Chuyên gia dịch bệnh tại Đại học Halle của Đức, giáo sư Kekule, cho rằng châu Âu cần sớm chấm dứt phong tỏa để hạn chế thiệt hại kinh tế và xã hội, đồng thời đề xuất các kế hoạch bao gồm biện pháp gây tranh cãi “miễn dịch cộng đồng”.

Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Đức đề xuất sống chung với COVID-19

12/04/2020, 17:28

Chuyên gia dịch bệnh tại Đại học Halle của Đức, giáo sư Kekule, cho rằng châu Âu cần sớm chấm dứt phong tỏa để hạn chế thiệt hại kinh tế và xã hội, đồng thời đề xuất các kế hoạch bao gồm biện pháp gây tranh cãi “miễn dịch cộng đồng”.

Một người dân đeo khẩu trang phòng dịch trên đường phố Berlin, Đức - Ảnh: AFP

Ông Kekule, từng dự báo vi rút sắp sửa nhấn chìm châu Âu và công khai kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel đưa ra các biện pháp quyết liệt như giãn cách xã hội, hạn chế đi lại trong khu vực EU, sàng lọc hành khách di chuyển quốc tế tại các cửa khẩu, sân bay từ tháng 1. Tuy nhiên, bây giờ ông tin rằng việc phong tỏa nếu xảy ra quá lâu sẽ gây ra nhiều thiệt hại hơn vi rút, và đã vạch ra một kế hoạch về cách nó có thể được gỡ bỏ một cách an toàn.

Chia sẻ với tờ Telegraph (Anh), giáo sư Kekule cho biết, chờ đợi vắc-xin chống coronavirus sẵn sàng là điều bất khả thi. “Vắc-xin có thể tung ra thị trường sớm nhất là trong 6 tháng tới, nhưng dựa trên kinh nghiệm của tôi thì thực tế sẽ phải mất gần 1 năm. Nếu áp lệnh phong tỏa suốt 6 tháng, chúng ta có thể hủy hoại nền văn hóa và xã hội", ông Kekule cảnh báo.

"Phong tỏa đất nước từng là lựa chọn duy nhất để ngăn bệnh dịch lây lan và sự quá tải bệnh viện, nhưng giờ đây chúng ta phải xem xét khả năng điều này kéo dài sẽ gây thiệt hại nặng hơn COVID-19", giáo sư Kekule nói và đề xuất chính quyền Đức cần lên kế hoạch gỡ bỏ phong tỏa một cách an toàn dựa trên ba bước.

Bước đầu tiên theo chuyên gia Kekule là tiếp tục cách ly những nhóm dân cư dễ tổn thương vì COVID-19 gồm người cao tuổi và người có bệnh lý nền.

"Chúng ta cần thuyết phục họ ở trong nhà và điều đó có nghĩa là tìm cách giúp họ chịu đựng được giai đoạn này, như phát triển ứng dụng giúp mua hàng trực tuyến hoặc duy trì quan hệ xã hội. Nếu họ quyết tâm ra ngoài đường, tốt thôi, họ sẽ buộc phải đeo khẩu trang bảo vệ đủ tiêu chuẩn", ông Kekule nói.

Bước tiếp theo trong kế hoạch là chuyển từ giãn cách xã hội sang "giãn cách thông minh". Theo đó, yêu cầu “phải thích nghi với tình huống” và làm quen với việc đeo “khẩu trang”.

Theo ông Kekule, Những đối tượng có nguy cơ tiếp xúc cao như tài xế taxi, thu ngân siêu thị cần đeo khẩu trang, và cần có cách biện pháp vệ sinh cá nhân đúng cách và thường xuyên.

“Chúng ta phải quen với việc đeo khẩu trang. Nếu bạn nhìn vào Hồng Kông, họ đã tránh được sự lây lan lớn khi về địa lý họ rất gần với Quảng Đông, nơi bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 tại Trung Quốc đại lục. Một trong những điểm khác biệt chính là người dân Hồng Kông đã bắt đầu đeo khẩu trang từ rất sớm”, giáo sư Kekule cho hay và đưa ra khẩu hiệu “hãy là một siêu anh hùng đeo khẩu trang”.

Bước cuối cùng cũng là biện pháp gây tranh cãi nhất khi nhà dịch tễ hàng đầu của Đức đề xuất rằng nên để “người trẻ tuổi nhiễm vi rút”.

"Những người dưới 50 tuổi rất khó có khả năng tử vong hoặc gặp biến chứng nặng vì COVID-19. Chúng ta phải để họ nhiễm bệnh để họ tự phát triển hệ miễn dịch", ông Kekule nói.

Về cơ bản, đây là chính sách xây dựng "miễn dịch cộng đồng" từng được Anh, Hà Lan ủng hộ nhưng phải từ bỏ khi tình hình vượt ngoài tầm kiểm soát. Ông Kekule lập luận rằng khi COVID-19 được kiềm soát và các bệnh viện không gặp nguy cơ quá tải, biện pháp trên vẫn có tác dụng.

Ngoài ra, chuyên gia này nói thêm rằng cần sớm mở cửa lại trường học. “Trẻ em ít có nguy cơ nhiễm bệnh nhất nên các trường học nên được mở lại, kế hoạch này đã được Đan Mạch áp dụng, dự định mở lại trường học sau lễ Phục sinh”, ông Kekule cho biết.

Đức đã giành được sự khen ngợi khi tiến hành xét nghiệm COVID-19 trên diện rộng nhiều hơn các nước châu Âu khác khi thực hiện khoảng 100.000 ca xét nghiệm mỗi ngày, nhưng giáo sư Kekule nói điều đó là không đủ và cho rằng con số đó phải được nâng lên 500.000.

Ông Kekule thừa nhận rằng một số người trẻ tuổi bị bệnh nặng và tử vong vì coronavirus. “Nhưng điều này chỉ xảy ra với một số lượng rất ít người. Tôi biết nghe có vẻ vô tâm nhưng chúng ta sẽ phải chấp nhận. Miễn dịch cộng đồng là lựa chọn duy nhất của chúng ta bây giờ. Chúng ta không thể đợi vắc-xin. Chúng ta phải tìm cách sống với vi rút này”, ông khẳng định.

Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã bác bỏ khả năng sớm gỡ lệnh phong tỏa, cho rằng nước Đức không thể mất cảnh giác trong bối cảnh quốc gia châu Âu đến nay đã ghi nhận tổng cộng 125.452 trường hợp nhiễm COVID-19, trong đó có 2.871 người thiệt mạng.

Hoàng Vũ (theo Telegraph)

Bài liên quan
Ông Zelensky bất bình khi Thủ tướng Đức gọi cho ông Putin
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã chỉ trích và nói rằng cuộc điện đàm mới nhất giữa Thủ tướng Đức Olaf Scholz với Tổng thống Nga Vladimir Putin đã mở “chiếc hộp Pandora”.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
7 giờ trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Đức đề xuất sống chung với COVID-19