Tại hội thảo Môi trường kinh doanh VN 2016-2019 qua xếp hạng Doing Business: kết quả và một số gợi ý cải cách vừa diễn ra, Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định Bộ Công Thương mắc bệnh thành tích khi làm đẹp báo cáo, còn Bộ LĐ-TB-XH đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng.
Cải cách môi trường kinh doanh chững lại
Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, Môi trường kinh doanh Việt Nam giai đoạn 2016-2019 đang được cải cách nhưng ghi nhận tích cực nhất vào năm 2017. Còn 2 năm gần đây, có cải thiện nhưng tốc độ chậm lại.
Báo cáo Doing Business cho thấy, 2 chỉ số cải thiện vượt bậc trong giai đoạn này là tiếp cận điện năng (tăng 69 bậc); Nộp thuế và Bảo hiểm xã hội (tăng 58 bậc). Có 4 chỉ số giảm bậc là Giao dịch thương mại qua biên giới (giảm 11 bậc), Bảo vệ nhà đầu tư (giảm 10 bậc), Đăng ký tài sản (giảm 5 bậc) và Cấp phép xây dựng (giảm 1 bậc). Về thứ hạng chung, Việt Nam đứng thứ 70, so với thứ 21 của Thái Lan, thứ 12 của Malaysia và thứ 2 của Singapore.
Như vậy, môi trường kinh doanh của Việt Nam đứng thứ 5 trong khu vực ASEAN nhưng còn khoảng cách rất xa so với 3 nước đứng đầu là Singapore, Malaysia và Thái Lan.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá, cho rằng cần cải cách mạnh hơn, có tốc độ cải cách cao hơn thì mới có thể kéo gần khoảng cách với các nước ASEAN-4, tức là 4 nước có môi trường kinh doanh thuận lợi nhất trong khu vực.
"Chúng ta mới nhìn thấy một số thay đổi nhưng nó còn rất ít và còn chưa đạt được những gì mong muốn của Chính phủ cũng như kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp. Do đó, cần thay đổi từ tư duy và giám sát việc thực thi của các bộ, ngành và sự chỉ đạo mạnh mẽ của lãnh đạo các bộ, ngành trong việc giám sát các quy định, trong việc ban hành các quy định cũng như việc thực thi các quy định đó", bà Thảo nhấn mạnh.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, theo đánh giá chung của doanh nghiệp, những lĩnh vực thủ tục hành chính phiền hà nhất là đất đai, thuế và bảo hiểm xã hội.
“Doanh nghiệp vẫn quan ngại về thủ tục “hậu đăng ký doanh nghiệp”. Có 31% doanh nghiệp trả chi phí không chính thức khi làm các thủ tục thành lập doanh nghiệp, 29% gặp khó khăn khi xin giấy chứng nhận phù hợp quy chuẩn kỹ thuật, 16% phải chờ hơn 1 tháng mới có đủ giấy tờ cần thiết để chính thức hoạt động”, ông Tuấn cho biết.
Bộ LĐ-TB-XH đi ngược chỉ đạo của Thủ tướng?
Về quản lý, kiểm tra chuyên ngành, CIEM đánh giá quá trình chậm cải cách, thậm chí có những văn bản đi ngược với chỉ đạo của Chính phủ hoặc thể hiện cải cách hình thức, thiếu thực chất.
Ví dụ, trước đây, Bộ Lao động -thương binh và xã hội thực hiện quản lý, kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên,sau khi Chính phủ yêu cầu các bộ rà soát, sửa đổi các quy định nhằm cắt giảm 50% danh mục mặt hàng quản lý, kiểm tra chuyên ngành và quản lý danh mục các mặt hàng theo mã HS thì Bộ Lao động - thương binh và xã hội dường như “khai thác” cơ hội này để ban hành quy định về danh mục hàng hóa nhóm 2 của Bộ với việc bổ sung danh mục nhiều hàng hóa (Thông tư 22/2018). Điều này là phản cải cách và đi ngược với chỉ đạo của Thủ tướng.
Hay như Bộ Công Thương, ngày 29.3.2019ban hành quyết định số 765/QĐ-BCT về việc công bố danh mục các mặt hàng (kèm theo mã HS) đã được cắt giảm kiểm tra chuyên ngành thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ. Trong quyết định này, hàng trăm mặt hàng sắt thép và sản phẩm dệt may đã được liệt kê vào danh mục. Tuy vậy,trong quyết định này nội dung chỉ là không kiểm tra trong giai đoạn thông quan, còn vẫn kiểm tra sau thông quan.
CIEM đặt câu hỏi: “Có hay không bệnh thành tích? Số liệu báo cáo sẽ là hàng trăm mặt hàng kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ”.
Đối với Bộ Khoa học và Công nghệ, trước đây bộ này yêu cầu kiểm tra chất lượng đối với dây điện bọc nhựa PVC có điện áp định danh đến và bằng 450/750V (QCVN 4:2009) nhưng hiện nay Bộ đã chuyển yêu cầu thành dây và cáp điện, tức là mở rộng phạm vi mặt hàng kiểm tra lên rất nhiều lần.
Chia phần quản lý
Theo CIEM, đang xuất hiện xu hướng các văn bản pháp luật thể hiện sự chia phần quản lý giữa các cơ quan quản lý nhà nước, gây khó khăn cho doanh nghiệp
Trước đây, về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, các doanh nghiệp chỉ việc xin cấp phép tại 1 đầu mối là Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thì nay phải xin giấy phép của 9 bộ liên quan với cùng một nội dung công việc.
Trong nhiều trường hợp, các quy chuẩn, quy trình, biểu mẫu… về kiểm định an toàn lao động giống nhau nhưng các bộ không thừa nhận kết quả của nhau mà vẫn yêu cầu doanh nghiệp tham gia đào tạo lại để được cấp chứng chỉ. Chi phí đào tạo doanh nghiệp phải trả chi phí chính thức khoảng 10 triệu đồng/DN.
Một ví dụ khác là các bộ chia phần quản lý đối với các thiết bị nâng áp dụng cùng quy chuẩn, tiêu chuẩn (TCVN 4244:2005 và QCVN 7:2012). Cụ thể, Bộ Xây dựng quản cần trục tháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quản các cần trục còn lại, Bộ Giao thông vận tải quản các phương tiện này khi chúng được dùng ở sân bay, cảng thủy, cơ sở đóng mới - sửa chữa tàu thủy…
Hay trong quản lý nồi hơi, cùng là chiếc nồi hơi có TCVN 7704:2007 và QCVN 01-2008/BLĐTBXH, Bộ Lao động - Thương binh và xã hội quản lý nồi hơi có áp suất không quá 16 bar còn Bộ Công Thương quản lý nồi hơi có áp suất lớn hơn 16 bar. Máy điều hòa nhiệt độ có công suất nhỏ hơn 90.000 BTU thuộc quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ, nhưng điều hòa có công suất lớn hơn 90.000 BTU lại thuộc quản lý của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Lam Thanh