Tại SEA Games 32 vừa qua, cử tạ Việt Nam có thành tích khả quan khi giành 4 HCV, gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra và chỉ sau Indonesia. Tuy nhiên, nếu chiếu theo chuẩn Olympic thì khá bi quan.

Cử tạ đáng ra phải là mỏ huy chương Olympic cho Việt Nam

Đặng Hoàng | 26/05/2023, 08:35

Tại SEA Games 32 vừa qua, cử tạ Việt Nam có thành tích khả quan khi giành 4 HCV, gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra và chỉ sau Indonesia. Tuy nhiên, nếu chiếu theo chuẩn Olympic thì khá bi quan.

Sau HCB taekwondo của Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000, tấm huy chương đầu tiên của Việt Nam tại thế vận hội, thì Việt Nam có thêm 4 huy chương sau đó. Thế nhưng mọi người thường chỉ nhớ đến tấm HCV môn bắn súng của Hoàng Xuân Vinh tại Olymic Brazil 2016, và đó cũng là kỳ Olympic Xuân Vinh còn có thêm một HCB.

Tuy nhiên, bắn súng là môn thể thao đặc thù, tốn kém mà chỉ có các VĐV dạng chuyên nghiệp mới tiếp xúc được. Để lặp lại thành công như Xuân Vinh có lẽ cần vận may nhiều hơn chứ không chỉ khổ luyện. Bằng chứng là một năm sau, Xuân Vinh không giành được bất kỳ huy chương nào tại SEA Games.

cuta.jpg
Hoàng Anh Tuấn giành HCB cử tạ tại Olympic Bắc Kinh 2008

Trong bài này, chúng tôi sẽ nhắc đến môn cử tạ vì đây là bộ môn mà Việt Nam có 2 VĐV giành huy chương Olympic. Đây cũng là bộ môn duy nhất mà Việt Nam có huy chương tại 2 kỳ thế vận hội khác nhau nhưng lại ít được người ta nhớ tới. Đó chính là tấm HCB của Hoàng Anh Tuấn ở hạng 56kg tại Bắc Kinh 2008 (với tổng khối lượng là 290kg, kém VĐV đoạt HCV đúng 2kg) và HCĐ của Trần Lê Quốc Toàn cùng hạng cân tại London 2012 (với tổng khối lượng 284kg, kém VĐV đoạt HCV 9kg, VĐV đoạt HCB 5kg).

Với 2 thành công liên tiếp đó, chúng ta ngỡ cử tạ Việt Nam sẽ dần có chỗ đứng tại làng thể thao thế giới, đặc biệt là hạng cân 56kg sở trường. Nhưng tại Olympic 2016, Quốc Toàn không bảo vệ được tấm HCĐ khi chỉ nâng được 275kg, kém 9kg so với 4 năm trước. Trong khi đó, Long Qingquan của Trung Quốc nâng được 307kg để đoạt HCV.

Tại Olympic 2008, Long Qingquan chỉ nâng được 292kg, hơn Hoàng Anh Tuấn đúng 2kg. Nhưng sau 8 năm, Long chẳng những không tụt thành tích mà còn cải thiện thêm 15kg. Tấm HCĐ năm 2016 rơi vào tay VĐV Thái Lan Sinphet Kruaithong một cách thuyết phục khi anh nâng được 289kg, hơn 5kg so với tích đoạt HCĐ của Quốc Toàn năm 2012.

Chúng ta có thể thấy ở hạng 56kg thì từ Olympic 2008 đến 2016, thành tích của các VĐV tăng bứt phá. Từ chỗ trên dưới 290kg là có huy chương thì các giải sau phải trên dưới 300kg thì mới có huy chương. Nhưng ngược với xu thế đó thì cử tạ Việt Nam ở hạng cân này đi giật lùi từ 290kg của Hoàng Anh Tuấn xuống 284kg của Trần Quốc Toàn, rồi xuống 275kg…

Thành tích cử tạ Việt Nam rơi... tự do!

Tại Olympic 2020, ban tổ chức bỏ hạng cân 56kg nam mà nâng mức thấp nhất là 61kg. Thạch Kim Tuấn dù được tham gia nhưng chỉ thực hiện được cử giật 126kg và thất bại cử đẩy ở mức 150kg. Cho dù Tuấn có thành công đi chăng nữa thì với tổng khối lượng 276kg thì cũng chẳng có huy chương. Ở nội dung này, Li Fabin của Trung Quốc giành HCV với 313kg, phá luôn kỷ lục Olympic. VĐV đoạt HCB là lực sĩ Indonesia Eko Yuli Irawan với khối lượng nâng cũng 302kg. VĐV đoạt HCĐ Igor Son của Kazakhstan cũng nâng được 294kg.

Nhưng cử tạ vẫn là một môn sáng cửa có huy chương cho Việt Nam và các VĐV Đông Nam Á, đặc biệt là những hạng cân thấp. Như đã từng nói, các VĐV phương Tây… thường tập trung ở những hạng cân nặng, còn các VĐV châu Á thường tập trung ở hạng cân nhẹ hơn nên dễ lựa chọn người có tố chất. Việc bỏ hạng cân 56kg là thiệt thòi với các VĐV Việt Nam nhưng không có nghĩa là cánh cửa đã khép lại. Việc VĐV Indonesia đoạt HCB cử tạ hạng 61kg tại Olympic vừa qua là một minh chứng.

Thực tế, Indonesia đã giành đến 15 huy chương thế vận hội tại môn cử tạ, tất cả đều từ Olympic 2000 đến nay. Riêng Olympic 2020, Indonesia có đến 3 huy chương cử tạ, trong đó có 2 tấm ở những hạng cân thấp nhất dành cho nam và nữ.

Cử tạ cũng giúp Thái Lan giành đến 14 huy chương thế vận hội, trong đó có 5 tấm HCV. Các huy chương cử tạ của Thái Lan cũng giành từ năm 2000 đến nay và tập trung hầu hết ở các hạng cân thấp.

Philippines trước Olympic 2016 không có huy chương cử tạ nào, tức là kém hơn Việt Nam. Nhưng đến Olympic 2016, họ đã có tấm HCB cử tạ của Hidilyn Diaz ở hạng dưới 53kg và giải vừa qua tại Tokyo thì lại Hidilyn Diaz giúp Philippines có HCV cử tạ ở hạng dưới 55kg nữ.

Tại SEA Games 32 vừa qua, cử tạ Việt Nam có thành tích khả quan khi giành 4 HCV, gấp đôi so với chỉ tiêu đề ra, đồng thời chỉ xếp sau Indonesia. Tuy nhiên, nếu chiếu theo chuẩn Olympic thì khá bi quan. Trong 7 hạng cân dành cho nam thì 4 HCV thuộc về Việt Nam, nhưng HCV của Lạc Gia Thành (dưới 55kg) và Trần Minh Trí (dưới 67kg) lại không tranh tài tại Olympic 2024. Thành tích của Nguyễn Quốc Toàn (dưới 89kg) và Trần Đình Thắng (trên 89kg) lại kém rất xa chuẩn Olympic. Trong khi đó, Eko Yuli Irawan của Indonesia giành HCV SEA Games 32 hạng dưới 61kg còn có thành tích nhiều hơn 1kg so với khi lực sĩ này đoạt HCB Olympic 2020.

Còn ở cử tạ nữ, các lực sĩ Việt Nam chẳng những không có HCV nào mà ở các nội dung Olympic là dưới 49kg, dưới 59kg và dưới 71kg chỉ có 1 HCĐ của Hoàng Thị Duyên (208kg) - kém rất xa thành tích có huy chương tại Olympic. Trong khi đó, VĐV đoạt HCV SEA Games là Elreen Ando của Philippines đã phá kỷ lục với 216kg và thành tích đó đủ khả năng tranh chấp huy chương thế vận hội.

Điều đó cho thấy, cử tạ Việt Nam đang bị “lạc đề” trong việc đào tạo VĐV để tranh chấp huy chương tại Olympic. Chúng ta giành được thứ hạng cao ở những hạng cân lẻ trong khi ở hạng cân chuẩn Olympic lại không có người tài, mà người tài thì phụ thuộc vào việc đầu tư trọng điểm.

Xa hơn, phong trào cử tạ Việt Nam quả thực còn yếu so với các nước trong khu vực. Đây là điều thật sự đáng tiếc vì cử tạ là bộ môn không tốn kém, mọi trường học, mọi thôn xóm đều có thể phát triển bộ môn cử tạ khi vật dụng chế tạo rất đơn giản, rẻ tiền. Chỉ cần có chương trình phổ biến kỹ năng tập sao cho an toàn và có lợi cho sức khỏe là sẽ có nhiều người hào hứng tham gia.

Nếu phong trào tìm tài năng cho bộ môn cử tạ được phát triển mạnh khắp nơi thì việc tìm ra những người có tố chất đặc biệt sẽ dễ hơn nhiều. Tố chất người Việt Nam không thua kém gì Thái Lan, Indonesia hay Philippines nên việc 3 nước láng giềng có huy chương cử tạ sẽ là động lực để chúng ta suy nghĩ, tìm cách vượt qua những vật cản để bước đến bục vinh quang.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ, bền vững Việt Nam-Malaysia
36 phút trước Sự kiện
Phó thủ tướng, Chủ tịch đảng UMNO, Dr. Ahmad Zahid Hamidimong muốn hai bên tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa quan hệ trên cả kênh nhà nước và kênh đảng trong năm 2025 khi Malaysia là Chủ tịch ASEAN.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cử tạ đáng ra phải là mỏ huy chương Olympic cho Việt Nam