TS Đinh Thế Hưng cho rằng tội phạm tham nhũng có độ “ẩn” rất cao nên để đưa tội phạm này ra ánh sáng phải có chính sách riêng. Nhà nước, xã hội phải đánh đổi (thiệt) một lợi ích nào đó để được cái lớn hơn đó là phát hiện, xử lý tham nhũng và khắc phục hậu quả do tham nhũng gây ra.
Kết luận của Cơ quan điều tra (Bộ Công an) về thương vụ MobiFone mua AVG vừa công bố có đề nghị gây chú ý là "áp dụng chính sách hình sự" đặc biệt với 12 trong 14 bị can. Lý do thìđây là những người thành khẩn, có nhiều thành tích trong công tác, nộp tiền để khắc phục hoàn toàn hậu quả đã gây ra...
Với bị can Phạm Nhật Vũ, Chủ tịch HĐQT AVG, kết luận cho hay ông Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại MobiFone toàn bộ số tiền đã nhận,tính cả lãi và chi phí thực hiện quá trình mua bán,góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước. Gia đình bị can Vũ có công với cách mạng, ngoài ra bị can Vũ cũng có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội Chất độc da cam, bom mìn, mồ côi, các hoạt động an sinh xã hội…Do đó, cơ quan điều tra đề nghị quá trình truy tố, xét xử xem xét các tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng hình với bị can.
Sau khi được công bố, vấn đề này đã gây nhiều luồng ý kiến trái chiều trong dư luận.
Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, TS Đinh Thế Hưng (Viện Nhà nước và pháp luật) cho rằng tội phạm tham nhũng nói chung và tội nhận hối lộ có độ ẩn rất cao, nên khả năng đối phó, che giấu rất giỏi; tội nhận, đưa hối lộ chỉ có haibên biết với nhau nên trông chờ vào sự tố cáo là rất thấp so với các tội khác. Hơn nữa, loại tội phạm này ít có người làm chứng nên việc sử dụng chứng cứ người làm chứng rất khó…
“Do đó, Bộ luật Hình sựđã thể hiện điều này bằng chính sách riêng (đặc thù) đối với tội phạm về tham nhũng. Ví dụ, để thu hồi tài sản tham ô thì chấp nhận không tử hình, miễn sao kẻphạm tội khắc phục ¾ hậu quả. Mục đích của nhà nước không phải là bắt người ta đi tù mà là khắc phục hậu quả dotham nhũng gây ra. Đây là xu thế của luật hình sự hiện đại”, ông Hưng nói.
Cũng theo chuyên gia này, đối với tội về hối lộ, việc phát hiện, xử lý khó khăn, nên Bộ luật Hình sự quy định đặc biệt với người đưa hối lộ là hoàn toàn hợp lý.
Theo đó, người đưa hối lộ nếu bị ép buộc phải đưa hối lộ mà chủ động khai báo, tố giác thì không phạm tội và được trả lại tiền hối lộ. Người nào không bị ép buộc nhưng chủ động khai báo, tố giác thì có thể được miễn trách nhiệm hình sự.
Cũng theo ông Hưng, luật tố tụng hình sự nhiều nước đã quy định Thỏa thuận nhận tội hay Mặc cả thú tội (Plea agreement- l'accord sur le plaidoyer). Theo đó, công tố và luật sư của bị cáo, hoặc bị cáo khi tự bào chữa cho mình, có thể thảo luận và đạt được một thỏathuận thú tội.
Về trường hợp của ông Phạm Nhật Vũ, theo ông Hưng,qua thông tin trên báo chí, theo nhận định ban đầu thì ông Vũ không thuộc trường hợp bị ép buộc đưa hối lộ, không chủ động khai báo mà khi bị bắt mới tố giác nên không thuộc trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự.
“Tuy nhiên, qua thông tin cho rằng ông Vũ thành khẩn khai báo thì đây là tình tiết giảm nhẹ có giá trị cực kỳ to lớn trong việc phát hiện các đối tượng nhận hối lộ”, ông Hưng nêu.
Chuyên gia Hưngcho rằngcác tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định trong Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên, giá trị của các tình tiết giảm nhẹ đối với từng vụ án không giống nhau. Ví dụ, đối với tội phạm quả tang thì thành khẩn khai báo không có giá trị gì nhiều nhưng đối với các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp (như vụ AVG) thì giá trị của thành khẩn khai báo lại có ý nghĩa to lớn. Do ý nghĩa to lớn như vậy nên cần được áp dụng để giảm nhẹ cho ông Vũ.
Theo ông Hưng,vụ án đang trong quá trình tố tụng nên khó bình luận sâu, tuy nhiên, chính sách đặc biệt trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng ở Việt Nam là rất cần thiết, đúng đắn và phù hợp với xu thế chung.
Như đã thông tin, vụ án "vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng, nhận hối lộ, đưa hối lộ" xảy ra tại Tổng công ty Viễn thông MobiFone và các đơn vị liên quan được khởi tố vào tháng 7.2018. Cơ quan điều tra xác định ông Nguyễn Bắc Son khi giữchức Bộ trưởng Thông tin - Truyền thông, là chủ mưu, chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm trái quy định pháp luật để MobiFone mua bằng được 95% cổ phần của AVG, khiến Nhà nước thiệt hại gần 6.500 tỉ đồng.
Khi hợp đồng được ký kết vào cuối năm 2015, ông Phạm Nhật Vũ đã mang 3 triệu USD đến nhà ông Son, mang 200.000 USD (gần 4,5 tỉ đồng) đến phòng làm việc của ông Trương Minh Tuấn (lúc này làm Bộ trưởng Thông tin -Truyền thông). Ông Vũ cũng chuyển 2,5 triệu USD (gần 57 tỉ đồng) cho cựu Chủ tịch MobiFone Lê Nam Trà và 500.000 USD (hơn 11 tỉ đồng) cho cựu Tổng giám đốc MobiFone Cao Duy Hải.
4 người nhận tiền đều bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ. Trong số này, ông Son chưa nộp lại hết số tiền bất chính. Phạm Nhật Vũ bị đề nghị truy tố tội đưa hối lộ.
Trí Lâm