, lấy sắt lắp vào để làm trục. Quân Yên tấn công An Bình. Thành vỡ, người Tề bỏ chạy, tranh nhau đường, đầu trục xe gãy, xe đổ nên bị quân Yên bắt làm tù binh. Chỉ có họ hàng Điền Đan nhờ có đầu trục xe bịt sắt cho nên trốn thoát, đi về hướng Đông giữ đất Tức Mặc. Người trong thành cùng nhau tiến cử Điền Đan làm quan giữ thành.
Ít lâu sau, Yên Chiêu Vương chết (năm 279 trước Công nguyên), Huệ Vương lên ngôi, có hiềm khích với Nhạc Nghị. Điền Đan nghe tin ấy bèn tung phản gián vào nước Yên, phao lên: “ Vua Tề đã chết, nước Tề chỉ còn hai thành nữa không lấy được mà thôi. Nhạc Nghị sợ bị giết nên không dám về, ông ta mượn tiếng đánh Tề, nhưng thực ra là muốn kết hợp binh lực, ngoảnh mặt về hướng Nam làm vua đất Tề. Người Tề chưa theo, vì vậy, ông ta đánh Tức Mặc không ráo riết để cho họ theo mình. Người Tề chỉ sợ viên tướng khác đến thì thành Tức Mặc sẽ bị tiêu diệt mất ”.
Vua Yên cho là phải, sai Kỵ Nhiếp thay Nhạc Nghị.
Nhạc Nghị vì vậy trở về Triệu. Sĩ tốt nước Yên phẫn uất. Điền Đan bèn sai người ở trong thành, khi ăn thì phải cúng tổ tiên ở ngoài sân. Chim chóc ở ngoài đều bay vào thành lượn xuống ăn. Nước Yên cho là quái lạ. Nhân đó, Điền Đan phao tin rằng: “ Có thần đến dạy bảo ta ”. Bèn nói với người dân trong thành:
- Sẽ có thần nhân làm thầy cho ta.
Có một tên lính nói:
- Tôi làm thầy có được không?
Nói xong, liền bỏ chạy, Điền Đan đứng dậy kéo anh ta lại, đặt ngồi hướng về Đông, thờ làm thầy. Người lính nói:
- Tôi nói dối ông đấy, tôi thật không có tài cán gì!
Điền Đan nói:
- Ông chớ nói thế.
Bèn thờ ông ta làm thầy, mỗi khi ra hiệu lệnh đều gọi là “thần sư”. Nhân đó, Điền Đan phao lên:
- Ta chỉ sợ quân Yên xẻo mũi lính Tề, đặt họ ra hàng đầu để cùng ta giao chiến, nếu họ làm thế thì Tức Mặc sẽ bị thua.
Quân Yên nghe vậy làm đúng lời Điền Đan nói. Người trong thành thấy tất cả những người Tề đầu hàng đều bị xẻo mũi nên nổi giận kiên quyết giữ thành, chỉ sợ bị quân Yên tóm được. Điền Đan lại tung bọn phản gián nói:
- Ta sợ người Yên đào mồ mả tổ tiên của ta ở ngoài thành làm nhục tổ tiên ta, nếu họ làm thế thì thật đáng sợ.
Quân Yên đào tất cả mồ mả của người Tề lên, thiêu xác chết. Người Tức Mặc ở trên thành nhìn ra thấy thế đều khóc, muốn ra đánh, giận gấp mười lần trước.
Nhờ kích động người Tề tức giận mà Điền Đan sau này đại phá được quân Yên, lấy lại 72 thành cho nước Tề và trở thành tướng quốc.
Lời bàn của Một Thế Giới:
Điền Đan xứng đáng là người thông minh khi hiểu đạo lý xe nhỏ thì không gây kẹt đường như xe to. Nhờ vậy mà ông giúp gia đình khỏi nạn bị quân Yên bắt giữ. Nếu Điền Đan lúc đó kêu gọi mọi người bỏ xe nhỏ, đi xe to thì chắc đã chết mất xác.
Nhưng Điền Đan không được coi là tướng hiền vì những lời xúi dại của ông thật khiến người ta đau đớn phẫn uất. Ông không sợ lấy nỗi đau để dọa người dân khi xúi quân Yên cắt mũi tù binh nước Tề. Để được việc mà làm người khác chịu đau, hậu thế vẫn hỏi lòng nhân của Điền Đan để đâu.