Dự án "máy đuổi chim" mà Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV) đang trình bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt có tổng mức đầu tư 1.162 tỉ đồng cho 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vô tình đã và đang gây bão dư luận.

'Máy đuổi chim' ngàn tỉ, ai đang cho ai 'leo dây'?

07/08/2016, 06:45

Dự án "máy đuổi chim" mà Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV) đang trình bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phê duyệt có tổng mức đầu tư 1.162 tỉ đồng cho 2 sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất vô tình đã và đang gây bão dư luận.

Bản thân Cục Hàng không Việt Nam và Bộ GTVT cũng thấy đề án này bộc lộ nhiều bất hợp lý về giá thành, về sự minh bạch trong đấu thầu và về cách "phân bổ phí" kỳ quặc của ACV trong vụ việc này. Tôi được biết, đây là giải pháp do Công ty cổ phần Tiến bộ quốc tế (AIC) đầu tư và triển khai thực hiện.

Theo tìm hiểu, "máy đuổi chim" mà người ta quen gọi, đó là hệ thống phát hiện vật thể lạ trên đường băng (FODetect). Hệ thống này sẽ giúp phát hiện tự động, cảnh báo và xử lý toàn bộ chim, vật thể lạ trên đường hạ cất cánh có nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến an toàn bay, thay thế cho phương pháp hiện tại là quan sát bằng mắt thường tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Hệ thống cảnh báo này đã được nhiều nước sử dụng hiệu quả và họ thường dùng của hãng Xsight (Israel), một hãng chuyên sản xuất có uy tín.

Qua tìm hiểu về công nghệ này, tôi được biết: Gần đây, sân bay Sea-Tac gần thành phố Seattle (tiểu bang Washington, Mỹ), sân bay Logan và một số sân bay khác đã áp dụng công nghệ mới để tìm và loại bỏ rác trên đường băng nhanh hơn, đặc biệt là vào ban đêm và trong thời tiết xấu.

Rác ở sân bay có rất nhiều loại, đôi khi chỉ là túi nilon, giấy, vỏ giấy cốc cafe... nhưng cũng có thể là các loại rác khác được coi là nguy hiểm hơn nhiều, chẳng hạn như các bộ phận máy bay rơi ra trong khi hạ cánh, các dụng cụ cơ khí khi bảo dưỡng sơ xuất bị sót rồi văng ra khi máy bay cất cánh.

Tất cả những loại rác này được xem là vật thể lạ trên đường băng hay gọi tắt là FOD. Cho dù đó là một túi đựng đồ ăn trưa vô hại hay là miếng nhựa nhỏ nằm trên đường băng, mục tiêu an toàn bay là phải nhặt từng mảnh vụn này. Để xử lý những loại rác này, lâu nay nhân viên tuần tra phải dùng mắt thường quan sát và thu gom.

Nhưng giờ đây, ngành công nghệ đã vào cuộc. Ví dụ như sân bay Sea-Tac đã trở thành sân bay thứ hai trong nước Mỹ cài đặt hệ thống FODetect tự động, hệ thống radar mặt đất và camera được thiết kế để tìm thấy bất kỳ mảnh vỡ có thể rơi ra khỏi một máy bay phản lực hoặc được thổi vào đường băng và rủi ro bị hút lên bởi động cơ của máy bay sau khi cất cánh...

Hệ thống bao gồm các cảm biến gắn dọc theo hai bên đường băng liên tục quét hình ảnh bề mặt đường băng để phát hiện các mảnh vỡ, các loài chim và động vật. Các cảm biến được điều khiển thông qua phần mềm để nhanh chóng xác định vị trí của FOD, cảnh báo nhân viên sân bay tới loại bỏ những vật thể này ra khỏi đường băng.

Varec Inc., một công ty con của Leidos ở Reston, Virginia, là nhà thầu chính cài đặt các hệ thống trên đường băng trung tâm Sea-Tac trị giá 4,6 triệu đô la, cùng với Xsight xây dựng các cảm biến.

Các quan chức vận hành ở sân bay Sea-Tac đã và đang nghiên cứu các hệ thống radar quan sát bề mặt đường băng trong khoảng mười năm qua và bây giờ họ cảm thấy công nghệ đã chín muồi. Các quan chức sân bay hy vọng sẽ cài đặt hệ thống này trên hai đường băng khác của sân bay về sau này. Hệ thống được lắp đặt đầu tiên dự kiến là mùa hè tới. FODetect hiện đang sử dụng tại sân bay Logan ở Boston, và tại các sân bay Tel Aviv và Bangkok.

Tôi từng được biết, khi sự cố chim bay ảnh hưởng đến cánh quạt, động cơ máy bay tại các sân bay nước ta (mỗi năm nghe nói cũng hàng chục vụ) thì chính một nhóm chuyên gia của ACV đã sang Israel khảo sát thực tế. Khi về, hầu như mọi người đều tấm tắc khen hệ thống kiểm soát với công nghệ tiên tiến nói trên.

Tôi thực sự không thể giải thích nổi một điều, chỉ sau có từng đó thời gian (khoảng 2 năm), vẫn là cái hãng mà ACV tiếp cận năm nào, nay chính ACV lại đề xuất với lãnh đạo Cục HKVN và Bộ xin được đầu tư với mức giá "trên trời" (1.162 tỉ đồng VN ) cho 2 sân bay. Thực tế, theo tôi tìm hiểu thì cả sân bay Nội Bài cũng như Tân Sơn Nhất cũng không vượt quá 2 đường băng/sân bay. Nếu ta nhân 4 "máy" dự định sẽ trang bị này với số tiền như hàng không Mỹ từng mua là 4,6 triệu đô la/đường băng thì cả thảy cũng chỉ 18,4 triệu đô la (khoảng 408 tỉ đồng). Còn vừa rồi, ACV đề nghị Bộ duyệt chi là 1.162 tỉ đồng (gấp 2,8 lần giá thành như có nước đã từng nhập) thì họ lý giải thế nào với cấp trên? Phải chăng vì thế (do hồ sơ trình bày sơ sài, chưa thuyết phục, lại không có các số liệu so sánh, tham khảo từ nhiều kênh) khiến cho dự án này bị bộ GTVT bác? Cho dù dự án đầu tư này sẽ thực hiện thế nào, dù cho là sẽ được xã hội hoá đi nữa thì cũng cần kiểm soát, nếu không sẽ gây thiệt hại gián tiếp cho các doanh nghiệp khác như các hãng hàng không, cho người đi máy bay bởi kiểu gì họ cũng có cớ để "bổ đầu" nhằm thu hồi vốn nhanh (chứ nhà nước có chịu trả thay đâu!). Bởi vậy, người được nhà nước giao quyền kiểm soát là ngành giao thông càng cần phải chặt chẽ hơn. Mục đích là để hạn chế việc bị các nhóm lợi ích lợi dụng.

Lâu nay, dư luận đã nhiều lần hoài nghi về những dự án đầu tư khủng, có dấu hiệu của việc kiểm soát thực giá khá lỏng lẻo trong các cơ quan nhà nước, các công trình xây dựng, trong khâu mua sắm trang thiết bị, mua bán doanh nghiệp.
Các dự án nói trên, nếu không đấu thầu minh bạch, có "quân xanh" lót ổ thì nhà nước sẽ thất thoát đến mức nào? Tôi cũng rất mừng khi thấy Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, sau lần tuyên thệ tái đắc cử mới đây, đã thể hiện thái độ trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ lúc đất nước đang gặp muôn vàn khó khăn về ngân sách, về nợ công, về chi tiêu... Ông nói: "Chúng ta cần phải có trách nhiệm đối với từng đồng tiền thuế của dân, phải sử dụng minh bạch, hiệu quả, vì lợi ích chung của người dân và của toàn xã hội"...

Cần làm ngay những việc cần làm. Điều mà Thủ tướng phàn nàn, rằng lâu nay chúng ta chỉ "toàn bắn chỉ thiên", đâu nhằm bắn trúng đích nào, đã cho thấy cả bộ máy phải cùng vào cuộc nếu muốn thành công trên con đường kiến tạo đất nước.

Quốc Phong

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
'Máy đuổi chim' ngàn tỉ, ai đang cho ai 'leo dây'?