Theo báo cáo của ngân hàng ANZ, Đông Nam Á sẽ chiếm mất vị thế "công xương của thế giới" của Trung Quốc trong 10-15 năm tới, khi các công ty chuyển tới khu vực này để tranh thử nguồn lao động dồi dào, giá rẻ ở các khu vực như sông Mekong. Đây cũng là cơ hội lớn cho Việt Nam.
Đông Nam Á sẽ là “công xưởng” mới của thế giới
Theo nhận định của các chuyên gia, cuộc dịch chuyển nói trên sẽ là một phần trong sự nổi lên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trở thành “trụ cột thứ ba” của tăng trưởng khu vực, sau Trung Quốc và Ấn Độ .
Báo cáo của ngân hàng này cũng cho biết thêm rằng, đến năm 2030, hơn một nửa dân số 650 triệu người của Đông Nam Á sẽ nằm trong độ tuổi dưới 30 - là một phần trong tầng lớp trung lưu đang nổi lên của khu vực với mức tiêu dùng lớn hơn.
“Sự dịch chuyển này có thể được hỗ trợ bởi kết nối giữa lực lượng lao động giá rẻ ở những nước như Myanmar, Campuchia và Lào với các nhà sản xuất tiết kiệm chi phí ở Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và các nhà sản xuất trình độ cao ở Singapore và Malaysia” – Ngân hàng ANZ nhận định.
Lý giải cho nhận định trên, báo cáo cho biết, hầu hết các nước thành viên ASEAN đều nằm ở điểm giao cắt giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Bên cạnh đó, các nước ASEAN nằm trong đất liền nằm giữa hai quốc gia đông dân nhất thế giới là Trung Quốc và Ấn Độ.
“Sự tiếp cận và những vùng đất và tuyến đường biển này cho phép ASEAN tham gia vào mạng lưới sản xuất đang mở rộng của châu Á” – ANZ nhấn mạnh.
Theo ước tính của ANZ, các nước Đông Nam Á có thể cùng nhau nâng kim ngạch thương mại nội khối lên mức 1 nghìn tỷ USD vào năm 2025.
Ngân hàng này cũng tính toán rằng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào ASEAN từ các nền kinh tế lớn có thể lên mức 106 tỷ USD vào năm 2025. Vào năm 2013, vốn FDI từ các nền kinh tế lớn vào ASEAN đã lần đầu tiên lượng vốn rót vào Trung Quốc.
Cơ hội để Việt Nam soán ngôi?
Theo nhận định của Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn, các công ty nước ngoài đưa cơ sở chế tác sang Việt Nam là điều đáng mừng. Đầu tiên nó giải quyết công ăn việc làm cho nhiều người Việt Nam, dẫu công việc đầu tiên đó có thể là đơn giản, lắp ráp, giá trị gia tăng chưa nhiều trong tổng giá trị của sản phẩm.
Khi Việt Nam trở thành công xưởng thì cần đến nhiều dịch vụ đi kèm, từ cung cấp linh, phụ kiện đến dịch vụ hậu cần, tài chính. Việc này lại tạo thêm công ăn việc làm, tăng cơ hội kinh doanh của các tổ chức khác, tăng kỹ năng và trình độ của người lao động để bước lên những bậc thang cao hơn của chuỗi giá trị.
Thời Báo Kinh Tế Sài Gòn cũng nhận định rằng, rất có thể từ môi trường này sẽ nảy sinh các nhà tư bản nội địa có sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao và có ảnh hưởng ở khu vực và thậm chí là thế giới, nhưng việc này cần rất nhiều nỗ lực của doanh nhân, người lao động và Nhà nước.
Nếu trở thành công xưởng và nếu có chính sách khéo thì các công ty đa quốc gia có thể chuyển cả những khâu có giá trị cao (tiếp thị, thiết kế, nghiên cứu phát triển...) sang Việt Nam.
Tuy nhiên ở chiều ngược lại, nếu chỉ chạy theo con số và có tầm nhìn thiển cận, thì biết đâu Việt Nam lại tạo điều kiện cho việc chế tác các sản phẩm mà có thể tốn năng lượng (vì các công ty FDI có thể đòi điện giá rẻ) hay gây ô nhiễm môi trường...
Nếu vậy thì đây là điều đáng lo vì khi hết ưu đãi, khi giá nhân công tăng lên, các công ty nước ngoài sẽ bỏ đi và để lại các khu công nghiệp tiêu điều. Đó là việc nên tránh và Việt Nam nên tạo điều kiện để các doanh nghiệp nước ngoài ở lại, mang các khâu có giá trị gia tăng cao vào Việt Nam.
Hoàng Long (Tổng hợp theo Dân Trí, TBKTSG)