Trong số các vụ án có nhiều bút lục, có một số hồ sơ vụ án trên 100.000 bút lục.
Chiều 9.6, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội phối hợp cùng TAND cấp cao tại Hà Nội tổ chức Hội nghị “Tổng kết 5 năm thực hiện Quy chế phối hợp công tác giữa Viện KSND cấp cao tại Hà Nội và TAND cấp cao tại Hà Nội”.
Ông Nguyễn Quang Thành – Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Hà Nội cho biết việc ban hành Quy chế phối hợp số 01/QCPH/VC- TACC giữa 2 cơ quan này có hiệu lực từ ngày 11.8.2016.
Trong thời gian phối hợp này, hai đơn vị đã phối hợp thụ lý theo thủ tục phúc thẩm 9.433 vụ án các loại. Đã giải quyết 7.693 vụ, đạt 81,5%. Trong đó, xét xử 5.826 vụ; đình chỉ 1.867 vụ (Trong số xét xử án có kháng nghị của VKS 447 vụ, Tòa án chấp nhận kháng nghị 304 vụ, đạt 68%). Tạm đình chỉ 48 vụ. Đang giải quyết 1.692 vụ.
Theo lãnh đạo Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, công tác phối hợp trong việc giải quyết các vụ án đông bị cáo, án kêu oan, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, án thuộc diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo đã được lãnh đạo hai đơn vị chú trọng, phối hợp họp bàn trong việc tổ chức phiên tòa, góp phần giải quyết nhanh, gọn, đảm bảo nghiêm minh, có cơ sở đúng pháp luật đối với những vụ án này.
Điển hình như vụ án Hà Văn Thắm và các bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Đinh La Thăng và các bị cáo khác phạm tội “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”; vụ án Trịnh Xuân Thanh và các bị cáo khác phạm tội “Tham ô tài sản”… Đây là những vụ án được lãnh đạo hai ngành đánh giá cao và dư luận đồng tình ủng hộ.
Ngoài ra, theo Viện trưởng Viện KSND cấp cao tại Hà Nội, việc kiểm đếm bút lục từng hồ sơ là hết sức khó khăn, đặc biệt là các vụ án lớn, các vụ án có nhiều bút lục.
Trong đó có một số hồ sơ vụ án trên 100.000 bút lục, điển hình như vụ án Đinh Văn Dũng và đồng phạm “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” (142.768 bút lục); Vụ án Lê Văn Quang phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (133.387 bút lục); Vụ án Lê Xuân Giang và đồng phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” (293.533 bút lục)…
Điều này dẫn tới việc vận chuyển khó khăn, mất nhiều thời gian, trong khi cần phải nghiên cứu và đưa ra xét xử sớm theo yêu cầu. Do vậy hai đơn vị đã thống nhất Tòa án không thực hiện chuyển hồ sơ chính sang mà Viện KSND cấp cao tại Hà Nội phối hợp cử các Kiểm sát viên có nhiều kinh nghiệm sang Tòa án trực tiếp nghiên cứu.
Cùng với đó, Tòa án photo các tài liệu có liên quan gửi cho Viện KSND cấp cao tại Hà Nội nghiên cứu để đảm bảo tiến độ. Thông qua đó đã tiết kiệm được thời gian, công sức trong việc vận chuyển hồ sơ, kiểm đếm bút lục, tránh gây thất lạc tài liệu, đảm bảo thời gian để Kiểm sát viên và Thẩm phán nghiên cứu kỹ lưỡng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phối hợp giữa VKS và TAND cấp cao tại Hà Nội, đẩy mạnh hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, đảm bảo sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa phúc thẩm, Viện KSND cấp cao tại Hà Nội đề nghị tiếp tục tăng cường, phối hợp chặt chẽ với bộ phận lịch xét xử của Tòa án cấp cao trong việc trao đổi thông tin liên quan đến lịch xét xử. Phối hợp với cán bộ lên lịch xét xử của tòa án để nhận lịch xét xử sớm...