Trung Quốc vừa cam kết sẽ hỗ trợ thêm 60 tỉ USD cho châu Phi mà không gắn với bất kỳ sự ràng buộc nào. Song nhiều nhà phê bình lo ngại rằng, Bắc Kinh đang khiến cho các nước nghèo lâm vào “bẫy nợ”.

Của cho là của nợ

06/09/2018, 12:50

Trung Quốc vừa cam kết sẽ hỗ trợ thêm 60 tỉ USD cho châu Phi mà không gắn với bất kỳ sự ràng buộc nào. Song nhiều nhà phê bình lo ngại rằng, Bắc Kinh đang khiến cho các nước nghèo lâm vào “bẫy nợ”.

Ảnh minh họa từ Knowledge.wharton.upenn.edu

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đầu tuần này đã tiếp đón 40 nhà lãnh đạo của châu lục nghèo nhất thế giới tại Hội nghị thượng đỉnh diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi (FOCAC) 2018 diễn ra tại Bắc Kinh.

Tại hội nghị Trung Quốc cam kết cung cấp cho châu Phi thêm 60 tỉ USD và tuyên bố sẽ không áp đặt mong muốn của Bắc Kinh vào các hỗ trợ này.

“Đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi không đi kèm với bất kỳ điều kiện chính trị nào và Trung Quốc sẽ không can thiệp vào chính trị nội bộ của các nước, cũng như không đưa ra những đòi hỏi mà mọi người cảm thấy khó thực hiện”, ông Tập Cận Bình nói trong một bài phát biểu tại diễn đàn hôm thứ Hai rồi.

Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh, số tiền trên sẽ tập trung vào cải thiện cơ sở hạ tầng để giúp tăng tốc độ phát triển của các nước châu Phi, chứ không phải để thực hiện “các dự án phù phiếm”.

Theo Washington Post, khoản trợ giúp 60 tỉ USD trên bao gồm 15 tỉ USD tài trợ, các khoản vay không có lãi và các khoản vay ưu đãi, 20 tỉ USD tín dụng hạn mức và một quỹ đặc biệt trị giá 10 tỉ USD dành cho tài trợ phát triển.

Gói này là một phần trong Sáng kiến Vành đai và Con đường, một dự án trị giá 120 tỉ USD của ông Tập, nhằm liên kết 65 quốc gia ở châu Âu, châu Á và châu Phi - chiếm gần 2/3 dân số thế giới - thông qua các dự án cơ sở hạ tầng và thương mại.

Với những tuyên bố trên, Bắc Kinh đang muốn đẩy lùi những lời chỉ trích cho rằng họ đang “trói buộc” các nước nghèo bằng gánh nặng nợ nần. Trung Quốc đang muốn xây dựng hình ảnh như một quốc gia hào phóng, với động cơ duy nhất chỉ là chia sẻ kinh nghiệm và giúp đỡ châu Phi phát triển.

Vào thời điểm Tổng thống Mỹ D.Trump chọn sử dụng vũ khí thương mại để “đấu” với các nước láng giềng và đồng minh của Mỹ, thì lãnh đạo Trung Quốc tận dụng cơ hội này để xuất hiện như một người ủng hộ tự do hóa thương mại.

Trong 2 thập kỷ qua, Trung Quốc từ một nhà đầu tư tương đối nhỏ ở châu Phi đã trở thành đối tác kinh tế lớn nhất châu lục, với thương mại song phương tăng khoảng 20% mỗi năm, theo một báo cáo từ Công ty Tư vấn McKinsey (Mỹ) vào năm ngoái. Đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc ở châu Phi đã tăng 40% mỗi năm. Kể từ năm 2000, Trung Quốc đã bơm hơn 124 tỉ USD vào châu Phi.

“Chúng tôi hưởng lợi rất nhiều từ sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các chương trình kinh tế và xã hội”, Tổng thống Rwanda Paul Kagame, hiện là Chủ tịch Liên minh châu Phi, nói với tờ Nhân dân Nhật báo.

Nhưng, đằng sau những lời hoa mỹ đó, có một thực tế là các khoản vay của Trung Quốc luôn được thế chấp bằng những tài sản quốc gia có tầm quan trọng chiến lược như tài nguyên khoáng sản, dầu mỏ, cảng biển...

Năm ngoái, Djibouti - một quốc gia nhỏ ở vùng Sừng châu Phi, đã phải đồng ý cho Bắc Kinh thiết lập căn cứ hải quân trên lãnh thổ của mình vì không thể trả nợ.

Món nợ lớn từ Trung Quốc cũng khiến Kenya phải nhượng cho Bắc Kinh hải cảng sầm uất Mombasa - cánh cửa vào vùng Đông Phi rộng lớn.

Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, Zambia có tổng sản phẩm quốc nội 19,5 tỉ USD, nhưng vay của Trung Quốc khoảng 6,4 tỉ USD.

“Tại sao Trung Quốc, một quốc gia có hơn 100 triệu người vẫn sống dưới mức nghèo khổ, lại hào phóng đến như vậy?”, giáo sư luật của Đại học Thanh Hoa Xu Zhangrun đặt câu hỏi, tờ Los Angeles Times trích dẫn.

Câu hỏi đó dường như cũng là câu trả lời.

Minh Đức/TBKTSG

Bài liên quan
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc gặp Nvidia khi rộ tin Mỹ sắp trừng phạt thêm 200 công ty chip
Nhà đàm phán thương mại hàng đầu Trung Quốc đã gặp người đứng đầu bộ phận kinh doanh toàn cầu của Nvidia hôm 25.11, trước khi Mỹ dự kiến ​​sẽ gia tăng các hạn chế với ngành công nghiệp bán dẫn Trung Quốc, có thể diễn ra sớm nhất là trong tuần này.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Tổng Bí thư trao đổi chuyên đề 'Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam'
3 giờ trước Sự kiện
Chiều 25.11, tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Giáo sư, Tiến sĩ Tô Lâm, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam trực tiếp trao đổi chuyên đề “Kỷ nguyên phát triển mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Của cho là của nợ