Khi lãnh đạo Sông Lam Nghệ An thông báo sẽ cắt toàn bộ mức thưởng hòa hoặc thắng tại V-League 2023, có nghĩa là SLNA FC đang đối mặt với muôn trùng khó khăn trước cơn bão kinh tế đang càn quét trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam

Bóng đá Việt Nam: Thà một lần đau

Đặng Hoàng | 23/05/2023, 21:15

Khi lãnh đạo Sông Lam Nghệ An thông báo sẽ cắt toàn bộ mức thưởng hòa hoặc thắng tại V-League 2023, có nghĩa là SLNA FC đang đối mặt với muôn trùng khó khăn trước cơn bão kinh tế đang càn quét trên khắp các lĩnh vực của nền kinh tế Việt Nam

slna.jpg
SLNA là đội bóng giàu truyền thống bậc nhất tại V-League

Đầu mùa giải, mức thưởng dành cho các cầu thủ SLNA FC là 500 triệu hoặc 400 triệu đồng cho một trận thắng trên sân khách hoặc sân nhà, 200 triệu cho một trận hòa trên sân khách. Nhưng bây giờ, khi V-League quay lại sau thời gian nghỉ để tập trung cho SEA Games 32, SLNA FC không chỉ bị thông báo cắt tất cả khoản thưởng mà chủ trương của trên cũng thay đổi chiến lược: ưu tiên sử dụng cầu thủ trẻ, các cầu thủ chỉ nhận lương và sẽ không có phí lót tay.

Thông báo liên quan đến cắt giảm kinh phí như thế này là tín hiệu báo trước tình hình hoạt động của SLNA FC sẽ rất khó khăn trong thời gian tới. Còn khó khăn ra sao, thậm chí có khả năng giải thể hay không, chỉ có thời gian mới có câu trả lời chính xác.

Bóng đá chuyên nghiệp không kiếm được tiền chuyên nghiệp

Hơn 20 năm từ bóng đá bao cấp chuyển qua bán chuyên nghiệp rồi chuyên nghiệp, chưa có câu lạc bộ bóng đá nào của Việt Nam sống được bằng hoạt động bóng đá, thay vào đó hoàn toàn phụ thuộc vào túi tiền cùng niềm đam mê của các ông bầu.

Thật ra ngân sách nhà nước cũng có hỗ trợ, nhưng khoản kinh phí này quá ít so với nhu cầu thực của một CLB bóng đá thi đấu ở V-League. Thực tế này đã tạo nên những hệ lụy với không chỉ các đội bóng mà với cả nền bóng đá.

Trong lịch sử V-League, đã có 7 đội bóng giải thể như Hòa Phát Hà Nội, Xuân Thành Sài Gòn, Khatoco Khánh Hòa, Navibank Sài Gòn, Hà Nội ACB, Kiên Giang, Ninh Bình, Than Quảng Ninh, và trước mùa bóng 2023 thêm 2 đội hạng nhất bị xóa tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam là Cần Thơ, Sài Gòn FC. Trước đó là những đội hạng nhất cũng không thể duy trì hoạt động và tự động rời cuộc chơi là Tây Ninh, An Giang. Những cuộc ra đi này, nguyên nhân đều đến từ vấn đề tài chính. Không loại trừ con số sẽ tăng thêm trong thời gian tới khi sinh mạng các câu lạc bộ ở V-League vẫn dựa hoàn toàn vào ngân sách tài trợ chứ không phải kinh doanh thuần túy.

Nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn kéo theo tình hình kinh doanh vất vả chung của các doanh nghiệp. Trong khi đó số tiền đầu tư cho một đội bóng thi đấu ở V-League mỗi năm ít nhất không dưới 60 tỉ đồng, thậm chí còn trên 100 tỉ đồng. Đây là khoản chi sẽ được các doanh nghiệp ưu tiên cắt giảm, bởi đầu tư bóng đá ở Việt Nam hiện nay chưa thể kiếm được lợi nhuận từ bóng đá.

Ngay như Topenland Bình Định được ví là đại gia mới nổi khi từng nhận được gói tài trợ 300 tỉ đồng trong 3 năm, vậy mà chưa hết 3 năm, Giám đốc Công ty cổ phần Bình Định Sports Nguyễn Hữu Sang đã gửi công văn đến các cấp lãnh đạo tỉnh Bình Định cầu cứu. Cụ thể là: 

- Đề xuất xem xét trích ngân sách địa phương hoặc kêu gọi các đơn vị khác để tài trợ một phần kinh phí khen thưởng cho những thành tích CLB Topenland Bình Định đạt được với số tiền là 15 tỉ đồng.

- Đề xuất lãnh đạo tỉnh giúp đỡ tìm kiếm, kêu gọi thêm các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân trên khắp cả nước và nước ngoài cùng chung tay ủng hộ tối thiểu 50% kinh phí hoạt động cho CLB.

Trước tình hình rất khó khăn của 2 nhà tài trợ chính (gồm Topenland và một nhà tài trợ khác), trong công văn, ông Sang trình bày rất rõ ràng như sau:

"Trường hợp nếu chưa nhận được sự hỗ trợ kịp thời từ các quý cơ quan tỉnh thì khả năng sẽ tác động trực tiếp đến hoạt động của đội bóng và không loại trừ kết quả xấu nhất trong mùa giải sắp tới của đội bóng sẽ xảy ra, và Bình Định Sport cũng khó có thể tiếp tục quản lý điều hành đội bóng sau mùa giải 2023".

Như vậy thông điệp của Bình Định Sport gửi lãnh đạo tỉnh Bình Định rất rõ là nếu các bên không tìm được tiếng nói chung về lời giải cho bài toán kinh phí, không loại trừ khả năng: CLB Topenland Bình Định sẽ giải thể sau mùa bóng 2023!

Thuận theo tự nhiên

Với người hâm mộ bóng đá Việt Nam, giờ đây tất cả đều bình thản đón nhận những thông tin về mối nguy tài chính như thế này, bởi đây là cái kết đã được báo trước, đặc biệt trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn hiện nay.

Vậy đâu là lời giải để xua tan dần bóng mây ảm đạm đe dọa vận mệnh của các đội bóng chuyên nghiệp Việt Nam?

Không còn con đường nào khác là tất cả thành viên đội bóng phải chia sẻ với các nhà đầu tư: cắt giảm toàn bộ thu nhập từ lương, thưởng cho đến phí lót tay. Đây là giải pháp tốt nhất hiện nay, và cũng là thiết thực nhất để các đội bóng đang khó khăn tài chính có thể tồn tại và duy trì hoạt động.

Nếu không thế, thì việc đội bóng phải giải thể là cái kết sẽ đến và phải đến.

Cũng đã đến lúc VFF nhìn lại công tác tổ chức để tái cấu trúc lại hệ thống bóng đá chuyên nghiệp đang đầu to đít teo với 14 đội V-League mà chỉ có 10 đội hạng nhất, thay vì số lượng đội ở hạng dưới luôn nhiều hơn hạng ở trên.

Làm sao chân đế phải luôn rộng để phần đỉnh tuy ít nhưng vững chắc và chất lượng? Tất cả đều phải có lộ trình tái cấu trúc. Thế nhưng VFF vẫn chưa đưa ra được quy trình thiết lập lại mô hình theo chuẩn mực quốc tế. Do đó, nhân cái rủi khó khăn kinh tế hiện nay, VFF nên biến thành cái may khi quy hoạch cắt giảm lại số lượng đội ở V-League.

Có cần thiết giữ con số 14 đội ở V-League trong khi không ít đội thiếu trước hụt sau?

Khi giảm số đội đỉnh cao, mọi thứ liên quan chắc chắn sẽ tinh gọn và chất lượng hơn. Những đội nào không đủ khả năng tồn tại để phát triển ở V-League thì xuống sống khỏe hơn ở hạng nhất, thậm chí xuống cả hạng nhì. Từ đây số lượng đội hạng nhất sẽ nhiều hơn V-League, cũng như hạng nhì sẽ nhiều hơn hạng nhất, khi đó mô hình bóng đá chuyên nghiệp của Việt Nam không còn bị lệch pha với thế giới nữa.

Tất cả nên để thuận tự nhiên. Bóng đá Việt Nam thà một lần đau để phát triển còn hơn mãi mãi sống trong túng thiếu và thấp thỏm bị xóa sổ!

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Ba kịch bản về lạm phát năm 2024
Ba kịch bản lạm phát năm 2024 tương ứng với CPI bình quân năm lần lượt là 3,8%, 4,2% và 4,5%.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bóng đá Việt Nam: Thà một lần đau