Báo South China Morning Post ngày 5.9 nhận định chuyến thăm Lào của Tổng thống Obama sẽ là nguồn khích lệ với Lào nhưng tình hình phụ thuộc về kinh tế của Lào với Trung Quốc sẽ khiến nỗ lực tạo đối trọng với ảnh hưởng Trung Quốc của ông Obama lâm vào thế khó.
Trong tuần này, Tổng thống Mỹ Barack Obama đến Lào tham dự hội nghị thượng đỉnh ASEAN và các hội nghị liên quan (từ ngày 6 đến 8.9) . Báo South China Morning Post nhận định ông Obama đến Lào trùng với thời điểm giới lãnh đạo Lào đang cố thoát khỏi ảnh hưởng Trung Quốc.
Cái bóng lớn của Trung Quốc
Với 760 dự án đầu tư hiện tại trị giá 6,7 tỉ USD, Trung Quốc đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển đổi kinh tế của Lào. Phần lớn nhờ tiền đầu tư từ Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng hàng năm của Lào đạt 7,8%; mức thu nhập bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.730USD.
Nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirak thuộc Đại học Chulalongkorn (Thái Lan) cho biết: “Lào có quan hệ với Việt Nam, với Campuchia và rộng hơn là với ASEAN, nhưng Trung Quốc lại là đối tác bảo trợ chính của Lào”.
Ông giải thích: “Đất nước Lào nằm sâu trong nội địa đang ở vị trí khó khăn nhất. Lào có nhiều nước lớn bao quanh và Lào thì quá nhỏ để có tiếng nói quan trọng. Nước này dễ bị láng giềng ảnh hưởng và can thiệp”.
Do kinh tế vẫn bị ảnh hưởng của Trung Quốc, bất kỳ động thái chuyển hướng khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc đều là tình thế khó xử của Lào.
Từ những công trường xây dựng ồn ào ở Vientiane đến các tỉnh biên giới phía bắc như Luang Prabang, Oudomxay và Bokeo, dấu ấn Trung Quốc hiện diện ở khắp nơi trong nền kinh tế Lào. Tại những vùng kinh tế đặc biệt ở biên giới, tiếng Trung là ngôn ngữ chính.
Nhà kinh tế Shunsuke Bando thuộc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ghi nhận mặc dù Thái Lan và Việt Nam vẫn là các nhà đầu tư chính, mảng đầu tư của Lào vẫn bị thống trị bởi Trung Quốc.
Còn theo Ngân hàng Thế giới (WB), Trung Quốc đang có ảnh hưởng ngày càng tăng đối với cán cân ngoại thương và tổng thể kinh tế của Lào.
Dự án đường sắt dài 427km trị giá 6,04 tỉ USD nối Vientiane với biên giới Trung Quốc đã bắt đầu được xây dựng. Theo các chuyên gia, dự án này sẽ đem lại gánh nặng tài chính khổng lồ cho Lào do các khoản vay từ Trung Quốc.
Năm ngoái, Trung Quốc chiếm 40% nợ công nước ngoài của Lào (tăng so với 35% năm 2012) do Trung Quốc tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng và năng lượng. Trong 9 dự án đập thủy điện mà Lào có kế hoạch xây dựng trên sông Mekong, các nhà đầu tư và phát triển Trung Quốc tham gia 4 dự án.
Gánh nặng nợ công tăng cao cùng nỗi lo lệ thuộc một nền kinh tế đang phát triển chậm lại (Trung Quốc) đã khiến Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith thúc đẩy quan hệ làm ăn với hai nước láng giềng Campuchia và Thái Lan.
Thương mại hai chiều Trung- Lào đã tăng từ 1,3 tỉ USD (năm 2011) lên 3,6 tỉ USD (năm 2014), nhưng đã giảm xuống 2,78 tỉ USD (năm 2015) một phần do nền kinh tế toàn cầu phát triển chậm và các quy định về xuất khẩu gỗ chặt chẽ hơn của Lào.
Với giới lãnh đạo Lào, nhất là các nhà chính trị vừa nắm quyền vào đầu năm 2016, tái cân bằng các mối quan hệ trong khu vực là điều bắt buộc về mặt kinh tế. Nhưng Lào với vai trò chủ tịch ASEAN năm nay đã bị rơi vào thế bấp bênh khi Trung Quốc cố ảnh hưởng ASEAN để tổ chức này ủng hộ lập trường của Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
Chuyến thăm lịch sử đến Lào của Tổng thống Obama sẽ làm nổi bật cuộc đua tranh giành ảnh hưởng ở Đông Nam Á giữa Mỹ và Trung Quốc.
Liệu chuyến thăm của Obama có giúp Lào thoát Trung? - Ảnh: CNN
Tổng thống Obama có giúp Lào thoát Trung?
Theo chuyên gia Carl Thayer thuộc Đại học New South Wales (Úc), chiến lược đối ngoại của Lào là duy trì một mức độ độc lập ngoại giao nhất định. Ông nhận xét: “ Tôi không nghĩ Trung Quốc có thể ép Lào làm bất cứ điều gì mà Lào không muốn với tư cách là chủ tịch ASEAN”.
Do đó, tái lập quan hệ với Mỹ là một ưu tiên cho ngoại giao và tạo đối trọng về mặt kinh tế. Nhưng trái ngược với một Trung Quốc hiện diện áp đảo, thương mại Mỹ- Lào chỉ mới đạt 70 triệu USD.
Mỹ và Lào trong tháng 2 đã ký thỏa thuận về khuôn khổ đầu tư và thương mại cũng như lập một diễn đàn thảo luận các vấn đề về đầu tư và thương mại giữa hai nước.
Theo khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ về triển vọng kinh doanh tại các nước ASEAN trong năm 2017, 58% doanh nghiệp Mỹ có quan hệ làm ăn với Lào hy vọng sẽ tăng số nhân viên tại Lào, 17% công ty được khảo sát có kế hoạch đa dạng hóa một số khoản đầu tư và việc làm ăn trong vòng hai năm tới từ Trung Quốc vào Lào.
Theo chuyên gia Michael Fuchs thuộc Trung tâm Tiến bộ Mỹ (CAP), mặc dù Lào còn hoài nghi Mỹ nhưng vẫn sẵn sàng có một quan hệ ấm áp hơn với Washington. Ông cho rằng sức hấp dẫn của Mỹ như đầu tư, giáo dục và mô hình nhân quyền và dân chủ đã thu hút Lào hơn là nhu cầu cần một hàng rào chống lại Trung Quốc.
Tuy nhiên, nhà khoa học chính trị Thitinan Pongsudhirakông khẳng định: “Lào đang dùng chính sách phòng bị nước đôi. Nước này vẫn nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng đồng thời cũng thể hiện một ít quyền lực thông qua cách làm ấm các mối quan hệ với Mỹ và láng giềng”.
Ông cho rằng mối quan hệ dài hạn quan trọng của Lào là Nhật, nước đã phát triển thành một nhà tài chính lớn và có trọng lượng trong khu vực. Ông đánh giá: "Mỹ sẽ tạo ra nhiều sóng gió khi Tổng thống Obama đến Lào trước khi ông mãn nhiệm. Nhưng về dài hạn, quan hệ Trung - Nhật mới quan trọng. Nhật mới là nước Lào muốn dựa vào”.
Cẩm Bình