Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Giáp Ngọ nhưng lượng người đến xếp hàng mua vé đã chật kín cả nhà ga. Tâm lý suốt ruột, không có nhiều thời gian để chời đợi đã vô hình tạo điều kiện cho dịch vụ cò vé hoạt động và kiếm lời gần 300 nghìn đồng/vé.

Cò vé tàu tết lộng hành

Một Thế Giới | 06/12/2013, 06:34

Còn gần 2 tháng nữa mới đến Tết Giáp Ngọ nhưng lượng người đến xếp hàng mua vé đã chật kín cả nhà ga. Tâm lý suốt ruột, không có nhiều thời gian để chời đợi đã vô hình tạo điều kiện cho dịch vụ cò vé hoạt động và kiếm lời gần 300 nghìn đồng/vé.

Tôi đi mua vé tàu Tết cuối năm
Thấm thía cái cảnh năm nào cũng phải bon chen, chật vật đi mua vé tàu Tết cuối năm, nên rút kinh nghiệm từ những năm trước, tôi chạy tới Ga Hà Nội khi còn cách Tết Giáp Ngọ gần 2 tháng.
Những tưởng mua vé từ sớm sẽ thoát được "cò mồi" và không phải xếp hàng đợi lâu nhưng nào ngờ, vừa bước chân vào nhà ga tôi đã bị choáng ngợp trước cảnh cả trăm người đang ngồi chờ đến lượt để mua vé tàu.
Co ve tau tet long hanh
Hàng dài người ngồi đợi chờ đến lượt (Ảnh Duyên Duyên)
Bắt đầu thấy ngán ngẩm nhưng vẫn tự nhủ: "từng này người chắc chỉ đợi 1- 2 tiếng là xong", liền chạy lại chỗ chị nhân viên nhà ga để xin số thứ tự thứ 0742. Quay qua nhìn biển gọi tên tôi chợt giật mình khi mới chỉ đến số 0550. Vậy là phải gần 200 số nữa mới tới lượt mình.
Kiên nhẫn ngồi xuống ghế đợi, thoáng nhìn qua 3, 4 dãy ghế chật ních người thấy gương mặt ai cũng đăm chiêu, lông mày người nào nhíu lại. Thi thoảng có vài người lại đứng lên, đi qua đi lại, tiến về phía người bán vé rồi chép miệng thở dài. Cám cảnh đi mua vé tàu cuối năm chắc người nào đã từng trải qua đều hiểu rõ!
30 phút trôi qua, một số người nhìn đồng hồ rồi đứng dậy. Có người lịch sự, vứt tờ giấy ghi số thứ tự vào sọt rác rồi buồn bã ra về vì không thể đợi thêm. Nhưng cũng có người bực dọc, vứt giữa nền gạch và cất bước ra về, không quên lèm bèm vài câu tục tĩu...
Sau 1 tiếng chờ đợi, số thứ tự nhích thêm được gần 60 số, và phải đợi hơn 130 người nữa, tương đương với gần 3 tiếng đồng hồ sau mới tới lượt tôi. Nhẩm tính lúc đó là gần 15h và để đợi đến lượt thì cũng hết giờ mua vé.
Co ve tau tet long hanh
Chán nản bước ra khỏi ga, vừa đến cửa thì một anh xe ôm chừng ngoài 40 tuổi lao tới chào mời. Thấy vẻ mặt của tôi, anh tinh ý đoán ra nguyên do rồi chuyển sang chào mời mua vé dịch vụ.
Thấy tôi có vẻ phân vân, anh vội quay ra phía chỗ để xe, giơ tay vẫy thì ngay lập tức một phụ nữ đang cầm tờ báo vội vàng chạy tới. Hỏi qua loa vài câu như mua vé đi đâu, bao giờ đi, đi ghế mềm hay giường nằm... rồi người phụ nữ có khuôn mặt trái xoan, làn da rám nắng kéo vội tôi ra phía trước và chạy băng qua đường...
Cò vé tàu chuyên nghiệp!
Sang phía đường bên kia, người phụ nữ dắt tôi vào một quán bán nước và bán mấy đồ tạp hóa, rồi nhanh chóng "giao" tôi cho hai người phụ nữ khác, một già, một trẻ.
"Em đi đâu? Ngày nào? Ngồi ghế hay giường nằm?" - người phụ nữ trạc ngoài 30 tuổi cười nói đon đả cất lời.
Sau khi tôi trả lời một loạt câu hỏi, người phụ nữ này quay sang bà Trưởng (mãi sau tôi mới biết tên người phụ nữ trung tuổi này), bảo đưa cho tôi xem bảng giá vé tàu, rồi lại chạy sang phía ga tiếp tục tìm thêm khách.
"Vé đi Hà Nội - Sài Gòn, ngày 26, 27, 28, 29 Tết, ghế mềm điều hòa là 1,243 triệu, ghế mềm không điều hòa là 943 nghìn đồng. Đây, cháu xem bảng giá đây. Bảng này là giá niêm yết bán trong ga luôn đấy" - bà Trưởng nói.
Co ve tau tet long hanh
Bà Trưởng - cò vé chuyên nghiệp tại ga Hà Nội (Ảnh Duyên Duyên)
Thấy tôi có vẻ phân vân, bà Trưởng tiếp lời: "Nhưng vì cô có mối mua được rẻ hơn nên vé ngồi mềm, điều hòa cô chỉ lấy cháu 1,1 triệu, còn ghế mềm không điều hòa cô lấy 850 nghìn. Thế là rẻ hơn được gần 150 nghìn mỗi vé rồi. Cháu không mua được ở đâu rẻ hơn đâu" - bà cất giọng nói đầy kiêu kỳ.
Vẫn thấy tôi ngần ngại, bà Trưởng cho biết thêm, nếu mua vào thời điểm này thì giá vé còn rẻ, nhưng nếu để sang tháng 12 âm lịch thì chẳng những không có vé rẻ hơn niêm yết thế này mà sẽ phải chịu mua đắt hơn ít nhất 200 - 300 nghìn đồng/vé.
"Từ ngày 20 tháng Chạp đến ngày mùng 3 tháng Giêng giá vé đều như thế, nhưng từ mùng 4 trở đi thì vé lên tới 1,6 triệu. Bây giờ còn rẻ nên cháu quyết định nhanh đi. Chỉ cần đặt tiền cọc và cho cô số điện thoại, 3 ngày sau cháu ra đây lấy vé rồi trả hết tiền. Cháu mà vào ga xếp hàng đợi mua sẽ vừa đắt hơn mà còn lâu mới mua được" - bà Trưởng đon đả nói.
Quay qua hỏi bà Trưởng tại sao còn lâu mới mua được vé? Bà phân tích: "Thông thường vé tàu Tết là tụi cô gom hết rồi, còn vé bán ra ít lắm, cháu mà vào thể nào người ta cũng trả lời là đã hết vé, nên vừa mất thời gian lại vừa không mua được đâu"
Vốn không có nhiều thời gian để xếp hàng mua vé, lại nghe thêm lời chào mời xen dọa dẫm vô cùng chuyên nghiệp, cộng thêm giá vé lại rẻ hơn so với giá niêm yết cả hơn 100 nghìn, một người vốn cứng rắn và không ưa "cò vé" như tôi cũng có phần lay động.
Nhưng suy xét kỹ lại thì thấy không hợp lý. Làm gì có chuyện vé dịch vụ lại rẻ hơn vé bán ở nhà ga đến cả trăm nghìn đồng và cò vé có thể ngang nhiên tung hoành gom hết vé được như thế? Nghĩ rồi tôi xin số điện thoại của bà Trưởng và kiếm cớ về nhà xem lại lịch chính xác rồi sẽ gọi điện đặt vé sau.
Vừa quay lại nhà ga để lấy xe, tôi lại tiếp tục bị bao vây bởi 4, 5 cò vé khác, với đủ kiểu chào mời và đủ loại vé, giá vé khác nhau...
Chạy vội về nhà và lên mạng tra vé tàu, tôi chợt mỉm cười khi suy nghĩ của mình là đúng. Giá vé ngồi mềm, điều hòa, tàu TN chỉ có 826 nghìn đồng và vẫn còn vé. Vậy là suýt chút nữa tôi bị lừa và mất không 274 nghìn đồng cho cò vé.
Thụy Miên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Sau sắp xếp bộ máy tổ chức, TP.HCM giảm 129 đầu mối
1 giờ trước Theo dòng thời sự
Ngày 22.11, Thành ủy TP.HCM tổ chức hội thảo “Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo của các cấp ủy, quản lý của chính quyền; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cò vé tàu tết lộng hành