Một khía cạnh khác của những nỗ lực cải cách nền kinh tế hiện nay của Nhà nước và chính phủ bên cạnh việc cởi trói cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, còn là việc cởi trói cho các khu vực tỉnh thành trên toàn quốc.

Cởi trói cơ chế nền kinh tế: không chỉ các tỉnh ĐBSCL

Nhàn Đàm | 14/07/2016, 06:37

Một khía cạnh khác của những nỗ lực cải cách nền kinh tế hiện nay của Nhà nước và chính phủ bên cạnh việc cởi trói cho cộng đồng doanh nghiệp tư nhân trong nước, còn là việc cởi trói cho các khu vực tỉnh thành trên toàn quốc.

Với việc khoảng 80-90% số doanh nghiệp trên cả nước tập trung ở một số ít các trung tâm kinh tế lớn cũng đồng nghĩa với việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh sẽ chỉ phát huy tối đa hiệu quả trong một số ít khu vực các thành phố lớn đó mà thôi.

Vì thế khía cạnh cởi trói cho các địa phương trong cả nước trong quá trình phát triển kinh tế là điều hết sức cần thiết, không chỉ cho chính bản thân các địa phương đó, mà còn cho chính trung ương khi thực tế hiện nay 80% số tỉnh thành trên cả nước đang ở trong tình trạng không thể tự cân đối ngân sách và phải ngửa tay xin sự trợ giúp của chính phủ.

Một nền kinh tế sẽ không thể phát triển nếu như 20% số địa phương phải cong lưng ra hỗ trợ 80% địa phương còn lại. Vì vậy, hội nghị “ĐBSCL – chủ động hội nhập và phát triển” được tổ chức ngày 12.7 không chỉ đơn thuần có mục tiêu tìm kiếm lời giải cho bài toán phát triển kinh tế các tỉnh ĐBSCL, mà mới chỉlà bước đầu tiên trong việc cởi trói cho tất cả các địa phương trong cả nước.

Không phải ngẫu nhiên khi hội nghị bàn về vấn đề thúc đẩy phát triển kinh tế các địa phương lại diễn ra trước hết ở khu vực ĐBSCL. Đây không chỉ là khu vực chịu tác động nặng nề nhất từ thiên tai hạn mặn và cần có một chiến lược ứng phó và phát triển một cách cấp bách nhất, mà ĐBSCL còn có thể được xem như một trường hợp điển hình nhất cho những bất cập trong chính sách phát triển kinh tế vùng và các địa phương ở Việt Nam trong nhiều năm qua.

Chỉ cần điểm qua những con số thống kê đơn giản nhất cũng có thể nhận ra một thực tế là: ĐBSCL là một trong những khu vực giàu tiềm năng phát triển kinh tế nhất cả nước. Theo báo cáo tại hội nghị của ông Trịnh Minh Anh, chánh văn phòng ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế của bộ Công thương, thì tiềm năng của khu vực ĐBSCL bao gồm: “diện tích gần 40.000 km vuông, phù hợp phát triển nông nghiệp, có nguồn lợi thủy sản đa dạng và chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu cả nước, có trữ lượng khí đốt lớn khoảng 125 tỷ mét khối, có hơn 700 km bờ biển, khoảng 28.000 km sông ngòi”. Ngoài ra ĐBSCL còn là thị trường bán lẻ lớn thứ ba cả nước, đồng thời chiếm 70% sản lượng trái cây toàn quốc, 60% kim ngạch thủy sản và 95% lượng gạo xuất khẩu cả nước.

Nói cách khác, ĐBSCL là một trong những khu vực giàu tiềm năng nhất cả nước về phát triển kinh tế, đặc biệt là về nông nghiệp. Nhưng kết quả mà 13 tỉnh thành ở khu vực này đạt được hiện nay là gì? ĐBSCL ở thời điểm hiện tại có thể được xem như một vùng trũng về kinh tế của cả nước. Gần như không có địa phương nào của ĐBSCL nằm trong diện tự cân đối ngân sách, cơ cấu nông nghiệp chiếm chủ đạo tại cả 13 tỉnh thành nhưng chủ yếu là sản xuất ra các sản phẩm thô và không có bất cứ một khu nông nghiệp công nghệ cao nào, tỷ lệ doanh nghiệp trên đầu người lên tới 1/330 trong khi mức bình quân chung của cả nước chỉ khoảng 1/200.

Chất lượng nhân lực của 13 tỉnh thành ĐBSCL cũng thấp hơn mức trung bình cả nước, tỷ lệ lao động tốt nghiệp nghề chỉ đạt 2,64% so với mức trung bình cả nước là 5,05%, tỷ lệ lao động tốt nghiệp trung cấp chuyên nghiệp chỉ đạt 4,47% so với bình quân cả nước là 7,8%.

Lý do khiến cho một khu vực thuộc diện giàu tiềm năng phát triển kinh tế nhất cả nước như ĐBSCL lại trở thành vùng trũng và trở thành gánh nặng cho ngân sách, một phần lớn phụ thuộc vào cách thức và chiến lược phát triển kinh tế địa phương của Việt Nam không phù hợp. Đặt trọng tâm vào thế mạnh nông nghiệp, nhưng một thời gian rất dài các tỉnh ĐBSCL bị ép buộc phải thâm canh trồng lúa trên diện rộng với hiệu quả kinh tế thấp, cả 13 tỉnh thành tập trung cho nông nghiệp nhưng lại không có một khu nông nghiệp công nghệ cao nào.

Chính sách theo đuổi vị thế một cường quốc xuất khẩu gạo của Việt Nam đã khiến ĐBSCL đầy tiềm năng trở nên nghèo nàn và kiệt quệ, chỉ một đợt hạn mặn đã đủ sức xóa sổ 70-80% diện tích canh tác toàn vùng. Lẽ ra với tiềm năng lớn của mình, ĐBSCL hoàn toàn có thể trở thành một trung tâm nông nghiệp lớn của toàn bộ khu vực Đông Nam Á, thì giờ đây chúng ta chỉ có một khu vực khô cằn và lạc hậu, nghèo đói.

Câu chuyện của ĐBSCL cũng đang là câu chuyện chung của hầu hết các tỉnh thành trên khắp cả nước. Việc thiếu đi chính sách phát triển kinh tế địa phương hiệu quả đang khiến cho 51/64 tỉnh thành trở thành những vật cản trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, khi mà tính đến năm 2015 chỉ có 13/64 tỉnh thành là có thể tự cân đối được thu chi, còn lại thuộc diện phải xin trợ cấp từ phía chính phủ, có tỉnh thành lên tới cả chục ngàn tỷ đồng như Thanh Hóa và Nghệ An (theo số liệu 2013 thì chi bổ sung từ ngân sách trung ương cho Thanh Hóa là 14.427 tỷ đồng, còn Nghệ An là 10.969 tỷ đồng).

Cũng chính việc thiếu đi chính sách phát triển kinh tế địa phương hiệu quả đã khiến cho hầu hết các tỉnh thành trong cả nước đổ xô vào canh bạc thu hút vốn FDI bằng mọi giá như con đường duy nhất để đưa địa phương mình phát triển, một canh bạc mà đến thời điểm hiện tại những thiệt hại về môi trường, thuế phí đã là những hậu quả nhãn tiền.

Vì thế, trong bối cảnh chính phủ đang đẩy mạnh quá trình cải cách nền kinh tế đất nước, và nhất là khi ngân sách quốc gia đang lâm nguy và không thể chịu nổi gánh nặng hỗ trợ cho các địa phương lâu hơn nữa, thì điều tất yếu là Việt Nam cần phải có một chính sách quốc gia về phát triển kinh tế địa phương hiệu quả. Trong đó không chỉ đặt mục tiêu các địa phương tự cân đối ngân sách như phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã tuyên bố, mà còn phải là các địa phương phát triển hết tiềm năng cho phép và tạo thành động lực cho tăng trưởng kinh tế đất nước.

Khu vực ĐBSCL với những tiềm năng phát triển lớn lao của mình có thể trở thành khu vực đi đầu cho xu hướng này, trước khi lan tỏa ra các địa phương khác trên cả nước. Và để làm được điều đó, ngoài việc cần có một chính sách quốc gia về phát triển kinh tế địa phương hiệu quả (thay vì các chính sách như thâm canh cây lúa giá trị thấp như hiện nay), thì cần phải cởi trói cho các địa phương trong vấn đề phát triển kinh tế. Mỗi địa phương có tiềm năng và lợi thế riêng, và chính quyền các địa phương và các doanh nghiệp là những người hiểu rõ điều đó hơn ai hết.

Còn nếu như Việt Nam vẫn cứ theo đuổi danh hiệu hão huyền là quốc gia xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, thì tốt hơn hết là không nên đề cập đến câu chuyện phát triển kinh tế hiệu quả. Một đất nước suốt ngày đặt vấn đề an ninh lương thực lên hàng đầu, với nỗi sợ hãi về việc thiếu lương thực lấn át tất cả, thì sẽ không bao giờ có thể là một quốc gia phát triển.

Nhàn Đàm (theo The Saigon Times, CafeF)
Bài liên quan
Một số tồn tại, vi phạm trong tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp tại Bộ Giao thông vận tải
Thanh tra Chính phủ vừa có thông báo kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
1 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cởi trói cơ chế nền kinh tế: không chỉ các tỉnh ĐBSCL