Đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động sản xuất.

COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam

Lam Thanh | 08/09/2021, 16:52

Đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, đình trệ các hoạt động sản xuất.

Phát biểu tại Diễn đàn trực tuyến “Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi”, ông Phạm Ngọc Thạch, Phó ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI cho biết tác động của COVID-19 tới cộng đồng doanh nghiệp là hết sức nghiêm trọng. Theo đó, có đến 87,2% doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Dẫn nguồn số liệu của Tổng cục Thống kê, ông Thạch cho biết số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường trong 8 tháng đầu năm là 85,5 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm 2020.

dddn.png
Diễn đàn "Sáng tạo kinh doanh trong môi trường biến đổi"

Ông Thạch cũng chia sẻ việc cung ứng vật tư đầu vào không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test COVID-19. Nhiều doanh nghiệp phải tạm ngừng sản xuất. Số ít thực hiện mô hình sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 điểm đến” thì công suất thấp do thiếu nhân lực, kèm theo đó là chi phí rất lớn. Thiệt hại lớn khi bị phạt hợp đồng do chậm tiến độ giao hàng, bị hủy đơn hàng”.

“Tôi cho rằng những con số này vẫn chưa đủ để nói nên những khó khăn của doanh nghiệp trong thời điểm hiện tại”, ông Thạch nhấn mạnh.

Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế cho rằng COVID-19 làm gia tăng khủng hoảng kinh tế và địa - chính trị, đứt gãy chuỗi cung ứng trên phạm vi toàn cầu và nhiều hệ lụy nghiêm trọng khác.

Đối với Việt Nam, đại dịch COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn đối với nền kinh tế , gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; gây gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, làm đình trệ các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; tác động trực tiếp đến các ngành xuất, nhập khẩu, hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống, y tế, giáo dục, lao động, việc làm; nhiều doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô...; ảnh hưởng mạnh đến tâm lý và đời sống nhân dân.

Theo báo cáo của Chính phủ tháng 6 vừa qua đã chỉ ra những vấn đề đáng quan ngại như xu hướng doanh nghiệp rời khỏi thị trường đang ở mức khá cao (tăng 23%), trong đó có cả doanh nghiệp lớn, cho thấy sức chống chịu của nhiều doanh nghiệp đã tới hạn.

Ngoài ra, cán cân thương mại có chiều hướng thiên về nhập siêu; các thị trường bất động sản, vàng, chứng khoán còn tiềm ẩn rủi ro; sức hấp dẫn của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài có xu hướng giảm; giải ngân đầu tư công chậm (mới đạt 22,12% kế hoạch năm); giải ngân vốn nước ngoài rất thấp (chỉ có 2,97%); đời sống người dân khó khăn, đặc biệt là người lao động làm ở khu công nghiệp…

Tuy nhiên, theo ông Trịnh Minh Anh, bên cạnh những thách thức trên, đây cũng là cơ hội để chúng ta tìm những hướng đi mới trong phát triển nền kinh tế. Trong bối cảnh các nước đang chịu tác động cộng hưởng của đại dịch COVID-19, việc đẩy mạnh hợp tác quốc tế và áp dụng hiệu quả công nghệ số là một trong những giải pháp quan trọng. Việc này góp phần tạo động lực mới cho tăng trưởng và phục hồi kinh tế; từ đó bảo đảm phát triển bền vững, bao trùm và toàn diện.

Theo chuyên gia này, cần có sự hợp tác để tăng cường thương mại điện tử qua biên giới trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi, qua đó giúp thúc đẩy xuất khẩu giữa Việt Nam và các nước. Ngoài ra, thách thức từ đại dịch COVID-19 đối với nền kinh tế cũng như “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, đây là cơ hội thanh lọc nền kinh tế.

kd.png
Ông Trịnh Minh Anh, Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế

"Việt Nam là nền kinh tế mở, cần ứng xử ra sao, đâu là cơ hội, đâu là thách thức", ông Trịnh Minh Anh đặt câu hỏi và cho biết: "Nền kinh tế Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và nền kinh tế có độ mở lớn (hơn 200%)”.

Trong bối cảnh đại dịch COVID có thể còn kéo dài, ông Trịnh Minh Anh cho rằng Việt Nam cần phòng ngừa, ứng phó với các bất ổn từ bên ngoài, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, sinh kế, việc làm, đời sống đối với người lao động, người nghèo, người yếu thế.

Song song với đó, Việt Nam cần tiếp tục tăng cường vận động, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực từ bên ngoài để phổ cập vắc xin cho toàn dân, sớm mở cửa trở lại ở những vùng bị giãn cách. Thực tế vừa qua, công tác ngoại giao vắc xin, ngoại giao khẩu trang của Việt Nam đã làm rất tốt;

Ngoài ra, ông Trịnh Minh Anh cũng chia sẻ, Việt Nam cần tiếp tục tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn, phù hợp với xu thế mới, có khả năng cạnh tranh; hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận các hình thức sản xuất kinh doanh mới, hiện đại, đủ sức tham gia ngay các chuỗi giá trị mới…

Chánh văn phòng Ban chỉ đạo liên ngành hội nhập quốc tế về kinh tế đưa ra khuyến nghị, để thích ứng với đại dịch, các doanh nghiệp cần xem xét chuyển đổi mô hình kinh doanh mới bởi các quy trình, hệ thống, nguyên tắc trước đây có thể chỉ phù hợp trong bối cảnh cũ; đầu tư cho khoa học - công nghệ (KHCN) và đổi mới sáng tạo, đặc biệt là áp dụng công nghệ 4.0 trong cả phương thức sản xuất lẫn phương thức giao dịch với khách hàng.

Ngoài ra, doanh nghiệp cần duy trì kết nối với khách hàng song phải đảm bảo an toàn cho mình và cho khách hàng trong đại dịch. Đồng thời nghiên cứu, tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời tăng cường sự chủ động, linh hoạt ứng phó trước những diễn biến của thị trường trong nước và quốc tế.

Cuối cùng, ông Anh cho rằng doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược kinh doanh hậu COVID-19 để kịp thời nắm bắt những cơ hội khi nền kinh tế phục hồi, trong đó có việc tận dụng tốt các cam kết trong các FTA mà Việt Nam đã ký với các nước đối tác để khôi phục, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút đầu tư.

Bài liên quan
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ thương mại và kinh tế số
Phát biểu tại dự Hội nghị thượng đỉnh thương mại dịch vụ toàn cầu năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam sẵn sàng cùng Trung Quốc và các nước thúc đẩy quan hệ thương mại dịch vụ nói chung và kinh tế số nói riêng không ngừng phát triển.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
29 phút trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
COVID-19 đang đặt ra những thách thức to lớn cho nền kinh tế Việt Nam