Từ ngày 1.8, mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ tăng lên đáng kể, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ những mâu thuẫn vốn đã hay xảy ra giữa người vi phạm hoặc bị cho là vi phạm với cảnh sát giao thông. Lực lượng này nên ứng xử thế nào khi thi hành công vụ để tránh xung đột không cần thiết với người vi phạm?

Clip đường phố- những bản án công luận dành cho Cảnh sát giao thông

08/08/2016, 05:40

Từ ngày 1.8, mức xử phạt vi phạm giao thông đường bộ tăng lên đáng kể, tiềm ẩn nguy cơ bùng nổ những mâu thuẫn vốn đã hay xảy ra giữa người vi phạm hoặc bị cho là vi phạm với cảnh sát giao thông. Lực lượng này nên ứng xử thế nào khi thi hành công vụ để tránh xung đột không cần thiết với người vi phạm?

CSGT xử lý người vi phạm luật giao thông (Nguồn: Internet)

Vì sao người ta hay quay clip?

Nói đâu xa chỉ trong mấy ngày qua đã xuất hiện liên tiếp mấy clip về cảnh sát giao thông (CSGT) gây xôn xao dư luận.

Đó là CSGT bị trai làng say rượu, càn quấy vây đánh; CSGT “đưa chân sang ngang” với người đi ngược chiều gây tranh cãi; hai cô gái ở Phú Quốc bỏ xe ô tô làm khó CSGT; hay mới đây nhất là CSGT đánh “liên khúc” vào đầu người điều khiển xe đang bị kiểm tra giấy tờ…

Còn nếu gõ các từ khóa tương tự có “CSGT” sẽ xem mệt nghỉ từ sáng đến tối không hết với vô số clip được quay trên đường phố.

Đặc biệt gây xôn xao là clip CSGT trạm Rạch Chiếc (TP.HCM) được cho là đánh người vi phạm.

Cán bộ CSGT trong đoạn video clip nói trên là trung úy Võ Nguyễn Minh Khoa (25 tuổi), đang công tác tại đội CSGT Rạch Chiếc thuộc Phòng CSGT đường bộ, đường sắt (PC67) Công an TP.HCM.

Ban Giám đốc Công an TP.HCM đã chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra làm rõ video clip liên quan đến CSGT đánh người.

Theo tường trình của trung úy Khoa, vụ việc xảy ra lúc 7 giờ 20 sáng 23.7 tại đường song hành Quốc lộ 1 (đoạn gần cổng chính Khu du lịch Suối Tiên, Q.9). Lúc này, trung úy Khoa đi cùng tổ công tác CSGT Rạch Chiếc gần Suối Tiên thì nhận được thông tin có vụ va chạm giao thông gần đó nên một mình đến hiện trường.

Sau đó, trung úy Khoa trên đường trở lại tổ công tác thì phát hiện một ô tô đang lưu thông có vi phạm chuyển làn đường đột ngột, không báo hiệu trước tại ngã rẽ. Trung úy Khoa đã ra hiệu lệnh dừng ô tô để xử lý vi phạm.

Ngay khi tiếp xúc, người vi phạm đã không hợp tác, không chấp hành việc kiểm tra, định lái ô tô đi tiếp. Mặc dù trung úy Khoa đứng trước đầu xe, nhưng người vi phạm vẫn tiếp tục nhấn ga, cho xe di chuyển về phía trước khoảng 3m.

Khi đó người dân tới hỗ trợ, ngăn không cho ô tô di chuyển. Lúc này, người vi phạm mới dừng và ra khỏi xe xuất trình giấy tờ, nhưng luôn tranh luận với trung úy Khoa.

Trong khi trung úy Khoa lập biên bản vi phạm hành chính, người vi phạm có lời nói thô tục và nhiều lần giằng tay trung úy Khoa, giật lại được giấy chứng nhận kiểm định và giấy đăng ký xe.

Trung úy Khoa đã cảnh cáo, nhắc người vi phạm phải chấp hành. Đồng thời, để tránh sự giằng co nên trung úy Khoa lấy giấy phép lái xe của người vi phạm bỏ vào túi quần của mình. Lúc này, người vi phạm lại đưa tay vào túi quần trung úy Khoa, giật tiếp giấy phép lái xe.

Bức xúc trước hành vi không chấp hành và nhiều lần giật lại giấy tờ, trung úy Khoa thừa nhận đã không kiềm chế được bản thân nên xảy ra cảnh đánh người vi phạm như trong video clip. Sau đó, trung úy Khoa lên xe đặc chủng bỏ đi, chưa lập được biên bản vi phạm hành chính.

Theo điều tra ban đầu của PC67, sự việc diễn ra khoảng 15 phút, còn đoạn video clip lan truyền trên mạng chỉ thể hiện gần 4 phút. Hình ảnh trong video clip cũng thể hiện không liên tục như thực tế, bị cắt ghép nên không phản ánh khách quan diễn biến của vụ việc.

Cơ quan công an cũng đang làm thủ tục mời người bị đánh tới để viết tường trình, làm rõ vụ việc. Chưa biết kết quả xác minh thế nào nhưng qua cái clip kia thì rõ ràng hành vi CSGT đánh người là có thật.

Xin chào - xin tha

CSGT là lực lượng mà người dân tiếp xúc hằng ngày, trực diện và thường là trong tình huống đầy mâu thuẫn.

Bộ Công an có những quy định nghiêm ngặt về các bước công tác của CSGT, tuy nhiên diễn biến trên đường phố rất phức tạp.

Trong cư xử giao thông, quen thuộc tình cảnh “Cán bộ: Xin chào - Người dân: Xin tha”. CSGT thật sự là “ông vua đường phố” vì họ có thể tha hoặc lập biên bản bản xử phạt mà dường như ít có cơ chế kiểm soát nào.

CSGT vừa là cơ quan trinh sát-điều tra, vừa là công tố vừa là quan tòa, trong lúc khung phạt tiền về hành vi vi phạm luật giao thông đường bộ hiện nay rất nặng.

Từ đây dẫn tới việc thay vì là quan hệ giữa người vi phạm và chủ thể xử phạt là pháp luật thì lại trở thành quan hệ giữa người vi phạm và cán bộ CSGT cụ thể. Thậm chí có thể người điều khiển xe còn biết tên họ, thói quen của cán bộ CSGT qua tuyến quen đường quen hoặc qua việc nhiều lần mình, bạn bè bị xử phạt.

Và khi đó là quan hệ tùy tiện thì nó cũng rất dễ gây xung đột.

CSGT cũng thường xuyên bị mạ lỵ, tấn công

Có khía cạnh ít ai để ý là CSGT cũng là đối tượng rất dễ bị tổn thương, thường xuyên bị người vi phạm xúc phạm bằng lời nói, hoặc cả hành động hay tấn công bạo lực.

Ngày 22.7, Công an huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk cho biết đã bắt xử lý 2 người say rượu, dùng hung khí đánh bị thương cảnh sát giao thông khi đang thi hành nhiệm vụ. ​Hai người đó là Y Ver Rcăm (SN 1982) và YRô Bi (SN 1995) cùng trú tại buôn Tlan, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk.

Theo thông tin ban đầu, sau khi đi ăn nhậu xong, trên đường đi bộ về, Rcăm và Bi nhìn thấy một tổ CSGT của Công an huyện Krông Búk đang đứng làm nhiệm vụ xử lý vi phạm tại đoạn đường qua buôn Ea Đrích, xã Cư Pơng. Bất ngờ, hai người này vô cớ dùng cuốc, xẻng đuổi đánh tổ CSGT làm hai anh Nguyễn Cao Dũng và Đỗ Mạnh Hùng bị thương ở tay và vùng mặt, phải đưa đi bệnh viện chữa trị. Sau đó, Rcăm và Bi đã bỏ trốn, bị cơ quan điều tra huyện Krong Buk bắt giữ.

Hiện công an huyện Krông Búk đang lập hồ sơ để xử lý Y Ver Rcăm và YRô Bi về hành vi dùng hung khí gây thương tích người đang thi hành công vụ. Hai chiến sĩ CSGT cũng đã bình phục sức khỏe.

Trường hợp khác cũng mới xảy ra: khi bị yêu cầu kiểm tra, nhóm trai làng say rượu đã tấn công CSGT. Khoảng 14 giờ ngày 21.7, thượng úy Lê Tuấn Trung (thuộc đội CSGT huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) đang trên đường tuần tra khu vực gần bến phà Bình Ninh (ấp Bình Phú, xã Bình Ninh) thì phát hiện Nguyễn Trung Nghĩa (22 tuổi, ngụ ấp Hòa Lạc Trung, xã Hòa Định) đang điều khiển xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, có dấu hiệu say xỉn. Thượng úy Trung đã yêu cầu Nghĩa dừng xe, xuất trình giấy tờ để kiểm tra nhưng thanh niên này chống đối và dùng chân đạp đổ mô tô tuần tra của CSGT.

Nghĩa còn nhảy xuống xe cầm đá đánh thượng úy Trung nhưng không trúng. Lúc này, Tô Kim Phụng (24 tuổi, ngụ ấp An Lạc Trung, xã Xuân Đông) và Nguyễn Duy Khang (22 tuổi, ngụ ấp Hòa Thịnh, xã Bình Ninh) đang nhậu gần đó cũng chạy ra xông vào đánh thượng úy Trung.

Đến khi người dân ra can ngăn thì nhóm côn đồ mới bỏ đi. Toàn bộ sự việc được một người dân ghi hình lại, sau đó tung lên mạng xã hội. Theo lời khai của 3 thanh niên, khi đang nhậu thì hết mồi nên Nghĩa lấy xe chạy mua thì bị thượng úy Trung dừng xe, sau đó xảy ra vụ việc.

“Chúng tôi tiếp tục điều tra, thu thập chứng cứ làm rõ hành vi của từng đối tượng. Khi đầy đủ chứng cứ, công an sẽ khởi tố vụ án", cán bộ công an cho biết.

Tuy nhiên dư luận sẵn sàng quên mau những chuyện đó mà chỉ tập trung lên án, bàn tán việc CSGT thiếu kiềm chế “đụng tay đụng chân” với người vi phạm. Như vụ “đưa chân sang ngang” của CSGT khi người vi phạm chạy tốc độ cao ngược chiều, hoặc vụ có tính khiêu khích ở cầu Rạch Chiếc, nếu trình bày của CSGT là đúng.

Vậy khi bị đe dọa tấn công, hay bị khiêu khích, cán bộ CSGT phải ứng xử như thế nào cho đúng công vụ?

Thực thi công vụ hay làm cho bõ tức

Trung úy Nguyễn Hoàng Anh trong vụ chạy ra đưa chân ngáng người vi phạm trả lời truyền thông rằng đây chỉ là “phản xạ phòng vệ”: đơn thuần là chỉ “giơ chân bật nhảy” khi chặn bắt người vi phạm, và việc các nạn nhân bị ngã là do “không làm chủ được tay lái” nên tự lao vào dải phân cách giữa và bị ngã.

Nếu viên CSGT dùng mọi khả năng của mình với mục đích ngăn cản hành động phi pháp của người đi xe máy mà hành động của người đó có thể gây nguy hiểm cho người khác, thì anh ta đang thực hiện nhiệm vụ một cách chính đáng.

Nhưng nếu đó là một phản xạ như anh nói thì rõ ràng là thiếu chuyên nghiệp. Dư luận phần lớn tỏ ra thông cảm cho viên CSGT vì cái nhìn cảm tính cho rằng hành động côn đồ của người tham gia giao thông cần được đáp trả ngay tức khắc, càng mạnh càng tốt.

Đây là lối tư duy có thể đúng trong một trường hợp nhưng áp dụng chung là sai và cực kỳ nguy hiểm.

Viên CSGT, với cú đá chuẩn xác của mình, có thể đã góp phần giúp giảm bớt mối nguy cho người đi đường, nhưng điều anh làm đã vượt quá giới hạn công vụ.

Càng rõ hơn với trường hợp trung úy Võ Nguyễn Minh Khoa trong vụ việc ở Rạch Chiếc: cho dù CSGT bị khiêu khích nhưng hành vi đánh người “liên khúc” như vậy là hoàn toàn sai, là lỗi công vụ và vi phạm pháp luật. Trung úy Khoa hoàn toàn có trong tay sự hỗ trợ mà luật pháp quy định như tổ công tác (mà Khoa lại đi một mình), lực lượng phản ứng nhanh 113, công an phường và người dân chứng kiến.

Thay vì chọn hành động theo luật pháp và quy định của ngành, Khoa lại đánh người vi phạm. Thông tin mới là Võ Nguyễn Minh Khoa đã bị tạm đình chỉ công tác.

Với mức phạt vi phạm luật giao thông đường bộ đã rất cao như hiện nay cộng với ứng xử giao thông “Xin chào-Xin tha”, xung đột giữa người vi phạm và CSGT sẽ càng tiềm ẩn những nguy cơ manh động nếu một bên thiếu kềm chế và CSGT quên việc mình đang thực hiện công vụ.

Công dân vi phạm sẽ bị xử lý bằng pháp luật, ngược lại người thực thi công vụ cũng đủ quyền hạn, phương tiện, và cần đủ lý trí để xử lý theo quy định thay vì hành động đáp trả “ăn miếng trả miếng” theo cảm tính.

Hoàng Linh

Chỉ truy đuổi các trường hợp là tội phạm giết người, bắt cóc...

Hãng tin Reuters có tường thuật (23.4.2015) cuộc đuổi bắt giữa cảnh sát viên Abraham Martinez và Steven Gaydos vào tháng 12.2012. Sự việc được ghi lại bằng camera trên xe của Martinez trong khi anh này đuổi theo sau và hét lớn yêu cầu Gaydos dừng lại. Tốc độ có lúc lên đến hơn 200km/giờ. Martinez rút súng ngắn và bắn 4 phát về phía Gaydos, trong đó một viên đạn đã trúng đùi phải.

Cuối cùng, khi Gaydos đã giảm tốc, tấp vào lề đường và đang xoay xở để xuống xe thì bị Martinez tung một cú song phi vào đùi trái. Gaydos bị bắt giam và bị buộc tội chạy trốn, dùng bằng lái không hợp lệ và sở hữu hai viên Percocet.

Khi bị hỏi, Martinez nói anh ta bắn và đá Gaydos khỏi xe vì nghĩ rằng nghi phạm có liên quan đến vụ án nào đó. “Kinh nghiệm dạy tôi rằng người ta chạy trốn để giấu thân phận sau khi phạm tội nghiêm trọng như giết người, trộm cướp, hiếp dâm và/hoặc sử dụng phương tiện ăn cắp”.

Cuối cùng, Martinez bị đình chỉ công tác 3 ngày không lương do vi phạm quy chế của đơn vị chủ quản khi sử dụng vũ lực không nhất quán với những gì được tập huấn.

Từ vụ việc này, bằng cuộc điều tra công phu mất vài năm, truyền thông đưa ra các thống kê cho thấy sự nguy hiểm của việc truy đuổi nghi can trên xe máy.

Một phần tư các cuộc đuổi bắt kết thúc bằng va chạm trong khi tỷ lệ thương vong của người đi xe máy cao hơn nhiều so với đi ô tô. Bảy người đã chết trong các cuộc truy đuổi trên xe máy từ năm 2006 đến 2010, một tỷ lệ cao hơn ba lần những phương tiện cơ giới khác.

Những con số cao như trên khiến các cơ quan hành pháp thắt chặt quy định. Chẳng hạn Quy chế tuần tra đường cao tốc ở Florida giới hạn việc truy đuổi đối với các tội hình sự như giết người, bắt cóc hoặc các hành vi đe doạ sử dụng vũ lực với người khác mà thôi.

Lê Ngọc Minh (Amsterdam, Hà Lan)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm: Công an phải thật sự trở thành 'điểm tựa bình yên của nhân dân'
2 giờ trước Theo dòng thời sự
Tối qua 18.1, tại nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội), Tổng Bí thư Tô Lâm đã dự chương trình giao lưu nghệ thuật chính luận “Sống trong lòng dân”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Clip đường phố- những bản án công luận dành cho Cảnh sát giao thông