Đạo diễn Việt Tú - một cái tên không còn quá xa lạ đối với các vở diễn ấn tượng hay những chương trình nghệ thuật hoành tráng mang đậm chất riêng để tạo dấu ấn cho riêng anh.
Nếu ít tiếp xúc với đạo diễn Việt Tú, sẽ không có ai nhận ra vị đạo diễn quyền lực luôn trăn trở đưa nghệ thuật nước nhà sang trang mới, mang đậm màu sắc dân tộc nhưng lại thể hiện tầm vóc quốc tế. Là người thầm lặng đứng sau những khung hình trên truyền hình, ít ai biết được hết sự quan trọng và vai trò công việc của một tổng đạo diễn. Việt Tú là người chịu trách nhiệm cao nhất cho sự thành công của mỗi chương trình anh đảm nhận.
Là một trong những gương mặt tiêu biểu làm nên những sự kiện nghệ thuật đặc sắc hay concert của các nghệ sĩ hàng đầu Việt Nam, đạo diễn Việt Tú luôn mang lại cho khán giả những trải nghiệm cực kỳ hấp dẫn và mới lạ. Trong sự đầu tư một cách chuẩn mực nhưng vô cùng hoành tráng của tập đoàn Tuần Châu cho sân khấu thực cảnh lớn nhất Việt Nam có con số ấn tượng: 500 tỉcho vở diễn mang tên Thủa ấy xứ Đoài.
Lần đầu tiên ở Việt Nam, trên mảnh đất cổ tích, vùng núi Sài – Chùa Thầy, gần 150 nông dân chất phát thuần hậu, đã cùng nhau trải qua hàng nghìn giờ tập luyện miệt mài trong suốt một năm qua để bước ra sân khấu lớn nhất của đời mình. Họ kể câu chuyện về cuộc sống - lao động - sinh hoạt, về tình yêu, về đức hiếu học - đạo nghĩa, về mối gắn kết giữa con người - thiên nhiên vùng đồng bằng Sông Hồng với nền văn minh lúa nước nghìn năm lịch sử trên nền sân khấu thực cảnh đầu tiên tại Việt Nam.
Thủa ấy xứ Đoàilà câu chuyện cổ tích về cuộc sống sinh hoạt làng quê Bắc Bộ từ nghìn năm trước, lấy cảm hứng dàn dựng từ các tích trò rối nước dân gian như: Tễu Giáo trò, Hội làng, Nông nghiệp cấy cày, Vinh qui bái tổ…
Vở diễn được xây dựng trên chất liệu là múa rối nước - loại hình nghệ thuật truyền thống ra đời từ hơn một ngàn năm trước của đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trên một cốt truyện và ngôn ngữ trình diễn đậm màu sắc dân gian, kể bằng thủ pháp sân khấu tối tân hiện đại - người xem được dẫn dắt trở lại với những phong tục tập quán, những kết tinh văn hóa và huyền sử của một vùng đất di sản linh thiêng được thổi hồn qua bàn tay đạo diễn tài ba Việt Tú đã làm sống dậy những ký ức không dễ quên của chính người dân xứ Đoài nói riêng và người dân Việt Nam nói chung.
Đạo diễn Việt Tú chia sẻ ngay sau khi kết thúc vở diễn đầu tiên:“Vở diễn sử dụng hoàn toàn chất liệu truyền thống, kết hợp với các hiệu ứng sân khấu hiện đại - một phong cách dàn dựng có tên Modern Traditional, lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam. Để chuẩn bị đến ngày ra mắt ekip đã đối diện với quá nhiều thách thức. Lớn nhất và cũng gây xúc động nhất là gần một năm trời đằng đẵng tập luyện để biến những người nông dân chân lấm tay bùn thành những nghệ sĩ dân gian đích thực mà vẫn giữ nguyên được sự run rẩy của những người dân thuần thành. Chứng kiến những người nông dân có thể biểu diễn thành thục, nhưng họ vẫn giữ được nét mộc mạc - tôi tin rằng show diễn sẽ chạm tới xúc cảm thuần khiết của người xem”.
Một trong những yếu tố không thể thiếu đã làm nên thành công cho vở diễn là phần âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, được thực hiện bởi nhóm Master Fader, những nhân tố chính của dàn nhạc giao hưởng đương đại Rhapsody Philharmonic. Với âm hưởng âm nhạc múa rối truyền thống kết hợp chèo và World Music, Master Fader đã đồng hành cùng ekip của vở diễn trong hơn 1 năm để thực hiện phầm âm nhạc và hiệu ứng âm thanh, các thành viên của nhóm đã có nhiều ngày không ngủ, mang máy thu âm đến từng gốc cây, ngọn cỏ, ruộng lúa của khu vực chùa Thầy để thu những âm thanh chân thực nhất của cuộc sống nơi này.
Bên cạnh đó, vở diễnThủa ấy xứ Đoàicòn gây ấn tượng với cấu trúc thủy đình nặng 10 tấn thi công trong 6 tháng. Phần biên đạo được thực hiện bởi các vũ công Kiều Lê, Hà My, Xuân Sơn, Sơn Dương, Tùng Nguyễn, Đức Minh. Phục dựng rối nước được thực hiện bởi Quốc Khanh, Đoan Trang đến từ Nhà hát múa rối Thăng Long. Trong khi đó phần thực hiện sân khấu được chính đạo diễn Việt Tú cùng ekip Hải Linh và Liên Anh thực hiện.
Trong câu chuyện khởi nguồn từ sự đầu tư lớn này, đạo diễn Việt Tú đã cho biết ở thời điểm đầu tiên, khi nhận được yêu cầu từ ông Đào Hồng Tuyển, nếu ekip quyết định sử dụng diễn viên chuyên nghiệp, vở diễn có thể ra mắt sau đó 3 tháng. Nhưng đạo diễn Việt Tú đã có một ý tưởng táo bạo, đó chính là kết hợp cùng những người nông dân thuần thành vùng Chùa Thầy. Sự mạo hiểm này đã làm thời gian dàn dựng tăng lên thành một năm. Tuy nhiên, với tầm nhìn của mình ngay lập tức chủ đầu tư đã đồng ý. Và thực tế đã chứng minh không gì tuyệt vời bằng người nông dân kể câu chuyện của chính mình, cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho hàng trăm lao động phổ thông trong vùng.
Sự mạo hiểm ấy đã được đền đáp khi chính những công ty du lịch lữ hành đến xem vở diễn đã chia sẻ, một trong những yếu tố sẽ biến Thủa ấy xứ Đoàitrở thành một tác phẩm văn hoá độc nhất trên thị trường du lịch ở thời điểm hiện tại chính là phần diễn xuất của những người nông dân, vẫn giữ nguyên được sự thuần thành, vô tư, xúc động.
Ngay sau khi kết thúc vở diễn, đại biểu quốc hội - nhà sử học nổi tiếng Dương Trung Quốc đã cho rằng "“Đây là một buổi biểu diễn thử nghiệm và có lẽ điều đáng nói nhất là ngoài sự đầu tư hoành tráng còn là sự đầu tư về con người, sử dụng chính những người dân nơi đây làm diễn viên, làm sống tại những giá trị văn hóa dân gian rất đáng trân trọng của xứ Đoài này. Nó làm tôi gợi nhớ lại thời kì mà người ta hay làm những vở kịch do người dân đóng, gây ấn tượng rất lớn. Cảm hứng đó sẽ mang lại những triển vọng rất tốt cho tác phẩm này, đặc biệt trong lĩnh vực phát triển du lịch, đưa văn hóa lịch sử của nước ta truyền đi khắp nơi".
Vở diễn Thủa ấy xứ Đoàisẽ bắt đầu diễn liên tục từ tháng 6.2017 tại Sài Sơn, Chùa Thầy, Hà Nội- một điểm đến của du lịch Việt Nam, địa chỉ lõi của vùng di sản quốc gia với giá vé dự kiến 1.200.000/ khách bao gồm tiệc với các món ăn Việt Nam đặc sắc trước giờ diễn (18 giờ đến19 giờ 45 hàng ngày).
Dạ Thảo