Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần ba năm nay đã trở thành một trong những điểm nóng địa chính trị phức tạp và gây tranh cãi nhất thế giới.
Góc nhìn

Chuyên gia Na Uy hoài nghi kịch bản cuộc chiến 'đối đầu Nga đến người Ukraine cuối cùng'

Hoàng Vũ 18:45 02/12/2024

Cuộc xung đột Nga-Ukraine kéo dài gần ba năm nay đã trở thành một trong những điểm nóng địa chính trị phức tạp và gây tranh cãi nhất thế giới.

Trong bài phân tích trên nền tảng xuất bản trực tuyến Substack, giáo sư Glenn Diesen từ Đại học Đông-Nam Na Uy đã đưa ra cái nhìn chi tiết về chiến lược dài hạn của NATO, cách cuộc chiến được định hình và phản ánh trên truyền thông, cũng như tác động lên người dân và các bên liên quan.

nga-vs-ukraine-2.png
Chuyên gia Na Uy phân tích chiến lược kéo dài chiến tranh của NATO nhằm làm suy yếu Nga, gây tổn thất cho Ukraine - Ảnh: Internet

Chiến lược dài hạn của NATO: Làm kiệt quệ Nga

Theo giáo sư Diesen, chiến lược của NATO tập trung vào việc kéo dài cuộc chiến để làm suy yếu Nga về mặt quân sự, kinh tế và chính trị.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin từng công khai tuyên bố mục tiêu của Washington là khiến Nga không thể tiếp tục các hành động quân sự bằng cách làm suy yếu đối thủ chiến lược này. Đáng chú ý, nhiều phát biểu từ lãnh đạo các nước phương Tây, bao gồm Mỹ và Anh, đã chỉ ra rằng kéo dài chiến tranh là lựa chọn chiến lược nhằm giảm sức mạnh của Nga, bất chấp tổn thất to lớn mà Ukraine phải chịu.

Vào cuối tháng 3.2022, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tiết lộ trong một cuộc phỏng vấn với tờ Economist: "Có những người ở phương Tây không ngại một cuộc chiến kéo dài vì điều đó có nghĩa là làm kiệt sức Nga, ngay cả khi điều này có nghĩa là sự sụp đổ của Ukraine và phải trả giá bằng sinh mạng của người Ukraine".

Giáo sư Diesen đề cập đến các cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul vào năm 2022, trong đó Nga đồng ý rút quân để đổi lại việc Ukraine khôi phục trạng thái trung lập. Tuy nhiên, ông chỉ trích phương Tây, đặc biệt là Mỹ và Anh, đã "phá hoại" các thỏa thuận này nhằm tiếp tục gây tổn thất cho Nga. Điều này được xác nhận bởi nhiều lãnh đạo quốc tế, như cựu Thủ tướng Israel Yair Lapid và Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, khi họ cho rằng các nước phương Tây không quan tâm nhiều đến hòa bình tại Ukraine mà tập trung vào việc làm suy yếu Nga.

"Chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng"

Ông Diesen cho biết một số chính trị gia và quan chức phương Tây, bao gồm thượng nghị Mỹ sĩ Lindsey Graham và Mitt Romney, đã công khai coi cuộc chiến này là một "khoản đầu tư" để làm suy yếu Nga mà không cần sự tham gia trực tiếp của quân đội Mỹ. Điều này tạo ra một tình huống mà người dân Ukraine phải gánh chịu hậu quả nặng nề trong khi phương Tây đạt được lợi ích chiến lược.

"Tôi thích con đường cấu trúc mà chúng ta đang đi ở đây. Miễn là chúng ta giúp Ukraine bằng vũ khí họ cần và hỗ trợ kinh tế, họ sẽ chiến đấu đến người cuối cùng", ông Lindsey Graham nói hồi tháng 6.2022.

Bài viết của giáo sư Diesen lập luận rằng trong bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine kéo dài, truyền thông và chính trị phương Tây đã định hình cuộc xung đột như một cuộc đấu tranh giữa "thiện" và "ác." Cách tiếp cận này không chỉ đơn thuần là thông điệp chính trị, mà còn là một chiến lược tuyên truyền hiệu quả nhằm tạo sự đồng thuận rộng rãi trong công chúng về việc tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến. Bằng cách trình bày xung đột như một cuộc chiến giữa các giá trị đạo đức không thể nhân nhượng, hòa bình chỉ được khắc họa là kết quả của việc đánh bại hoàn toàn đối thủ.

Cựu Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg từng nhấn mạnh rằng việc cung cấp vũ khí là "con đường dẫn đến hòa bình", một tuyên bố gợi nhớ đến câu nói nổi tiếng "chiến tranh là hòa bình" của văn hào người Anh George Orwell. Tuy nhiên, theo giáo sư Glenn Diesen, cách tiếp cận này đã được dùng để biện minh cho việc tiếp tục leo thang chiến tranh, thay vì mở ra các cơ hội đàm phán thực chất.

Cánh cửa đàm phán

Trong gần ba năm xung đột, phương Tây luôn nhấn mạnh rằng việc gia tăng áp lực quân sự là cần thiết để buộc Nga phải ngồi vào bàn đàm phán. Tuy nhiên, trái ngược với thông điệp này, không có sáng kiến ngoại giao đáng kể nào được đưa ra. Điều này tạo ấn tượng rằng Nga là bên duy nhất từ chối đàm phán, dù thực tế có thể khác biệt.

Nga, theo giáo sư Diesen, không phản đối ngoại giao hay đàm phán. Thay vào đó, phương Tây dường như đã "đóng sầm cánh cửa" đàm phán, tập trung vào việc huy động dư luận và nguồn lực chống lại Nga hơn là tìm kiếm giải pháp hòa bình. Các hội nghị thượng đỉnh hòa bình, dù mang danh nghĩa thúc đẩy đối thoại, lại không mời Nga tham dự, càng củng cố nhận định rằng mục tiêu chính không phải là hòa giải mà là cô lập và làm suy yếu Nga trên trường quốc tế.

Trong môi trường chính trị và truyền thông phương Tây hiện nay, bất kỳ ai đề xuất khôi phục ngoại giao hoặc bắt đầu đàm phán thường bị gắn mác thân Nga hoặc bị xem là phản bội lợi ích chung. Thủ tướng Hungary Viktor Orban, một trong số ít nhà lãnh đạo kêu gọi đối thoại, đã bị chỉ trích mạnh mẽ và thậm chí bị EU áp đặt các biện pháp trừng phạt. Ông bị hạ thấp uy tín, bị xem như một "con rối" của Nga, dù nỗ lực của ông nhằm thúc đẩy hòa bình không đồng nghĩa với việc ủng hộ Nga.

Cách tiếp cận này tạo ra một không gian chính trị khép kín, nơi bất kỳ quan điểm nào khác với đường lối chính thức đều bị ngó lơ hoặc bị đàn áp. Đây là một công cụ mạnh mẽ nhằm kiểm soát dư luận, nhưng cũng đặt ra câu hỏi về tính đa dạng trong đối thoại chính trị và tự do ngôn luận tại các quốc gia dân chủ.

Thách thức dài hạn

Theo vị giáo sư người Na Uy, việc phản đối các cuộc đàm phán hòa bình dựa trên lập luận rằng điều đó có thể bị coi là “thưởng” cho hành động quân sự của Nga là một quan điểm mang tính đạo đức phổ biến. Tuy nhiên, quan điểm này có thể chưa phản ánh toàn diện bối cảnh xung đột, bởi cuộc chiến không đơn thuần xuất phát từ tranh chấp lãnh thổ. Theo thỏa thuận hòa bình được đề xuất tại Istanbul hồi năm 2022, Nga từng bày tỏ sẵn sàng rút quân nếu Ukraine khôi phục trạng thái trung lập. Điều này cho thấy xung đột có thể đã được giải quyết thông qua đàm phán, nếu các bên liên quan đồng thuận với giải pháp trung gian.

Ngoài ra, những hậu quả kéo dài của cuộc chiến có thể dẫn đến tổn thất ngày càng lớn cho cả con người và lãnh thổ của Ukraine. Việc NATO thường xuyên nhấn mạnh rằng Ukraine sẽ gia nhập liên minh sau chiến tranh được xem như một thông điệp ủng hộ đất nước này. Tuy nhiên, trong thực tế, điều này có thể tạo ra rào cản cho các nỗ lực ngoại giao và một giải pháp hòa bình lâu dài. Để giảm căng thẳng và tiến tới hòa bình, một số ý kiến cho rằng cần xem xét lại các chính sách mở rộng NATO, vốn là một yếu tố gây tranh cãi trong cuộc xung đột hiện tại.

Bài viết của ông Diesen cũng chỉ ra rằng nhiều dấu hiệu cho thấy dân chúng Ukraine ngày càng mệt mỏi với chiến tranh, với tình trạng đào ngũ và sự bất mãn gia tăng. Một cuộc thăm dò của Gallup gần đây cũng cho thấy phần lớn người dân Ukraine không ủng hộ việc kéo dài chiến tranh.

Việc NATO khuyến khích Ukraine tiếp tục chiến đấu không chỉ làm tăng thương vong mà còn đẩy quốc gia này vào tình trạng kiệt quệ. Tình trạng bắt lính cưỡng bức và hạ độ tuổi nghĩa vụ quân sự cho thấy áp lực ngày càng lớn đối với chính phủ Ukraine.

Giáo sư Diesen dự đoán rằng sự bất mãn với phương Tây sẽ gia tăng trong xã hội Ukraine khi người dân nhận ra rằng họ đã bị biến thành "quân cờ" trong cuộc chiến nhằm làm suy yếu Nga. Sự căm ghét đối với Nga sẽ kéo dài, nhưng thái độ đối với phương Tây cũng sẽ chuyển hướng tiêu cực.

Phân tích của giáo sư Glenn Diesen nhấn mạnh rằng cuộc xung đột Nga-Ukraine không chỉ là một cuộc chiến tranh thông thường mà còn là kết quả của những tính toán chiến lược từ các bên liên quan, đặc biệt là NATO. Việc từ chối ngoại giao và khuyến khích kéo dài chiến tranh đã khiến hàng trăm nghìn người mất mạng, đẩy Ukraine vào tình trạng khủng hoảng sâu sắc, trong khi lợi ích chiến lược của phương Tây được bảo vệ.

Giải pháp hòa bình, theo giáo sư Diesen, không thể đạt được nếu các bên không thay đổi tư duy chiến lược, đặt lợi ích con người lên trên lợi ích địa chính trị. Trong bối cảnh hiện tại, việc đạt được hòa bình sẽ đòi hỏi nỗ lực ngoại giao thực sự, một điều mà cả Nga, Ukraine và phương Tây dường như chưa sẵn sàng theo đuổi.

Bài liên quan
Nga phản ứng về việc người Ấn Độ bị lôi kéo tham gia chiến sự tại Ukraine
Cái chết của Binil Babu, một thợ điện 32 tuổi từ bang Kerala, Ấn Độ, khi phục vụ cho quân đội Nga tại chiến trường Ukraine, đã làm dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt về việc tuyển dụng người nước ngoài vào lực lượng vũ trang.

(1) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Cần có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ
một giờ trước Khoa học - công nghệ
TSKH Nghiêm Vũ Khải - nguyên Phó chủ tịch Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho rằng nếu không có một cuộc cách mạng thực sự về khoa học - công nghệ thì sẽ không thể vượt qua tình trạng tụt hậu.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyên gia Na Uy hoài nghi kịch bản cuộc chiến 'đối đầu Nga đến người Ukraine cuối cùng'