Nhờ tìm thấy dư lượng hữu cơ bám dính vào những mảnh vỡ còn sót lại từ thành nồi chậu và xác định được protein chứa trong đó là là món trứng cá, các nhà khoa học kết luận con người thời kỳ đồ đá đã biết ăn trứng cá.
Theo tạp chí PLOS ONE, thành phần của protein trong các dấu vết còn lại trên các mảnh gốm vỡ từ nồi chậu cho phép các nhà khoa học xác định rằng người dân thời đồ đá cách đây 6.000 năm từng ăn món trứng cá.
Các nhà nghiên cứu tại Viện sinh học và di truyền học phân tử thuộc Hội Max Planck và Bảo tàng khảo cổ Brandenburg đã nghiên cứu các mảnh gốm được tìm thấy gần thị trấn nhỏ Friesac ở Brandenburg, cách thủ đô Berlin 70km về phía Tây Bắc. Những phát hiện đầu tiên của di tích khảo cổ Friesak4 có niên đại 10.000 năm trước Công nguyên, khi những thợ săn và người hái lượm thời đại đồ đá giữa (Mesolithic) bắt đầu đến bờ hồ, nơi họ sống từ mùa xuân đến mùa thu, tham gia săn bắn và đánh bắt cá. Các chuyến đi lại nơi đây tiếp tục cho đến giữa thiên niên kỷ thứ 6 trước Công nguyên, khi mực nước trong hồ tăng lên và khu định cư bị ngập. Nhưng sau đó, khi nước rút, mọi người lại quay về chốn này.
Từ những năm 1930, khoảng 150.000 mẫu vật của các hiện vật cổ đại đã được tìm thấy trong quá trình khai quật di tích Friesak4, bao gồm các các mảnh vỡ của tàu thuyền, các sản phẩm bằng gỗ, xương và sừng.
Trên mảnh vỡ của một trong những chiếc nồi chậu (mẫu 3258), có niên đại vào cuối thiên niên kỷ thứ 5 trước Công nguyên, nhóm nghiên cứu do Anna Shevchenko thuộc Viện sinh học và di truyền học phân tử phụ trách đã tìm thấy dư lượng hữu cơ có bám dính vào thành nồi chậu và xác định được protein chứa trong đó.
Loại protein cho thấy rõ ràng đó là món ăn trứng cá và thịt cá chép. Theo các nhà khoa học, trứng cá đã được đun trong nước sôi hoặc như món canh với lá cây phủ lên trên có thể như là một loại gia vị hoặc đơn giản là bảo vệ các món ăn khỏi bụi bặm và giúp giữ ấm thức ăn. Đáng chú ý là trong một bình khác, dấu vết protein lại cho thấy đó không phải là cá và trứng cá mà là xương lợn.
Günter Wetzel, một trong những tác giả của công trình nghiên cứu, lưu ý rằng để tiến hành nghiên cứu như vậy, các nhà khảo cổ học rất cần cẩn thận với các mẫu vật. Ví dụ, các nhà khoa học rất may mắn với mẫu vật 3258 vì các nhà khảo cổ khi phát hiện đã không rửa các mảnh vỡ, nhờ vậy mới giữ lại dấu vết của thực phẩm bị đốt cháy trên đó.
Vũ Trung Hương