Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc dịch do coronavirus gây ra đang là một bài toán tương đối khó với nền kinh tế Việt Nam.

Coronavirus ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam năm 2020?

02/02/2020, 06:33

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Học viện Tài chính cho rằng việc dịch do coronavirus gây ra đang là một bài toán tương đối khó với nền kinh tế Việt Nam.

Chuyên gia cho rằng coronavirus có ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam - Ảnh minh họa

Theo ông Thịnh, ảnh hưởng nhìn thấy ngay là nền sản xuất gặp khó khăn lớn ở cả 2 chiều. Trong năm 2018, 2019, nhập khẩu từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng rất nhanh. Đây là nguồn nhiên, nguyên, vật liệu đầu vào để cho nền sản xuất Việt Nam có thể tăng trưởng. Nếu như xuất khẩu trong 2019 tăng trưởng hơn 8% thì cái nhập khẩu từ phía Trung Quốc cũng tăng trưởng rất lớn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch, quan hệ đầu vào của Việt Nam sẽ có vấn đề nếu nền kinh tế của Trung Quốc khó khăn. Những khu công nghiệp lớn của Trung Quốc cũng chịu tác động lớn vì người dân nhiều nơi bị cô lập, lượng hàng hóa họ cung cấp cho Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

“Dịch cúm này không chỉ tác động trên địa bàn Trung Quốc mà còn tác động với nền kinh tế thế giới, làm cho việc xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc cũng khó khăn. Cùng với đó, việc xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam ra thế giới cũng gặp khó khăn do giá cả tăng lên do nguyên liệu đầu vào tăng”, ông Thịnh nói.

Cũng theo chuyên gia này, các nhà đầu tư trên thế giới lo ngại dịch sẽ có việc trốn tránh đầu tư, mà đầu tư vào vàng, tài sản khác thay vì sản xuất. Việc này khiến giao thương thế giới có thể thấp hơn nữa.

Bên cạnh đó, việc tiêu dùng của người dân cũng bị co hẹp lại khi họ không muốn đến đám đông, không muốn lễ hội thì hàng hóa tiêu thụ cũng chậm lại.

Đối với ngành du lịch, ông Thịnh cho hay, những năm gần đây, ngành này đem lại nguồn lợi lớn cho nền kinh tế. Trong đó, lượng khách hàng từ Trung Quốc là rất lớn. Việc dịch bệnh khiến hoạt động du lịch giảm sút đi, đặc biệt là khách hàng Trung Quốc.

“Không chỉ khách Trung Quốc mà khách ở Mỹ, Âu… cũng giảm sút vì tình hình dịch bệnh, người dân có xu hướng hạn chế du lịch, hạn chế đến những nơi đông người. Nếu dịch cúm này không nhanh chóng dập tắt thì sẽ ảnh hưởng nhiều đến kinh tế của nước ta”, ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhận định rằng, trước đây nhiều ý kiến lo lắng nền kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng vào năm 2020. Nền kinh tế Mỹ có thể chậm lại và rơi vào khủng hoảng. Tuy nhiên, thời điểm này có thể thấy nền kinh tế thế giới co thể chậm lại nhưng chưa thể rơi vào khủng hoảng trong năm nay. Do đó, việc đạt được các mục tiêu do Quốc hội đề ra là có thể đạt được.

Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ phân tích, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đến sản xuất, xuất khẩu và đưa ra giải pháp, kiến nghị bám sát thực tiễn.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, dịch sẽ tiếp tục có diễn biến ngày càng phức tạp, khó dự đoán về thời điểm kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và sẽ gây ảnh hưởng trong ngắn hạn và dài hạn đến hợp tác thương mại, kinh tế giữa Việt Nam và Trung Quốc ở 3 phương diện: Xuất khẩu các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam sang Trung Quốc; giao lưu, trao đổi và giao dịch giữa doanh nghiệp hai nước; tiến trình thúc đẩy đàm phán mở cửa thị trường và tháo gỡ khó khăn đối với một số sản phẩm có thế mạnh của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ cần phân tích, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đến sản xuất, xuất khẩu và đưa ra giải pháp, kiến nghị bám sát thực tiễn, không chung chung, phiến diện. Ngoài việc lập tổ công tác xây dựng báo cáo, đánh giá tác động và đề xuất từng giải pháp đối phó với dịch viêm phổi cấp nCoV…, Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cá nhân, người đứng đầu các đơn vị.

“Trong bối cảnh hội nhập mới nhưng lại có dịch bệnh diễn biến phức tạp thì sẽ tác động như thế nào đến hoạt động giao thương, trong đó có xuất, nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam?”, Bộ trưởng nêu câu hỏi.

Người đứng đầu ngành Công Thương yêu cầu các đơn vị tiếp tục nghiên cứu sâu, đánh giá toàn diện tác động của dịch nCoV đối với cả thị trường trong và ngoài nước trên cơ sở đánh giá một cách tổng quan, toàn diện thông qua cập nhật các diễn biến, đưa ra các phân tích, dự báo những tác động lớn đến Việt Nam do dịch bệnh từ cấp độ thấp nhất đến cao nhất để đưa ra các giải pháp cả trong ngắn và dài hạn.

Những đánh giá, phân tích cần gắn với bối cảnh hội nhập, mở cửa thị trường hàng hoá, đồng thời, phải gắn với quá trình tái cơ cấu sản xuất, trong đó giải pháp đưa ra phải bao gồm cả việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị gia tăng của hàng hoá, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

“Việc tìm kiếm, mở rộng thị trường là cần thiết và trên thực tế Bộ Công Thương đã và đang tích cực triển khai, tuy nhiên, trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch nCoV thì trước hết cần tập trung vào những thị trường có tiềm năng và còn dư địa phát triển”, Bộ trưởng yêu cầu.

Liên quan đến việc xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, Cục Xuất nhập khẩu đã có văn bản gửi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam đề nghị thông báo cho các doanh nghiệp logistics ưu tiên cho các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản thuê kho lạnh với mức giá ưu đãi tại thời điểm hiện nay.

Cục đã đề nghị Thương vụ tại các nước hiện đã chính thức cho phép nhập khẩu thanh long (ruột trắng, ruột đỏ) của Việt Nam chủ động tổ chức làm việc, trao đổi với Hiệp hội và các doanh nghiệp nhập khẩu có uy tín ở nước sở tại để cung cấp thông tin và kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở đóng gói xuất khẩu thanh long của tỉnh Long An nói riêng và của cả nước nói chung nhằm hỗ trợ tăng cường tiêu thụ và xuất khẩu, giảm bớt sự phụ thuộc vào một thị trường.

Lam Thanh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư Tô Lâm tiếp đoàn kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình 'Xuân quê hương 2025'
2 giờ trước Sự kiện
Chiều 19.1, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tiếp đoàn 100 kiều bào tiêu biểu tham dự chương trình "Xuân quê hương 2025" do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao tổ chức.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Coronavirus ảnh hưởng thế nào đến kinh tế Việt Nam năm 2020?