Căng thẳng ngoại giao giữa Nga và Czech lại gia tăng, từ việc Nga mở cuộc điều tra hình sự vụ các quan chức Czech quyết định hạ tượng Nguyên soái Hồng quân Liên Xô Ivan Konev ở thủ đô Prague.
Ngày 10.4, Ủy ban Điều tra liên bang Nga (Sledkom) chuyên điều tra các vụ trọng án cho biết đã mở cuộc điều tra hình sự, về nghi vấn các quan chức Czech ngang nhiên xúc phạm công khai một biểu tượng vinh quang của quân đội Nga. Cụ thể là vào ngày 2.4, chính quyền thủ đô Prague đã hạ tượng Nguyên soái Konev và cho biết kế hoạch sẽ dựng lại tượng trong một bảo tàng.
Bức tượng Nguyên soái Konev từng được dựng năm 1980, khi Tiệp Khắc là một đồng minh của Liên Xô, nhằm ghi công ông cứu thành phố khỏi sự tàn phá của phát xít Đức hồi tháng 5.1945, khi Hồng quân đã giải phóng hầu hết Tiệp Khắc hồi Thế chiến 2. Sau đó, lãnh tụ Liên Xô Josif Stalin hai lần tôn vinh Nguyên soái Konev là Anh hùng Liên Xô. Vị tướng này khi qua đời cũng được chôn trong tường Điện Kremlin.
Tượng Nguyên soái Konev bị tạt sơn năm 2018 - Ảnh: Alamy
Vì thế, việc chính quyền Prague hạ tượng ông bị xem là một sự sỉ nhục đối với Nga, và nhất là khi sắp đến dịp kỷ niệm 75 năm ngày kết thúc Thế chiến 2 mà Moscow luôn đề cao bằng lễ Ngày chiến thắng (vào ngày 9.5 hằng năm) để tôn vinh những người đã chiến đấu hoặc hy sinh trong cuộc chiến tranh vĩ đại chống phát xít Đức năm 1941-1945.
Từ nhiều năm qua, tượng Nguyên soái Konev đã là chủ đề tranh cãi ở Prague. Bức tượng thường xuyên bị tạt sơn, và việc chính quyền thành phố này dùng bạt vải dầu che tượng đã chọc tức những người thân Nga.
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng đã cáo buộc những người chống Nga là xem thường các nỗ lực và hy sinh của nhân dân Nga, và ông tuyên bố Moscow phải tự vệ trước điều ông gọi là “một nỗ lực nguy hiểm để viết lại lịch sử”.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu kêu gọi người đồng cấp Lubomir Metnar can thiệp, đề nghị Czech trả tượng về Moscow. Tuyên bố của Bộ khẳng định Nga sẵn sàng trả tiền cho chi phí vận chuyển tượng hoặc bất kỳ khoản chi nào khác. Khuya 2.4, ông Shoigu nói thêm: “Chúng tôi hy vọng nhận thông tin từ ngài về địa điểm và thời gian giao-nhận tượng”.
Nhưng Bộ Ngoại giao Czech trả lời rằng tòa thị chính Prague có toàn quyền quyết định trả tượng cho Nga hay không. Bộ này cũng cho biết bức tượng được hạ xuống một cách trọng thị. Bộ còn nói việc Sledkom mở điều tra là Nga can thiệp vào chuyện nội bộ Czech: “Nếu các cơ quan chức năng của Nga tiếp tục ra các tuyên bố và hành xử mang tính đối đầu, thì đấy sẽ là một dấu hiệu họ không quan tâm phát triển quan hệ song phương cùng có lợi”.
Nga không có thẩm quyền pháp lý tại Cộng hòa Czech, nơi mà nhiều người dân vẫn còn bức bối xem tượng Nguyên soái Konev là biểu tượng quyền lực của Liên Xô thời hậu Thế chiến 2. Vị tướng Hồng quân cũng giữ vai trò hàng đầu trong việc xây nên Bức tường Berlin năm 1961 ngăn cách hai miền Đông - Tây nước Đức cho mãi đến tháng 11.1989 mới bị phá bỏ để thống nhất hai miền thành Cộng hòa liên bang Đức.
Dân chúng Prague chào đón Nguyên soái Konev sau ngày thủ đô được Hồng quân giải phóng - Ảnh: TASS
Mỹ Trinh (theo Guardian)