Từ sau giêng Kỷ Hợi tới giờ, xứ ta um xùm mấy chuyện liên quan tới con lợn. Nào là thịt lợn xuống giá, cần phải giải cứu cho người chăn nuôi; nào dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở mấy tỉnh miền Bắc, rồi trẻ con huyện gì ở Bắc Ninh cả loạt nhiễm bệnh sán lợn. Còn chuyện lợn được kể ở đây không liên quan tới những thứ ấy.

Chuyện con lợn nhân năm Hợi (kỳ 3)

20/03/2019, 06:41

Từ sau giêng Kỷ Hợi tới giờ, xứ ta um xùm mấy chuyện liên quan tới con lợn. Nào là thịt lợn xuống giá, cần phải giải cứu cho người chăn nuôi; nào dịch tả lợn châu Phi hoành hành ở mấy tỉnh miền Bắc, rồi trẻ con huyện gì ở Bắc Ninh cả loạt nhiễm bệnh sán lợn. Còn chuyện lợn được kể ở đây không liên quan tới những thứ ấy.

Cối xay cối giã, làm hàng xáo mới có cám nuôi lợn - Ảnh: Internet

Nhà tôi ở nông thôn, một vùng quê thuần nông ngoại ô Hải Phòng nên nuôi lợn đã thành nếp quen. Nuôi lợn thì mới có phân bón ruộng (nguồn phân bón chủ lực là phân lợn), có lợn hơi cân nộp cho nhà nước theo định mức, lại tận dụng được các loại rau người chê làm thức ăn cho lợn. Tôi nhận thấy ở quê, mỗi hộ nông dân thường có 3 nếp “nhà”: nhà ở cho người, nhà bếp để đun nấu, và “nhà” cho lợn - chuồng lợn. Dù hộ khá giả hay hộ nghèo, đều theo mô hình ấy. Những nhà nuôi trâu thì có thêm chuồng trâu. Đứa trẻ nào cũng vậy, ngoài thời gian đi học, phụ giúp công việc đồng áng cho cha mẹ, đều thạo “nghề” kiếm rau lợn.

Bây giờ coi người ta nuôi lợn, sao mà nhàn nhã, thảnh thơi thế. Giống lợn cao sản, có con mỗi ngày tăng gần 1 ký, cám bã không phải nấu nướng vất vả, cứ thức ăn công nghiệp đổ đầy máng cho các ngài Trư xơi, làm gì có công thức “rau bèo cám bã nước gạo” như ngày xưa. Nhưng hình như, xưa nuôi vất vả, thức ăn từ nguồn tự nhiên, nên miếng thịt lợn cũng ngon hơn thời nay nhiều. Thực phẩm chính của lợn là cám, rau, nước gạo. Có lẽ người ta chỉ phân phối cấp phát cho nó thứ tiêu chuẩn bèo như vậy bởi ngay cả củ khoai, bát cơm nguội người cũng giành hết, nó chả bao giờ có phần hơn. Người chịu đói quanh năm nên con lợn cũng ít khi được no được ngon.

Thày tôi thấy nhiều nhà nuôi lợn thịt bèn làm khác đi, chỉ nuôi lợn nái. Lợn nái tức lợn cái, lợn sề, chuyên đẻ con, nuôi nó vất vả hơn đám lợn thịt. Phải lo cho nó đủ rau, cám để nó ăn no mới có sữa con nó bú. Nuôi năm rưỡi được 2 lứa, mỗi lứa gần chục con. Thày tôi bán lợn con cho xã viên trong thôn, hoặc đem lên chợ huyện. Theo quy định, nhà nào nuôi lợn nái, bán lợn con thì không phải cân bán lợn thịt cho nhà nước. Vậy nhưng có năm, chả biết vì lý do gì, hợp tác xã cứ máy móc phạt nhà tôi mấy chục ký thóc với lý do chưa thực hiện định mức thịt lợn cho nhà nước. Thày tôi giải thích, họ vẫn không chịu. Thày tôi “kiện” lên tới huyện, mãi sau hợp tác mới trả nhà tôi số thóc ấy. Kể lại chuyện này để thấy rằng nông dân miền Bắc những năm 60 - 70 thế kỷ trước đâu phải chỉ làm nghĩa vụ cho nhà nước thóc và người, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người” mà còn chịu đủ thứ đòi hỏi đè nặng lên cuộc sống vốn đã vô cùng khó khăn, chật vật, thiếu thốn.

Hằng năm, cơ quan thương nghiệp huyện tổ chức về các hợp tác xã nông nghiệp thu mua lợn. Nuôi con lợn thật vất vả, suốt hơn nửa năm trời mới lên vài chục ký nhưng giá nhà nước thu mua cực rẻ, chỉ dăm bảy hào bạc một cân lợn hơi. Họ mua đem đi, thịt phân phối vào các cửa hàng thương nghiệp, quầy thực phẩm quốc doanh, phục vụ bộ đội, cán bộ, công nhân viên nhà nước, và dân thành thị. Còn nông dân, chính những người nuôi lợn lại không hề có tiêu chuẩn gì. Muốn có tí mỡ lợn để xào nấu chiên rán, cứ phải đợi tới cuối năm, lóc cục mỡ trong phần thịt lợn tết, rán kỹ đổ vào cạp lồng treo tít lên xà nhà, để dành ăn dần trong năm mới. Tôi nhớ suốt nhiều năm niên thiếu, thời chiến tranh, rau cải rau muống hoặc khoai tây su hào chủ yếu luộc hoặc nấu canh chứ chẳng mấy khi xào, chỉ bởi đơn giản không có mỡ. Ấy thế mà lại may, hàng mấy chục năm giời không hề nghe nói đến căn bệnh đang nhan nhản trong thời buổi này: bệnh mỡ máu. Hóa ra nghèo cũng có cái hay của nó.

Nông dân những năm ấy nuôi lợn theo kiểu có gì nuôi nấy, kể cả con giống và thức ăn. Lợn thịt chậm lớn, mỗi tháng chỉ tăng chưa được chục ký. Nuôi nửa năm mới xuất chuồng, con nào nặng nửa tạ là khá lắm rồi. Để chúng nhớn nhanh hơn, những con đực bị hoạn, gọi là lợn cấn. Thời ấy, nghề hoạn lợn sống được. Ông hoạn lợn xách túi đồ nghề bé tí trong đó có con dao nhọn sắc rảo khắp huyện, làng trên xóm dưới chỗ nào cũng tới, tiếng rao văng vẳng “Ai hoạn lợn đơi”. Có giống lợn Móng Cái ngon thịt, nhỏ con, được cái ăn tạp, dễ nuôi nên hầu hết nông dân nuôi thứ này. Lại nhớ hồi bé ông anh tôi mượn đâu được cuốn truyện Trạng Quỳnh, đọc đi đọc lại mãi nên có những chi tiết bám chặt vào đầu. Truyện rằng ông tú Cát thách trạng Quỳnh đối “Lợn cấn ăn cám tốn” (cấn là lợn, tốn là tốn kém, nhưng là tên 2 quẻ trong Kinh Dịch), trạng bèn đáp trả ngay “Chó khôn chớ cắn càn” (khôn và càn cũng là 2 quẻ trong Kinh Dịch), vế đối lại tuy chưa chuẩn sát với câu đối nhưng quả thật đã thể hiện sự láu lỉnh của trạng ngay từ lúc còn trẻ con.

Mấy chị em tôi, bây giờ đều đầu đã hai thứ tóc, cứ có dịp ngồi với nhau thế nào cũng “ôn nghèo kể khổ”nhắc chuyện nuôi lợn. Anh tôi đùa, chính cái chuồng lợn là trường đại học mà đứa trẻ nông thôn nào cũng trải qua, dạy người ta sự chăm chỉ, chịu khó, kiên nhẫn, chấp nhận vất vả để vươn lên. Hai phần việc chính cho mấy chị em tôi là kiếm rau lợn và nấu cám lợn. Chị gánh vác trước, khi lớn lên vào dân quân thì giao lại cho em, em lớn lên vào bộ đội thì giao cho em kế tiếp (là tôi), tôi đi học xa bèn truyền nghề giao nhiệm vụ vinh quang cho cô út. Loanh quanh luẩn quẩn bấy nhiêu thôi mà gần hai chục năm giời. Sau giờ học ở trường, buông cuốn vở ra là nhào xuống ruộng xuống ao, vớt bèo vớt rong, kiếm rau dại, thậm chí lặn lội lên tận sông Đa Độ cách nhà hơn 3 cây số cào cây le dưới đáy sông, để có thức ăn cho lợn. Mùa hè còn đỡ, chứ mùa đông việc kiếm rau lợn là cả cực hình. Thày bảo, các con ráng chịu khó, chịu vất vả một tí thì con lợn mới no. Mình ăn, cũng phải cho nó ăn, con ạ. Nhiều hôm trời rét quá, ngại lội xuống ao xuống đầm, tôi ra nhà bác Bình ngoài xóm Phủ xin được cây chuối nghễu nghện vác về thay rau. Lại khâu rửa rau lợn cũng kinh. Những tháng cuối năm thường khô hạn, ao chuôm cạn kiệt, có hôm bê rổ rau lợn đi khắp làng mới kiếm được cái cầu ao còn nước. Chỉ riêng chuyện lang thang tìm chỗ rửa rau lợn cũng đủ khiến tôi thuộc làng mình như lòng bàn tay, ao nhà ai, ở chỗ nào, bao nhiêu cái, cứ kể vanh vách. Vài chục năm sau, khi về cố hương, làng quê đã đô thị hóa, chỗ nào cũng nhà mái bằng, “mái bằng, mái bằng, lại mái bằng/tôi đi như cá lạc trong đăng” (thơ Trần Ngọc Thụ), nhà ngói, nhà tầng, đường sá thẳng tắp, chả thấy ao chuôm chi nữa. Tôi kể với đứa cháu, chỗ này trước là ao cụ Xe, chỗ kia ao bà Đáy, chỗ kia ao ông Tự…, nó cười, ông cứ như người trên giời.

Có nhẽ cũng nên biên thêm chút về một công việc liên quan tới con lợn. Để có cám, thứ thức ăn không thể thiếu của lợn, bu tôi và một số bà trong làng chịu khó làm hàng xáo. Đại loại, đi mua thóc, đem về xay giã giần sàng. Gạo đem lên chợ huyện bán, thường hòa vốn, chỉ lời lãi ở chỗ vừa có trấu đun, vừa có cám nuôi lợn. Hồi ấy chưa có máy xay xát, chị em tôi còng lưng xay, nhiều hôm mệt quá tính đếm từng vòng. Xay xong thì sàng để loại trấu ra rồi giã. Mỗi cối gạo, ít nhất cũng phải nện tám chín trăm chày thì mới gạo ra đằng gạo, cám đi đằng cám. Vừa giã vừa ngủ gật. Buột mồm oán thán con lợn. Thày tôi lại dỗ dành, bao giờ bán lợn sẽ cho ra ngoài Phòng (Hải Phòng) chơi.

Hồi năm 60, cụ thể năm nào thì quên mất rồi, anh Giá, anh họ tôi ở ngoài Phòng đem về cho thày mấy cuốn sách. Thày quý lắm, thỉnh thoảng lấy ra đọc. Về sau nhơn nhớn hơn chút nữa, tôi biết đó là mấy cuốn Giai phẩm của nhóm Nhân văn giai phẩm. Thày thường đọc bài thơ của cụ Phan Khôi, một chủ tướng nhóm ấy, rằng “Đánh đùng một cái/Kêu eng éc ngay/Bịt mồm bịt miệng/Trói chân trói tay/Từ đây đến con dao/Chẳng còn xa là bao”. Thày tôi nói cụ Phan quả là người khí phách. Tôi có lần hỏi, bài thơ ấy em chả thấy hay tí nào, anh tôi cười mà rằng thơ về giết lợn mà không phải giết lợn. Lại mãi sau nữa mới hiểu. Như một thứ kỷ niệm ghê gớm về một thời, nhớ lại cũng thấy kinh.

Nguyễn Thông

Kỳ 1: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-con-lon-nhan-nam-hoi-105667.html

Kỳ 2: https://motthegioi.vn/van-hoa-giai-tri-c-80/tap-van-c-172/chuyen-con-lon-nhan-nam-hoi-ky-2-106798.html

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
4 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyện con lợn nhân năm Hợi (kỳ 3)